Dân Việt

Nỗi đau chú chó được đưa lên vũ trụ và sự thật phũ phàng

Minh Phương Spiderum 15/12/2017 21:30 GMT+7
Ngày 3.11 vừa qua đánh dấu 60 năm ngày chú chó Laika bỏ mạng trên tàu vũ trụ Sputnik 2. Sự ra đi của chú không chỉ khiến người yêu động vật thương tiếc mà còn phát đi một thông điệp ý nghĩa: Hãy nói không với các thí nghiệm trên động vật.

img

Laika được các nhà khoa học tìm thấy khi nó đang đi lạc trên đường phố ở thủ đô Moscow (Nga) đúng một tuần trước khi vụ phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 2 diễn ra.

Cách đây 60 năm, vào ngày 3.11.1957, Liên Xô lại tiếp tục phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 2 với trọng lượng lớn hơn Sputnik 1 vào quỹ đạo Trái Đất. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên con người đưa một sinh vật sống lên vũ trụ, chú chó Laika.

Lần phóng vệ tinh này được tiến hành với mục đích thăm dò sự an toàn cho chuyến du hành vũ trụ sau này của con người. Tuy nhiên, đây lại là chuyến đi định mệnh của chú chó Laika bởi vì công nghệ thời bấy giờ vẫn chưa tiên tiến đến mức có thể thực hiện chuyến bay từ vũ trụ trở lại trái đất.

Laika được các nhà khoa học tìm thấy khi nó đang đi lạc trên đường phố ở thủ đô Moscow (Nga) đúng một tuần trước khi vụ phóng vệ tinh nhân tạo diễn ra. Theo hãng tin AP, Laika được chọn vì chú chó này nhỏ nhắn và tỏ ra khá bình tĩnh trước nhiều tình huống.

Chú đã trải qua những buổi "huấn luyện" để chịu đựng được cảm giác mệt lử trong buồng áp lực hay bị giam hãm tại phòng áp suất và bị khoá mình bên trong những chiếc lồng ngày càng nhỏ dần.

Tuy vậy, trong quá trình phóng tên lửa, mạch của chú đập nhanh gấp 3 lần bình thường. Chú quá sợ hãi trong khi con tàu vũ trụ vẫn không ngừng tăng tốc lao lên bầu trời suốt một thời gian dài.

Nhiệt độ trong tàu vũ trụ dần tăng vọt và chỉ vài giờ sau, chú đã chết vì ngạt thở. Điều đáng thương nằm ở chỗ, chú phải chịu đựng quá nhiều đau đớn và ra đi trong sự cô đơn.

img

"Câu chuyện buồn về chú chó Laika, chú chó đầu tiên được đưa lên vũ trụ"

Những gì chú chó Laika trải qua thật khủng khiếp. Người yêu động vật cảm thấy không thể tha thứ cho các kiểu thí nghiệm như vậy.

Bản thân Oleg Gazenko, một trong những nhà khoa học đứng đầu chương trình sử dụng chó trong các cuộc thử nghiệm không gian, cũng thừa nhận rằng, "Thời gian trôi qua, tôi càng cảm thấy ân hận về việc mình đã làm. Chúng tôi không nên làm như vậy".

Đây có phải là cách chúng ta đang đối xử với "những người bạn thân thiết" nhất của mình?

Nhiều chú chó, những người bạn tốt nhất của con người hoàn toàn không được bảo vệ, đang bị nhốt trong các lồng sắt và phải chịu sự hành hạ đau đớn trong các cuộc thí nghiệm.

Hàng năm, hơn 61.000 chú chó vẫn chịu sự dằn vặt trong các phòng thí nghiệm ở Mỹ, đa phần các cá thể đó đã được gây giống mắc chứng loạn dưỡng cơ ở nhiều dạng khác nhau. Loại bệnh này không ngừng tàn phá cơ thể, khiến các cơ bắp yếu đi và teo dần.

Các dự án sử dụng chó làm thí nghiệm không đưa lại bất cứ cách điều trị hiệu quả nào, giúp xoay chuyển triệu chứng bệnh này ở người. Bởi vậy, đã đến lúc, các nhà khoa học nên chuyển sang những phương pháp nghiên cứu nhân đạo hơn.