Dân Việt

Sex không cấm kỵ trong bệnh tim mạch

Bình Yên 11/11/2017 12:24 GMT+7
Dù là nhu cầu cơ bản của con người, nhưng lâu nay quan hệ tình dục ở người mắc bệnh tim mạch lại được xem là chuyện “tế nhị”, “cấm kỵ” ít được bàn đến và điều này có thể dẫn đến tai hại đáng tiếc.

Bệnh nhân và bác sĩ đều “ngại nói”

Cuối tuần qua, báo cáo tại hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay” do bệnh viện đại học Y dược TP.HCM tổ chức, GS.TS Đặng Vạn Phước, nguyên hiệu trưởng đại học này, đặt một câu hỏi khiến cử toạ phải suy nghĩ: “Trong khán phòng này có bác sĩ nào, nhất là bác sĩ nữ, hỏi một bệnh nhân tim mạch nam: “Mỗi tuần ông quan hệ tình dục mấy lần?”. Bác sĩ còn ngại như thế thì bệnh nhân sao dám thổ lộ chuyện riêng tư”.

img

Sex không phải là chuyện cấm kỵ ở phần lớn bệnh nhân tim mạch như nhiều người vẫn tưởng.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tại một hội nghị khoa học liên quan đến lĩnh vực tim mạch, người ta bàn luận sex, một câu chuyện “đời thường” nhưng “thiết thực” vì liên quan đến hầu hết mọi người.

Có lần một bác sĩ tim mạch của bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết ông từng chứng kiến câu chuyện có thật về bệnh nhân của mình. Đó là một doanh nhân nam, 45 tuổi, bị nhồi máu cơ tim và được đặt stent can thiệp. Gần một năm trời theo dõi sau đó, bệnh nhân không có vấn đề về gì tim mạch, nhưng ngày càng có dấu hiệu trầm cảm. Tìm hiểu mãi, bệnh nhân mới úp mở cho biết cuộc sống tình dục trục trặc vì người vợ lo sợ “chuyện chăn gối” sẽ ảnh hưởng đến bệnh tim của chồng. Mang mặc cảm “bất lực”, dần dà người này rơi vào tình trạng trầm cảm.

Khác với phương Đông, tại phương Tây câu chuyện đời sống tình dục ở bệnh nhân tim mạch được nghiên cứu khá nhiều. Trong cuốn Cardiovascular Prevention and Rehabilitation (tạm dịch Phục hồi chức năng và phòng ngừa bệnh tim mạch, NXB Springer, 2007), các tác giả viết: “Người ta thường cho rằng đối với bệnh nhân mắc bệnh nặng, hoạt động tình dục không phải là chuyện đáng bàn. Thế nhưng sự hài lòng về hoạt động tình dục là một thành phần ảnh hưởng đến chất lượng sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hay bệnh nặng đều lo lắng về rối loạn tình dục”.

Ở bệnh nhân tim mạch, những câu hỏi liên quan đến tình dục thường gặp của họ là: Liệu bệnh tim có làm giảm hoạt động tình dục và tăng rối loạn tình dục? Hoạt động tình dục có làm cho tôi đau tim? Các thuốc trị bệnh tim có làm xáo trộn chức năng tình dục không? Thuốc trị rối loạn tình dục có tương tác nghiêm trọng với những thuốc trị bệnh tim?

KiTOMI, giải pháp cho người bệnh tim

Trái với suy nghĩ thường gặp, sex không gây ra sự cố tim mạch. Trong một bài viết vào năm 2014, TS Joanne Foody, chuyên gia tim mạch của đại học Y khoa Harvard (Hoa Kỳ) khẳng định: “Không như những gì truyền thông đăng tải, chứng nhồi máu cơ tim hiếm xảy ra khi hoạt động tình dục, vì thời gian thực hiện thường ngắn. Mức độ gắng sức khi sex được xếp từ nhẹ đến trung bình, tương đương với việc làm việc nhà đơn giản hay leo bộ lên hai tầng lầu”.

Người ta cũng thường lo lắng việc xuất hiện cơn đau ngực vài phút hay vài giờ ở người mắc bệnh mạch vành sau khi sex. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy cơn đau ngực liên quan đến sex (được ví là “cơn đau ngực yêu đương” – “angina d’amour”) chỉ chiếm chưa đến 5% cơn đau thắt ngực thật sự (angina attacks).

Một nghiên cứu của đại học Ulm (Đức) ở 536 người nam từ 30 – 70 tuổi, công bố trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology vào năm 2015, cho thấy chỉ có 0,7% người quan hệ tình dục trong vòng một giờ trước khi xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim lần đầu, và 78% quan hệ tình dục hơn 24 giờ trước khi họ bị nhồi máu cơ tim. Dựa trên số liệu này và tổng số 100 sự cố tim mạch xuất hiện ở người tham gia nghiên cứu trong mười năm theo dõi, các nhà  khoa học khẳng định sex có vẻ không liên quan gì đến các vấn đề tim mạch.

Năm 2012, hội Tim Hoa Kỳ đưa ra một “khuyến cáo khoa học” xác nhận bệnh nhân tim mạch nào không có triệu chứng hoặc chỉ có vài triệu chứng tối thiểu trong đời sống thường ngày, hoàn toàn vẫn có thể sex như người bình thường.

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là những hướng dẫn thiết thực của một nhóm nhà khoa học Brazil công bố trên tạp chí The Canadian Journal of Cardiology vào năm 2015 dựa theo mô hình KiTOMI. Đó là tên viết tắt của các chữ liên quan đến hoạt động tình dục bằng tiếng Anh là kissing (hôn) – Ki, touching (vuốt ve) – T, oral sex (sex bằng đường miệng) – O, masturbation (thủ dâm) – M và intercourse (giao phối) – I.

Theo mô hình này, các nhà nghiên cứu khuyến cáo bệnh nhân tim mạch có nguy cơ thấp có thể thực hiện mọi hoạt động (KiTOMI), người có nguy cơ trung bình thực hiện được tất cả trừ giao phối (KiTOM), và người có nguy cơ cao không được đi quá các hoạt động hôn và vuốt ve (KiT).

Việc đánh giá nguy cơ này do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, nên bệnh nhân tim mạch cần trò chuyện cởi mở với thầy thuốc chuyện riêng tư của mình; và ngược lại, theo GS Phước, bác sĩ cần chủ động khơi gợi vấn đề của bệnh nhân bằng cách sử dụng những từ ngữ phù hợp.