Nông dân - đối tượng dễ bị đói nghèo vì thiên tai
Báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO, 2016) cho thấy các hiểm họa về khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với những người nghèo trên toàn thế giới, với khả năng đẩy hàng triệu người trở lại đói nghèo trong vòng 15 năm tới. Nông dân là nhóm người đặc biệt rất dễ rơi vào đói nghèo, vậy bao nhiêu trong số hàng triệu người đó sẽ là nông dân Việt Nam? Nếu chúng ta không đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai hôm nay, Việt Nam sẽ bỏ lỡ đi cơ hội tăng trưởng và tiến bộ về xã hội, kinh tế và môi trường cho nhiều năm tới.
Nhà bị nước lũ ngập sâu, người dân Tam Kỳ (Quảng Nam) dùng thuyền di dời tài sản và đi lại, tháng 11.2017. Ảnh: T.H
Luật Ngân sách nhà nước yêu cầu phải bố trí dự phòng 2–4% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho trường hợp khẩn cấp, bao gồm ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg quy định có khoản hỗ trợ một lần cho nông dân và hộ gia đình có mùa màng, gia súc, cây cối, và thủy sản bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay dịch bệnh. |
Có thể thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai cao nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và đứng thứ bảy trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, trung bình hàng năm thiên tai làm hơn 300 người chết và gây ra thiệt hại về kinh tế chiếm khoảng 1 - 1,5% GDP. Theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể thiệt hại về kinh tế vào khoảng trên 4% GDP trong trường hợp bị thiên tai lớn. Trong khoảng 50 năm tới, xác suất xảy ra thiên tai lớn tại Việt Nam là 40% với thiệt hại về kinh tế có khả năng ở mức 141.000 tỷ đồng.
Việt Nam có 2/3 dân số sống ở nông thôn - nơi có tỷ lệ đói nghèo cao nhất và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp - thường là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các tác động cực đoan của thời tiết. Một mặt, do kế sinh nhai bị mất hoặc thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, thiên tai làm thay đổi tiêu cực về nguồn cung lương thực và có thể bóp méo giá cả hàng hóa và cản trở phân phối lương thực, gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng phục hồi sau thiên tai - vốn đã rất thấp - của người nghèo, cuối cùng là gia tăng đói nghèo. Rất nhiều hộ gia đình nông thôn đã bị tái nghèo sau mỗi đợt thiên tai.
Ông Nguyễn Huy Dũng - chuyên gia cao cấp về quản lý thiên tai.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới có năng lực tốt trong ứng phó khẩn cấp với thiên tai, đặc biệt là với loại hình thiên tai như lũ, bão, sạt lở đất… Hệ thống phòng chống thiên tai đã được thành lập từ năm 1946 và liên tục được củng cố, hoàn chỉnh từ cấp trung ương đến địa phương. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành một loạt các chiến lược, chương trình và kế hoạch quan trọng nhằm đầu tư thực hiện công tác giảm thiểu thiên tai và xóa đói giảm nghèo, như: Chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chiến lược phòng chống biến đổi khí hậu; chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM); chương trình xây dựng nâng cấp đê sông, đê biển; chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo; chương trình nông thôn mới…
Cùng với nguồn lực trong nước và các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia bè bạn và các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam và người dân đã giảm tỷ lệ nghèo đói từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 21% vào năm 2010 và còn 14% vào năm 2014 (Ngân hàng Thế giới, 2016).
Cần chuyển đổi phương thức phòng chống và giảm nhẹ thiên tai
Về lâu dài, Việt Nam cần phổ biến các cơ chế phối hợp, giám sát việc lập và thực hiện kế hoạch trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và sử dụng đất cho tất cả các ngành nhạy cảm với khí hậu. Các chính sách nên tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối kinh tế tư nhân, tìm cách giảm thiểu tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong đó đặc biệt là vấn đề giảm nghèo. |
Việt Nam cần có sự chuyển đổi cách tiếp cận trong công tác phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ tập trung vào ứng phó khẩn cấp truyền thống như hiện nay sang chủ động, lồng ghép tổng thể và toàn diện, bao gồm lồng ghép nâng cao năng lực phòng chống thiên tai vào các chính sách và chương trình, dự án giảm nghèo.
Ví dụ, Việt Nam cần xem xét thống nhất các chương trình hiện tại (như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới...) thành một chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất, có cơ chế thực hiện và tài chính rõ ràng cho từng bộ/ngành thực hiện. Đồng thời, cần thiết lập ngay cơ chế hướng dẫn và giám sát việc thực hiện Thông tư số 05/2016 ngày 6.6.2016 của Bộ KHĐT về việc thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại các xã đang thực hiện chương trình giảm nghèo.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần khẩn trương đánh giá chi tiết về về thể chế, tổ chức bộ máy và các thách thức trong việc phối hợp và thực hiện đa ngành nhằm xây dựng hướng dẫn chung để nâng cao hiệu quả và sự phối hợp theo chiều ngang giữa các ngành cũng như theo chiều dọc ở các cấp từ quốc gia, vùng và tỉnh/thành phố.
Về trung hạn, Việt Nam cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai để hỗ trợ việc phối hợp liên bộ và đóng vai trò tư vấn cho công tác quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.
(Bài viết tóm tắt bản Báo cáo “Hướng tới quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp ở Việt Nam” (tháng 9.2017), do bà Abigail Baca và ông Nguyễn Huy Dũng chủ trì cùng các đồng nghiệp tại WB thực hiện)