Dân Việt

Chờ sự thay đổi nhận thức

20/10/2011 10:49 GMT+7
(Dân Việt) - Những vụ vỡ nợ hàng loạt; sự đình đốn thậm chí phá sản của hàng chục nghìn doanh nghiệp; tình hình dịch bệnh ở trẻ em... lần đầu xuất hiện trong báo cáo kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh những vấn đề thuộc về cơm áo liên quan trực tiếp đến đời sống của gần 90 triệu dân, điều mà cử tri vẫn day dứt, thắc mắc là "tính minh bạch", hiệu quả kinh tế, và những sai phạm tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Tại hội nghị lần thứ 3, BCH T.Ư khóa XI đã xác định một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của kế hoạch 5 năm 2011-2015 là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Đây có thể là lần đầu tiên, sự xem xét được nhìn nhận như một ưu tiên chiến lược, trong một hạn định cụ thể.

Từ lâu, những ưu đãi về vốn, sự độc quyền về tài chính, tài nguyên và thị trường đã tạo ra sự “lười nhác” và mất tính cạnh tranh của bộ phận doanh nghiệp chiếm giữ hơn 70% sức mạnh của nền kinh tế. Cũng từ lâu, doanh nghiệp nhà nước luôn được nhìn nhận là thiếu hiệu quả, đầu tư ngoài ngành tràn lan, và mất vốn.

Nhưng chỉ khi nhìn đúng, chỉ đúng căn bệnh, người ta mới có thể bốc thuốc chữa bệnh. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quang A cho rằng một trong những mục tiêu quan trọng của tái cấu trúc là phải buộc các doanh nghiệp nhà nước "phải cạnh tranh với nhau".

Những thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, Chính phủ sẽ có báo cáo kết quả điều tra, xử lý những sai phạm của Vinashin và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Rất có thể, đây sẽ là một trong những chủ đề làm nóng nghị trường bởi nó thiết yếu hơn nhiều so với câu chuyện hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 2005-2010 và nợ nước ngoài. Bởi suy cho cùng, nguồn vốn này hiệu quả ra sao tùy thuộc vào việc sử dụng chúng tại chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nhưng tái cơ cấu, không có nghĩa là chỉ thay đổi một vài cá nhân, hay quy kết trách nhiệm và xử lý những thiểu số cá nhân khác. Trong buổi tiếp xúc cử tri ngay trước thềm kỳ họp thứ 2 QH khóa XIII, cử tri Lê Văn Tề (quận 4, TP.HCM) cho rằng: "Để giải quyết dứt điểm các bất cập tương tự như Vinashin thì Chính phủ cần có chiến lược dài hạn về chống tham nhũng từ khối các doanh nghiệp quốc doanh...

Mặc dù đại biểu QH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- rằng vụ Vinashin không thể chìm xuồng, rằng: Kết quả xử lý sẽ được báo cáo trước cử tri... Nhưng rõ ràng, cái mà cử tri và nhân dân cả nước trông đợi là sự nhìn nhận và thay đổi nhận thức từ các cơ quan quản lý đối với những "mô hình kiểu Vinashin", hơn là phải nghe những báo cáo là đã bắt bao nhiêu, đã tái cơ cấu tập đoàn này như thế nào...