Như Dân Việt đã thông tin, chiều 13.11, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin từ tài khoản Facebook mang tên LS H.T cho biết, đến nay cả 8 gia đình nạn nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa nhận được tiền bồi thường vì gia đình chưa thể xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay nạn nhân.
Theo thông tin chia sẻ, lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hoá đơn tài chính việc ma chay.
Theo các gia đình bệnh nhân, việc bệnh viện yêu cầu cung cấp hóa đơn tài chính ma chay là vô lý, trong khi đó đã có người thân tử vong thì mức đền bù như nhau, không thể căn cứ theo sức khỏe, tuổi tác mà có sự phân biệt...
Hiện các gia đình nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh: XT
Được biết, phía BVĐK tỉnh Hòa Bình đã căn cứ theo điều 591 Luật Dân sự 2015 và các quy định khác của pháp luật; căn cứ vào mặt bằng giá; tính theo tuổi của người tử vong, tính tổn hại về tinh thần cho người thân, tính đến tiền nuôi dưỡng con của người tử vong dưới 18 tuổi, tính đến trách nhiệm đối với người được hưởng thừa kế, bồi thường những chi phí ma chay hợp lý và có đủ chứng từ chứng minh... để đưa ra mức bồi thường thấp nhất là 136 triệu đồng và cao nhất là 242 triệu đồng với một bệnh nhân.
Trao đổi với Dân Việt sáng nay 14.10, ông Lê Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các gia đình cung cấp hóa đơn nhưng không nhất thiết phải hóa đơn đỏ. Thực sự chúng tôi cũng rất khó quyết toán số tiền này khi không có cơ sở”.
Ông Hoàng cho biết, vì không thống nhất được mức đền bù với gia đình các bệnh nhân, bệnh viện dự định tạm ứng hỗ trợ trước cho các khoản chi phí mỗi gia đình 50 triệu đồng, còn lại đợi phán quyết của tòa.
“Chúng tôi chấp hành nghiêm phán quyết của tòa vì không chỉ có gia đình 8 người tử vong mà còn 10 bệnh nhân khác cũng bị tổn thất”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, ông Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho hay: "Việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân, Sở đã giao cho BVĐK tỉnh Hòa Bình tìm phương án hợp lý nhất. Hiện tại, các bên đã trải qua nhiều buổi họp với sự tư vấn của luật sư đại diện cho các gia đình. Sở Y tế đã giao và chỉ đạo cho bệnh viện thực hiện bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chưa thấy BVĐK tỉnh Hòa Bình báo cáo lại sự việc".
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình yêu cầu các gia đình nạn nhân trong vụ chạy thận phải cung cấp hóa đơn mới được nhận tiền đền bù là đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Hòe phân tích, về nguyên tắc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bồi thường theo quy định của pháp luật và tiền bồi thường này nằm trong các khoản phải chi trả của bệnh viện. Như vậy, theo luật khoản đền bù này thuộc về chi phí hoạt động của đơn vị, mà theo luật Tài chính – kế toán thì phải có chứng từ hợp lệ. Chứng từ hợp lệ được chấp nhận ở đây là hóa đơn giá trị gia tăng và các hóa đơn tài chính khác theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Hòe, việc bệnh viện yêu cầu các gia đình nạn nhân cung cấp hóa đơn là việc phù hợp quy định. Trong trường hợp các gia đình nạn nhân không cung cấp được hóa đơn thì bệnh viện có quyền thanh toán bằng mức ấn định theo quy định của pháp luật. Ví dụ: tiền tổn hại tinh thần, mức cao nhất là 60 tháng lương; tiền ma chay chi trả theo quy định của pháp luật…
“Theo tôi đây là quy trình bồi thường theo quy định của pháp luật nên bệnh viện phải tuân thủ. Việc yêu cầu cung cấp hóa đơn là một phần quy trình. Tôi cho rằng việc này không cứng nhắc, bệnh viện đã chấp nhận thanh toán theo hóa đơn thì có thể mức đền bù sẽ cao hơn mức của nhà nước ấn định”, luật sư Hòe cho biết thêm.