Nhiều tháng qua, khán giả Việt khá tò mò về bộ phim tiếp theo được nhào nặn bởi ekip của "đả nữ" Ngô Thanh Vân - Cô Ba Sài Gòn. Quy tụ dàn diễn viên hùng hậu gồm những sao nữ và những nghệ sĩ kỳ cựu của showbiz Việt là điểm cộng nhưng cũng trở thành con dao hai lưỡi với chính bộ phim.
Ý tưởng hay nhưng kịch bản lại yếu
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim thứ ba được sản xuất bởi ekip Ngô Thanh Vân, dù không do cô làm đạo diễn như hai phim trước là Ngày nảy ngày nay và Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Tuy nhiên, phim vẫn giữ được và tô đậm thêm phong cách của Ngô Thanh Vân trên thị trường điện ảnh, đó là cô luôn làm những điều mới mẻ và có định hướng rất văn mình.
Nếu như trước đó Tấm Cám: Chuyện chưa kể được coi như một phim cổ tích đúng nghĩa, đầy màu sắc Hollywood thì Cô Ba Sài Gòn lần này lại là một tác phẩm xuyên không mang hơi thở hiện đại.
Không thể phủ nhận rằng ý tưởng của phim khá mới mẻ và đủ hấp dẫn để có thể kéo khán giả ra rạp. Nhưng ý tưởng là một chuyện và kịch bản phim được phát triển ra sao từ ý tưởng đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Khi quá tập trung vào những tiểu tiết để miêu tả xã hội Sài Gòn thập niên 60, các tác giả của bộ phim đã không ít lần áp đặt tình tiết, bắt nhân vật phải làm thế này phải làm thế kia để thể hiện được tính "thời đại", thay vào đó lại không hề cho nhân vật một môi trường để thở, một đời sống thực sự.
Những kịch tính của phim đều không đủ thuyết phục khiến đôi chỗ phim bị nhợt nhạt
Cấu trúc của kịch bản Cô Ba Sài Gòn khá chỉn chu, tuy nhiên những điểm mấu chốt cần có của một câu chuyện lại không đủ mạnh. Đơn cử như việc mâu thuẫn giữa Như Ý và Thanh Loan - con nuôi của gia đình, vốn không được xây dựng rõ ràng ngay từ đầu, nên không ít khán giả sẽ thấy khó hiểu và cảm thấy Như Ý thật khó ưa khi bất ngờ nổi cáu với Thanh Loan khi cô này thậm chí chẳng nói gì động chạm đến Như Ý. Hay như trong tình tiết Như Ý mặc thử chiếc áo dài được chính tay mẹ cô may và có đính viên ngọc gia bảo đã dẫn đến mọi biến cố của câu chuyện.
Khán giả có quyền đặt câu hỏi rằng tại sao Như Ý lại biết chiếc áo dài đó dành cho mình, tại sao cô lại mặc thử nó trong khi cô vốn được xây dựng là nhân vật "ghét cay ghét đắng" chiếc áo dài? Rõ ràng trước những câu hỏi dạng thế này, tình tiết này đã trở nên yếu đuối, và lộ rõ rằng đó chỉ là một cái cớ để đưa nhân vật đi tới phần tiếp theo của phim.
Việc kết cấu của một câu chuyện có đủ các yếu tố nhưng không vững chãi đã khiến cho người xem cảm thấy mình đang đi chu du qua mấy chục năm nhưng không nhiều dấu ấn được đọng lại.
Những tình tiết được làm quá nhẹ khiến người xem ái ngại bởi nhân vật sẽ có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào nếu không có một cái cớ đích đáng. Vậy nếu nhân vật không sống thật sự và không quan tâm tới câu chuyện mình đang kể, liệu khán giả có quan tâm?
Hồng Vân một tay lấn át cả Ngô Thanh Vân lẫn Lan Ngọc
Hồng Vân là nhân vật được cả ekip "ém" rất kỹ trước khi phim phát hành, chính điều này đã đem đến bất ngờ cho người xem, và hoàn toàn không ngoa khi nói rằng, diễn xuất của NSND Hồng Vân đã làm lu mờ những người đứng cạnh, thậm chí giúp làm mờ đi những lỗi không đáng có của câu chuyện. Và người viết cũng dám khẳng định rằng, chỉ duy nhất diễn xuất của Hồng Vân là toát được lên chất "đời" của nhân vật.
Hồng Vân là ngôi sao sáng của cả bộ phim
Lan Ngọc từng vụt sáng sau vai Nương trong Cánh đồng bất tận. Nhưng nếu đặt cô bé Nương đứng cạnh Như Ý của ngày hôm nay, ai cũng sẽ thấy được sự khác biệt quá lớn. Nếu như Nương rất chân phương, diễn xuất đầy cảm xúc thì Như Ý - dù diễn có nghề nhưng lại bị kỹ thuật lấn át quá nhiều. Lan Ngọc dùng ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ biểu cảm trên gương mặt để tạo thành một cái vỏ bọc mang tên "Cô Ba Như Ý" nhưng không làm cho khán giả thấy được rằng Như Ý đang sống trên phim một cách thực sự.
Về phần Ngô Thanh Vân, "đả nữ" rõ ràng đã quá cố gắng để vào vai một người mẹ "bình thường", nhưng từ kiểu thoại cho tới dáng điệu đi đứng của cô đều bị lộ rằng cô đang diễn. Lý giải cho điều này, có thể vin vào việc Ngô Thanh Vân đã đóng quá nhiều phim có yếu tố hành động, hay chí ít những vai diễn trước của cô đều phải dùng cách diễn "gồng", nên khi bước vào một lớp áo đời thường, cô dường như vùng vẫy trong đó mà vẫn không vừa.
Trong khi Ngô Thanh Vân và Lan Ngọc lại quá "căng cứng"
Các nhân vật khác trong phim cũng dùng cách diễn gồng quá nhiều. Nếu như S.T 365 có nhiều đoạn thoại như phim "ngôn tình" thì Diễm My 9X lại làm cho sự sắc sảo, lạnh lùng của mình trở nên thái quá. Duy chỉ có Hồng Vân là trôi vào phim như một làn nước. Xem cô diễn, khán giả tin tưởng được rằng đâu đó ở giữa Sài Gòn, thực sự có một An Khánh rượu chè bê tha đang tồn tại.
Vẫn giữ sở trường của một nghệ sĩ sân khấu với những mảng miếng hài nhẹ nhàng của mình, nhưng NSND Hồng Vân lại không hề diễn quá lố như nhiều phim Việt thường mắc phải khi đưa diễn viên sân khấu lên màn ảnh.
Phân đoạn đinh của phim, khi Như Ý và An Khánh tranh cãi nảy lửa, đổ lỗi cho nhau, nghệ sĩ Hồng Vân đã thực sự tỏa sáng. Hay như ở cảnh phim An Khánh tới tìm bà Thanh Loan xin học may áo dài, nhỉ một dáng đứng khép nép của Hồng Vân ở ngưỡng cửa, không ít người sẽ phải rơi nước mắt.
Câu chuyện về người yêu thời trang hay Phim thời trang?
Có một điều chắc chắn rằng bất cứ ngành nghề nào khi được khắc họa trên phim ảnh, nếu tác giả kịch bản có kiến thứ về nghề đó và làm cho nhân vật cũng chuyên nghiệp trong nghề đó thì sẽ chiếm được cảm tình của khán giả. Nhưng một bộ phim làm về Như Ý, về Helen là những người yêu thời trang, làm thời trang thì cũng không nhất thiết phải quá phô diễn về kiến thức thời trang như Cô Ba Sài Gòn đã làm.
Trailer phim Cô Ba Sài Gòn
Chưa kể tới việc những câu thoại dài dằng dặc nói về kiến thức thời trang được diễn viên nói quá nhanh, kèm trong đó là rất nhiều từ chuyên môn cũng như từ tiếng Anh, tiếng Pháp càng khiến cho khán giả không thể nắm bắt được.
Tất nhiên, nếu nhân vật tỏ ra trơn chu trong công việc mình làm thì sẽ khiến người xem tin được hơn, nhưng với điện ảnh, các nhân vật hoàn toàn có thể nói bớt lại và làm nhiều hơn.
Phim của Ngô Thanh Vân vẫn thường gây ấn tượng về khoản chỉn chu trong trang phục. Khâu PR của Cô Ba Sài Gòn cũng đã nhắm vào điểm này để tận dụng triệt để. Khán giả phấn khích vì một thời huy hoàng của thời trang được đem lên phim, tuy nhiên việc cắt dựng quá nhiều những cảnh Như Ý mặc váy áo đủ kiểu đủ màu đã làm nhiều người có cảm giác rằng mình đang đi dạo ở một hãng thời trang chứ không phải xem phim.
Cô Ba Sài Gòn nếu như được đầu tư hơn về kịch bản thì sẽ là một phim tròn trịa
Cô Ba Sài Gòn đã rất thông minh khi biết lựa chọn yếu tố đặc biệt của phim cho chiến dịch quảng bá, nhưng thiết nghĩ rằng giá như phim chú trọng nhiều hơn vào nội dung kịch bản thì phim đã có thể hoàn hảo hơn. Dù vậy, đây vẫn là một câu chuyện chất chứa nhiều cảm xúc, cũng như bám khá chắc vào tuyên ngôn "tôn vinh áo dài" của Ngô Thanh Vân.
Cô Ba Sài Gòn có thể được chấp nhận là phim Việt nổi bật khi thời điểm cuối năm, phòng vé đang bị vây kín bởi những bộ phim nước ngoài. Đây cũng là một sự cố gắng đáng ghi nhận của ekip Ngô Thanh Vân trong việc làm những bộ phim mang hơi thở hiện đại, mới mẻ.
Phim hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Cùng đặt những bộ phim này lên bàn cân để xem liệu ai sẽ làm nên chuyện sau một mùa phim hè ảm đạm.