Dù sang học kỳ sau mới phải đăng ký tín chỉ, Duy Khiêm, sinh viên năm thứ nhất ĐH Sài Gòn, đã lường trước tình trạng chen lấn đăng ký tín chỉ. Nhưng ít nhất, Khiêm cùng các sinh viên của trường còn rất may mắn khi ngoài sổ tay sinh viên, họ còn nhận được sự tư vấn hữu ích, tận tình từ cố vấn học tập.
Nam sinh 18 tuổi cho biết trường phân lớp với sĩ số nhỏ, mỗi lớp có một cố vấn. Sinh viên gặp khó khăn trong học tập hoặc băn khoăn trong khi chọn đăng ký tín chỉ có thể chủ động liên hệ để được tư vấn.
Đáng tiếc, số người may mắn như sinh viên ĐH Sài Gòn lại chỉ là thiểu số ở nước ta. Phần lớn sinh viên các trường vẫn chịu cảnh đăng ký tín chỉ kiểu đánh bừa và trông chờ vào may rủi.
Chọn chương trình học như trò may rủiVới Công Đại, một sinh viên ở Hà Nội, khó khăn bắt đầu từ học kỳ đầu tiên. Đam mê công nghệ, cậu chọn ngành Khoa học Máy tính một cách mơ hồ, đơn giản chỉ dựa vào sở thích và khả năng thi đỗ.
Vào trường, sinh viên năm nhất được phát sổ tay sinh viên, ghi rõ những chương trình học cần hoàn thành để nhận bằng tốt nghiệp. Trừ kỳ đầu tiên được trường đăng ký sẵn chương trình học, các kỳ sau, Công Đại bắt đầu nếm trải nỗi vất vả khi canh giờ để đăng ký tín chỉ.
Sinh viên sợ hãi cảnh thức khuya dậy sớm chờ hệ thống mở để đăng ký tín chỉ. Ảnh: Infonet.
Hệ thống đăng ký thường xuyên quá tải. Ai nhanh tay và may mắn thì đăng ký được chương trình theo ý định ban đầu. Nếu không, sinh viên đành chấp nhận học môn khác lấp chỗ trống hoặc dồn chương trình vào kỳ sau.
Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối chương trình giữa các học kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên khó theo kịp lịch học và bị điểm kém.
Sang năm thứ hai, sĩ số lớp Công Đại giảm hơn 10 người, phần lớn bị đuổi học do điểm kém hoặc đăng ký chương trình quá nặng, không theo kịp. Tuy nhiên, quá trình đăng ký tín chỉ chỉ là một rắc rối nhỏ trong việc chọn chương trình. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lịch trình bất hợp lý xuất phát từ việc sinh viên không nắm được lượng kiến thức từng môn học, cũng không tìm được sự tư vấn từ phía thầy cô.
Đây là tình trạng chung của sinh viên nhiều trường ở nước ta khi thông tin về môn học chỉ gói gọn trong cuốn sổ tay sinh viên.
Theo Minh Nhật, sinh viên ở TP.HCM, đầu năm, trường phát sổ tay sinh viên, bao gồm các môn học của khóa, môn nào bắt buộc, môn nào tự chọn.
“Chúng em chỉ căn cứ số tín chỉ mỗi môn để đăng ký. Lỡ đăng ký phải các môn có số tín không nhiều nhưng chương trình nặng, em đành cố học cho qua môn, điểm thấp là bị đuổi”, nữ sinh tâm sự.
Khi được hỏi tại sao không tìm sự trợ giúp từ cố vấn học tập, Minh Nhật tỏ ra ngạc nhiên. Cô thậm chí không biết trường có bộ phận này.
Nhiều sinh viên khác cũng đưa câu trả lời phủ nhận khi nhắc đến cố vấn học tập. Một số cho rằng trường không có cố vấn, số khác khẳng định có nhưng khó tiếp cận.
Phương Chi, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết việc cố vấn học tập tại trường được tổ chức thành từng buổi gặp gỡ sinh viên và tiến hành khá sơ sài, gần như không có tác dụng định hướng.
Trong khi đó, Trang Nhung (ĐH Luật Hà Nội) thừa nhận cô chưa từng nghĩ đến việc nhờ sự tư vấn từ cố vấn học tập. Sinh viên đông, số lượng cố vấn lại ít nên nếu có tiếp cận được, việc tư vấn cũng không hiệu quả. Vì thế, Nhung cũng như phần lớn sinh viên khác chọn cách tham khảo từ anh chị khóa trên hoặc đăng ký theo số đông trong lớp.
Với mức độ may rủi trong đăng ký tín chỉ và lựa chọn chương trình học cùng nguy cơ bị đuổi học, nếu đạt kết quả học tập kém, nhiều sinh viên cảm thấy lo sợ mỗi lần phải quyết định môn học.
“Học tín chỉ đáng sợ lắm! Hệ thống đăng ký quá tải, hiểu biết về chương trình học mù mờ. Cách học này khó, căng thẳng và phụ thuộc nhiều vào yếu tố may mắn”, Hồng Lý, sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí Tuyên truyền, nói.
Truyền thông kém hoặc sinh viên chểnh mảng
Đối với sinh viên nước ta, vai trò của cố vấn học tập rất mờ nhạt. Trong khi đó, đội ngũ này lại góp phần quan trọng, định hướng lịch trình học cho sinh viên tại các trường nước ngoài.
Thành Trung, du học sinh tại Mỹ, cho biết trước khi chọn chương trình học, cậu sẽ tìm đến nhân viên tư vấn của trường để được cung cấp những lựa chọn phù hợp năng lực học tập của bản thân và yêu cầu của chuyên ngành nhất.
Ngoài ra, trường có trợ giảng. Đây là những người gần gũi với sinh viên. Họ thậm chí chủ động tìm đến giúp đỡ người học, căn cứ điểm số để phát hiện vấn đề sinh viên gặp phải, từ đó gợi ý hướng giải quyết thích hợp.
Trên thực tế, phần lớn trường đại học ở nước ta có cố vấn học tập. Đây là quy định chung, được nêu rõ trong quy chế đào tạo mỗi trường.
Cụ thể, cố vấn học tập chịu trách nhiệm thảo luận quy chế, tư vấn chương trình học, hướng dẫn cách lựa chọn học phần, cách đăng ký, hủy học phần, nhắc nhở sinh viên khi kết quả học tập giảm sút.
Trao đổi với Zing.vn, PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng với hình thức đào tạo niên chế, cố vấn học tập không đóng vai trò quan trọng. Nhưng ở hình thức tín chỉ, việc phân công cố vấn học tập và quản lý lớp là yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, việc này nên được thực hiện theo hệ thống để đảm bảo hiệu quả vì đây là nhiệm vụ chung, khó đánh giá chất lượng nên nhiều khi, giảng viên không mặn mà lắm với công tác này.
Bên cạnh đó, sinh viên không biết tìm đến nơi hỗ trợ mình trong đăng ký tín chỉ có thể do các em chểnh mảng hoặc công tác truyền thông của trường kém. Ông Điều khẳng định tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên luôn biết họ cần đến đâu để nhận được sự trợ giúp cần thiết. Cụ thể, các khoa, viện đều có cố vấn học tập với nhiệm vụ cơ bản là giúp sinh viên lập kế hoạch học tập ngắn hạn, dài hạn và tư vấn quy chế.
Ngoài ra, trường có hệ thống tư vấn trực tuyến, hướng dẫn sinh viên “gỡ rối” khi gặp khó khăn trong học tập. Sinh viên chỉ cần đăng nhập tài khoản cá nhân, gửi câu hỏi lên hệ thống sẽ được trợ giúp.
ĐH Bách khoa Hà Nội thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt công dân, lồng ghép việc lập kế hoạch học tập. Các khoa, viện cũng tổ chức các buổi riêng cho sinh viên trong khoa. Trường có văn phòng cố vấn học tập luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn các em cách xác định lịch trình.
Tuy nhiên, ông Điền nhận định lịch trình học tập của các em đã có sẵn, nếu trôi chảy, sinh viên chỉ cần tuân thủ, không quá cần đến người tư vấn. Chỉ những em thi trượt, nợ môn nhiều mới cần gặp trực tiếp cố vấn để thảo luận hướng giải quyết.
Với trường hợp này, ĐH Bách khoa Hà Nội có thêm kỳ học hè để sinh viên trả nợ môn và theo kịp chương trình vào học kỳ tiếp.
Vị trưởng phòng cũng thừa nhận sinh viên gặp khó khăn khi đăng ký do hệ thống quá tải là điều khó tránh khỏi, tình trạng chung của hầu hết trường đại học ở nước ta.
TS Phong Điền lý giải thông thường, sinh viên ngại đăng ký học hai tiết đầu. Nếu muốn chọn “lớp đẹp”, các em phải chịu khó canh giờ đăng ký còn trường luôn mở đủ lớp cho sinh viên muốn học.