Dân Việt

Vỡ nợ tín dụng “đen”: Nguy cơ "bung" tiếp

19/10/2011 14:11 GMT+7
Công an Hà Nội đang tiếp tục đấu tranh, kiên quyết thu hồi tài sản cho nhân dân. Ngoài ra, nhiều vụ vỡ nợ tín dụng “đen” khác đang âm ỉ và có khả năng bung ra trong thời gian tới.

Đại tá Đinh Văn Toản ( Phó giám đốc Công an Hà Nội) trao đổi về quá trình điều tra một loạt vụ vỡ nợ vừa xảy ra.

img
Khám nhà Phạm Thị Chinh, người bị tố cáo vỡ nợ hàng chục tỷ đồng.

Nguy cơ tiếp tục xảy ra vỡ nợ

Theo đại tá Toản, từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi lừa đảo huy động vốn, tài sản của nhân dân liên quan đến tín dụng “đen”. Trong đó, có một số vụ lừa tiền với số lượng lớn như vụ Quang Quyên ở Đan Phượng (số tiền trên 300 tỷ đồng), vụ Hà Đông (trên 200 tỷ đồng), Phú Xuyên (500 tỷ đồng)…

“Khi vụ việc vỡ lở, đối tượng vay thường nói là hai bên thỏa thuận dân sự, gây khó khăn cho CQĐT. Tuy nhiên, quá trình hoạt động tội phạm bao giờ cũng bộc lộ những sơ hở không thể che đậy được. Ví dụ các đối tượng nói với người dân vay tiền để kinh doanh nhưng thực tế không phải vậy, ngay từ đầu đối tượng đã lên kế hoạch để chiếm đoạt tài sản thì đấy không thể gọi là vấn đề dân sự được. Cho nên, tôi kiên quyết chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh làm rõ, thu hồi tài sản cho dân”- đại tá Đinh Văn Toản nói.

Cũng theo đại tá Toản, qua công tác nắm tình hình, dự báo còn nhiều vụ vỡ nợ tín dụng “đen” đang “âm ỉ” và có khả năng bung ra trong thời gian tới. Công an Hà Nội đang tích cực nắm bắt thông tin để ngăn ngừa, tránh những hậu quả xấu.

img
Đại tá Đinh Văn Toản

Khuyến cáo cho người dân

Cũng theo đại tá Đinh Văn Toản, hậu quả của những vụ vỡ nợ trong dân liên quan đến rất nhiều người. Để huy động được hàng trăm tỷ đồng, các đối tượng phải huy động của hàng nghìn người. Do đó, nếu điều tra, ngăn ngừa không tốt rất dễ xảy ra mất ANTT, xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật khác để đòi nợ.

Đại tá Toản cũng khuyến cáo: Người dân phải cảnh giác với các đầu mối tín dụng “đen”, luôn đặt câu hỏi họ làm gì để có tiền trả lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất NHNN quy định; Người dân có vốn dư thừa nên gửi vào quỹ tín dụng và ngân hàng, cần nguồn vốn kinh doanh cũng nên qua ngân hàng; Không nên ủy quyền tài sản cho người khác quản lý; Trong trường hợp phải giao dịch tài chính bên ngoài, cần lập hợp đồng chặt chẽ về pháp lý; Xảy ra lừa đảo phải trình báo với cơ quan công an; Không được sử dụng các biện pháp đòi nợ vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, thu giữ tài sản…

Ngoài ra, người dân cũng không nên đầu tư khi giá cả đang lên xuống bất thường, dễ tạo thành làn sóng cho những kẻ đầu cơ trục lợi…

Ra lệnh bắt Phạm Thị Chinh

Chiều 18.10, Công an quận Cầu Giấy khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ra lệnh bắt, khám xét nơi ở của Phạm Thị Chinh (SN 1975, ở phường Nghĩa Đô). Như Tiền Phong đã đưa tin, nhiều người dân tố cáo Chinh đã vay nợ hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn. Trong một diễn biến khác, Công an huyện Từ Liêm vừa tiếp nhận đơn thư tố cáo về vụ vỡ nợ gần 20 tỷ đồng, cùng với sự mất tích của vợ chồng “con nợ”.

Theo Tiền phong