Trong chuyến tác nghiệp lên huyện miền núi Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chúng tôi ghé thăm Điểm trường Xúm Hom thuộc trường tiểu học xã Nà Ớt, nằm cách trung tâm xã khoảng 16 km. Đến đây, được thấy và nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của thầy và trò nơi đây; hiểu thêm được sự vất vả của các giáo viên, học sinh trên con đường gian nan của sự nghiệp "trồng người".
Xúm Hom là bản vùng sâu, đặc biệt khó khăn thuộc xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cuộc sống đói nghèo khiến nhiều gia đình không quá quan tâm đến việc học hành của con cái.
Điểm trường mộc mạc nép sau những ngọn đồi, trong thời tiết lạnh lẽo của mùa đông
Đến với điểm trường Xúm Hom là một chặng đường dài đằng đẵng đầy vất vả với những cung đường dốc trượt quanh co. Có những quãng đường dốc tới mức xe máy cài số 1 vẫn không lăn bánh được, giáo viên phải thay nhau vừa dắt xe vừa đẩy đằng sau xe. Giữa mùa đông lạnh buốt thế mà những giọt mồ hôi vẫn lăn dài má của các thầy cô, quần áo đều lấm bùn đất...
Từ trung tâm xã, đi xe máy mất hơn 1 giờ đồng hồ mới tới được Điểm trường Xúm Hom. Ai đã một lần đặt chân lên vùng đất hẻo lánh xa xôi ấy sẽ thấy thương mến, trân trọng con người sống ở nơi đây và càng thêm trân trọng những người vì nơi đây mà cống hiến tuổi trẻ và sức lực trong sự nghiệp gieo chữ vùng cao.
Ở nơi đây, không chỉ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học rất thiếu thốn mà phải nói là thiếu thốn trăm đường.
Cận cảnh lớp học tạm bợ, xuống cấp, được người dân tự đóng góp công sức dựng ở bản Xum Hom
Cụm từ "Cõng chữ lên non" tưởng như chỉ có trong sách vở nhưng lên vùng cao Xúm Hom thì mới thấy đó là sự thật. Ở đây các thầy, cô giáo không chỉ hàng ngày mang sách vở đến lớp mà còn lên núi, xuống bản tìm đến học trò để động viên các em đến lớp, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh học lực yếu, tâm sự với các phụ huynh nhằm làm sao cho học sinh của mình có thêm những điều kiện học tốt... mới thấm thía công lao to lớn của các thầy cô trong sự nghiệp trồng người.
Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng các giáo viên, học sinh vẫn hăng say dạy tốt - học tốt
Em Sồng A Giống - học sinh lớp 2, Điểm Trường Xúm Hom, xã Nà Ớt cho biết: "Hằng ngày chúng em đến lớp học, đều được các cô quan tâm và chăm sóc. Nhà em ở xa trường nên những hôm mưa lớn không về nhà được; em và các bạn được các cô giáo ở trường nấu cơm cho ăn. Em sẽ cố gắng học tốt để không phủ lòng mong mỏi và dạy bảo của các cô".
Ngoài thời gian học trên lớp, các em còn được cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh tổ chức chơi các trò chơi ngoài trời trong thời gian ghỉ giải lao
Việc giảng dạy hàng ngày của cô và trò nơi đây phải thường xuyên đối mặt với những chuyện như: nhà dột khi mưa, gió lùa khi lạnh, nước sinh hoạt khó khăn. Bên cạnh đó là thiếu điện lưới, đường giao thông không thuận lợi, thiếu chợ, không mạng intertnet, không trạm y tế, không nhà công vụ... cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của các thầy, cô giáo nơi đây.
Hàng ngày, thức ăn chủ yếu của các cô là cá khô, lạc, vừng... Để có thể cải thiện bữa ăn, các cô phải tranh thủ vào rừng hái măng hay xúc cá dưới khe suối như một dân bản thực thụ.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh dạy các em học sinh tập thể dục để nâng cao sức khỏe
Nét mặt hồn nhiên ngây thơ của các em tại Điểm Trường Xúm Hom, xã Nà Ớt
Tại Điểm trường Xúm Hom chỉ có 14 em học sinh gồm cả lớp 1 và lớp 2. Nơi học chung của các em là một ngôi nhà đơn sơ, được người dân trong bản góp sức dựng từ các thành tre, thanh nứa, nằm trên đỉnh núi cao chót vót.
Vào thời điểm thời tiết lạnh như hiện nay, các em đều thiếu áo ấm để mặc, ngồi trong lớp học các em ngồi co ro lại, tay run run không tài nào cầm bút học được. Các cô giáo phải nhóm lửa sưởi ấm cho các em ngay tại lớp, để giúp các em vơi bớt đi được cái lạnh lẽo phần nào.
Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn trong sinh hoạt, nhưng các cô giáo vùng cao vẫn luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người
Sự ân cần dạy bảo và quan tâm chăm sóc của các cô giáo vùng cao, luôn được các em học sinh quý mến
Trao đổi với Dân Việt, Cô giáo nguyễn Thị Kim Thanh, giáo viên tại điểm trường Xúm Hom, xã Nà Ớt chia sẻ: "Tôi công tác tại điểm trường này được 3 năm và đã chịu dựng nhiều khó khăn vất vả. Những hôm trời mưa to gió lớn, con đường đất lên với điểm trường rất gập ghềnh, treo leo, trơn trượt và rất khó đi, nhiều lần chúng tôi bị ngã xe, hoặc phải dắt xe trên quãng đường dài.
Cơ sở vật chất điểm trường còn thiếu thốn nhiều. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Lòng nhiệt huyết, mong muốn được mang con chữ đến với các em giúp chúng tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện vì đã đóng góp được một công sức nhỏ bé với sự nghiệp trồng người nơi rẻo cao này!".