Bắt đầu từ 10 giờ 20 sáng nay (17.11), Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn. Trong buổi sáng, đã có 70 đại biểu đăng ký chất vấn; các câu hỏi được nêu xoay quanh giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực của mạng xã hội và hoạt động báo chí; việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử... |
Không có "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong xử lý sim rác
Về xử lý sim rác, trả lời chất vấn ĐBQH trước đó khi ĐB cho rằng, Bộ là cơ quan xử phạt nhưng các doanh nghiệp viễn thông thuộc Bộ là nơi sản xuất, kinh doanh sim rác thì khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Bộ đã xử lý vi phạm của các doanh nghiệp viễn thông, kể cả VinaPhone, MobiFone. Trước đây, cơ quan chức năng chỉ chế tài đại lý nên tình trạng sim rác không được giải quyết triệt để, theo quy định mới thì các nhà mạng cũng phải có trách nhiệm và bị xử lý nếu có sai phạm.
"Sai phạm xuất phát từ đại lý cũng xử lý doanh nghiệp, và xử lý cả trách nhiệm lãnh đạo Vinaphone, MobiFone (những doanh nghiệp viễn thông thuộc Bộ TTTT - PV) chứ không để tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi", ông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Chính phủ điện tử còn hạn chế cả 3 mặt
Hỗ trợ thêm phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm: Về xây dựng chính phủ điện tử chúng ta rất tích cực, rất cố gắng nhưng hiện chúng ta mới đứng thứ 89 trên thế giới. Có năm tụt xuống 113 trên thế giới. Họ đánh giá về hạ tầng và nhân lực, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chúng ta cả 3 mặt còn hạn chế, cần làm tốt hơn.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định Chính phủ và Thủ tướng rất quyết liệt, phải ra số liệu cụ thể từng dịch vụ công, là thước đo tổng thể. Phải xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu, phải quyết tâm, không chỉ là vấn đề biên chế, hay tiết kiệm thời gian, chi phí người dân và doanh nghiệp. Quan trọng hơn hết là công khai, minh bạch, chống tham nhũng.
Tránh độc quyền MXH
Về MXH, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm hiện trên thế giới có 7,5 tỷ người có 52% dùng internet, 42% dùng MXH. Việt Nam có 60% người dùng intenet, 40% người dùng MXH. Khi nói về lĩnh vực này, 90% thị phần MXH của nước ngoài. Thương mại điện tử 80% thị phần nước ngoài. Tìm kiếm 98% là của Google. Chỉ có trò chơi điện tử 60% là của Việt Nam. Các công ty nước ngoài Youtube và Facebook chiếm 80% thị phần với khoảng doanh thu quảng cáo trực tuyến 350 triệu USD/năm. Do vậy chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn.
Ở Nga Facebook chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản đứng thứ 6, Hàn Quốc đứng thứ 7. Họ có nhiều MXH để tránh độc quyền và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Ở Đức ra điều luật nếu lấy thông tin người dân, hoặc có thông gây thù địch MXH sẽ bị phạt nặng. 30% người dân Đức dùng MXH. Ở Thái Lan 83% sử dụng Internet, nhưng họ sử dụng MXH hạn chế hơn do sợ mất thông tin cá nhân. Chúng ta tạo điều kiện cho MXH phát triển nhưng phải đảm bảo chính trị, không dược gieo rắc thông tin đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Có 27 cuộc tấn công mạng tại Hội nghị APEC
Đề cập tới tấn công mạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói hiện tượng này ngày càng phổ biến; dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Đây cũng là vấn đề với nhiều quốc gia khác.
Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.
"Không có hệ thống thông tin nào an toàn tuyệt đối trong thời gian dài nên công tác đảm bảo an toàn thông tin phải liên tục", Bộ trưởng nói.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường MXH
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Vũ Thị Nguyệt về chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ TTTT thừa nhận môi trường MXH trên internet là môi trường mở, đây là kho tri thức khổng lồ của nhân loại, môi trường trao đổi thông tin nhanh chóng, tiện lợi cung cấp cho người dùng giải trí…
Khi internet càng phát triển, phản ánh ngày càng đẩy đủ đặc trưng của xã hội ảo, phức tạp hơn, tinh vi hơn xã hội thật. Nhiều vấn đề dâm ô, lừa đảo, quấy rối, kích dục bạo lực trên Internet. Trẻ em còn thiếu hiểu biết, dễ bị ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý, sự phát triển cho trẻ em, gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý. Ngoài ra, kẻ xấu còn lợi dụng internet để phát động các hành động kích dục, mại dâm, xam hại tình dục, buôn bán trẻ em…
Giải pháp của Bộ TTTT là hoàn thiện các văn bản pháp luật quản lý Internet; xây dựng quy định truy cập internet cho các gia đình; giáo dục pháp luật, ý thức xử dụng pháp luật trên internet phát triển tại Việt Nam. Tập trung mạng xã hội công cụ tìm kiếm hình thành độ tuổi vị thành niên...
Thế lực thù địch coi MXH là phương tiện truyền thông chính
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những vấn đề mà các thế lực lợi dụng nhiều nhất.
Ông giải thích: Việc không cấp phép cho tư nhân ra báo đảm bảo cho báo chí không bị lũng loạn. Vừa qua, một số cá nhân lợi dụng tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của nhà nước và của tư nhân. Đặc biệt các thế lực thù địch coi MXH như phương tiện truyền thông chủ yếu.
Các thế lực lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc lịch sử, sự thật. Việc chấn chỉnh phải được thực hiện đồng thời với tự do báo chí, tự do ngôn luận. Rà soát lại pháp luật có liên quan về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe, kiên quyết xắp xếp lại các cơ quan báo chí đúng tôn chỉ mục đích.
Google thu 100 triệu USD quảng cáo, Việt Nam không thu được thuế
Về tình trạng tràn lan quảng cáo trên mạng xã hội mà chưa thể ngăn chặn, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết hiện luật chưa cho phép chặn, còn nếu chặn triệt để toàn bộ Youtube và Facebook. Nếu chặn như thế thì các nhà mạng lại có ý kiến.
Thực tế là người dùng lợi dụng công nghệ viễn thông, lợi dụng tiền ảo để thanh toán qua các thông tin điện tử. Người dân phụ thuộc vào MXH ở nước ngoài nên chưa có giải pháp ngăn chặn dòng tiền quảng cáo trên 2 trang này. Hiện Google có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo nên nhiều cá nhân, tổ chức hám lời đã đăng các quảng cáo cho họ. Các tin tức bôi nhọ, ném đá người khác cũng được dùng vào việc câu view để quảng cáo này.
Năm 2016, nguồn thu từ quảng cáo của Google ở Việt Nam là 100 triệu USD nhưng họ lại không đóng một đồng thuế nào. Chúng tôi yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam nghiêm túc xem xét và cân nhắc khi đưa sản phẩm độc quyền của mình lên môi trường xuyên biên giới, từ đó giúp mạng xã hội nước ngoài khai thác được thị phần quảng cáo trên mạng, lấy đi cơ hội phát triển của các nhà mạng Việt Nam.
Bộ trưởng Tuấn đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TTTT kiểm soát các quảng cáo xuyên biên giới. Bộ Tài chính, NHNN có chính sách kiểm soát vấn đề nộp thuế từ loại hình quảng cáo này, mong Bộ Công an điều tra làm rõ các đối tượng vi phạm.
Đã xử lý những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời thêm về các quy định về quản lý thông tin trên mạng. Ông cho biết hiện đã sửa đổi nhiều quy định pháp luật để quản lý tốt hơn, trong đó tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái trên MXH. Năm vừa qua đã có xử lý những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH. Cũng nhờ người bị xâm hại cũng lên tiếng vì chúng tôi không thể quản lý hết được các hành vi xâm hại của 53 triệu cá nhân dùng MXH.
Trong trường hợp vi phạm, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ và xử lý theo Thông tư 38, xử lý nguồn phát tán, thông tin sai lệch, nói xấu, bôi nhọ danh dự, xúc phạm, biểu tình chống phá Nhà nước.
Thông tin trên mạng không lấn át thông tin báo chí
Trả lời chất vấn ĐB Cao Thị Xuân về việc có hay không thông tin báo chí chính thống bị thông tin trên MXH áp đảo, Bộ trưởng Tuấn cho biết: Thực tế thông tin MXH không lấn ướt thông tin báo chí nhưng tốc độ truyền tin nhanh chóng, áp đảo nhưng đa phần vẫn lấy thông tin báo chí là thông tin đúng. Bởi thông tin trên báo chí là thông tin chính thống, đáng tin cậy hơn.
Ông Tuấn cho biết các nước khác cũng thế. Mỹ, Pháp cũng bị MXH gây áp lực khi bầu cử. Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, MXH được phổ cập nhanh chóng nên phải thừa nhận rằng chúng ta không khỏi lúng túng khi xử lý vấn đề.
Ngoài ra, trong khi thông tin trên MXH không khác mấy báo chí nhưng lại không bị điều chỉnh bởi Luật Báo chí, đây cũng là kẽ hở của luật. Đó là một thực tế mà Bộ không né tránh và đang tìm cách khắc phục. Trước mắt cần nhận thức rõ, luật pháp dù chưa hoàn chỉnh nhưng có đủ cơ sở để điều chỉnh các thông tin trên MXH. Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự đều có những điều khoản để điều chỉnh.
Trên Youtube chúng ta mới cố gắng gỡ được 5.000 clip. Phía Youtube cho biết, cứ 1 phút thì có 48 giờ clip được đăng tải lên trên Youtube nên cần phải có bộ chọn-lọc, nếu là nội dung không đúng sẽ xóa. Tuy nhiên, sự phối hợp với với Goggle có tiến triển tốt hơn với Facebook. Chúng ta cũng phải rà soát lại hệ thống pháp luật nhất là chế tài đủ điều chỉnh các hành vi trên MXH.
Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Đức, Nga, Trung Quốc để đảm bảo thực thi nghiêm quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi cũng xác định, phải lấy báo chí làm hạt nhân để đẩy lùi thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm.
Bao giờ MXH trong nước thay thế được Facebook, Google?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời ĐB Triệu Thị Huyền về việc VN phụ thuộc khá nhiều vào Facebook và Google, ông cho biết ở VN có một số trang mạng xã hội như Bamboo, Xa lộ, Zingme... Nhưng sau 2 năm phát triển, Bamboo và Xa lộ không phát triển được nên phải đóng cửa. Chỉ còn trang Zingme, nhưng cũng đang lạc hậu dần, số người dùng cũng đang giảm nhanh.
Bộ trưởng cũng khẳng định phải có hỗ trợ về cơ chế chính sách, ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin, hỗ tợ các doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh ở Việt Nam, để có thể xây dựng những sản phẩm thay thế Facebook, Google trong 5 - 7 năm tới.
Muốn thực hiện được phải tổ chức tốt mô hình 4 nhà: Nhà mạng viễn thông - nhà mạng xã hội trong nước - nhà quảng cáo trong nước - nhà phát triển nội dung trong nước. Phải tập trung được 4 nhà này thì mới có hy vọng thay thế được 2 ông lớn của nước ngoài.
Tiếp đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi Bộ TTTT có chiến lược, kế hoạch cụ thể nào để nâng cao vai trò của báo chí? Dư luận quan tâm việc lợi dụng tự do báo chí, tự do dân chủ vi phạm lợi ích nghiêm trọng quyền tự do dân chủ, vấn đề này có nghiêm trọng không?
Về vấn đề mạng xã hội, Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đặt vấn đề: Việc sử dụng, phổ biến MXH trong nước và nước ngoài, MXH nước ngoài không bị điều chỉnh từ pháp luật nên gây ra nhiều bất cập. Đề nghị bộ trưởng đánh giá hiệu quả, tính khả thi của giải pháp hạn chế thông tin xấu độc?
Trả lời ĐB Lân Hiếu về vấn đề quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là các loại thuốc và thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: Quảng cáo trên mạng và TV được điều chỉnh bởi luật quảng cáo, NĐ 181 và một số điều quy định ở NĐ 171. Tuy nhiên, lợi dụng Internet và các trang MXH nước ngoài để đăng quảng cáo các mặt hàng bị cấm, hàng nhái, hàng giả, hàng liên quan tới sức khỏe, người tiêu dùng…
Khi phát hiện, Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Phối hợp với Facebook gỡ bỏ gần 400 đường link rao bán sản phẩm bất hợp pháp. Hiện tại tổ chức các đoàn liên ngành để kiểm tra các sản phẩm thuốc và chức năng.
Tiếp tục trả lời một câu hỏi khác của ĐB Lân Hiếu về phân loại thông tin độc hại, Bộ trưởng Tuấn cho biết có 3 loại: Loại thứ nhất là theo hướng loại thông itn gây phương hại an ninh quốc gia, có tính chất kích động chiến tranh, đòi lật đổ chế độ, thay đổi thể chế.
Loại thứ hai là xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân, khai thác quá nhiều đời tư mà không được phép.
Loại ba là loại gây phương hại cho sức khỏe, tính mạng, tinh thần của con người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ…
Thông tin kích động trên báo chí phải xử lý thế nào?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định lại, trên báo chí hiện nay dòng chảy chính vẫn là tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó, một số địa phương có kiến nghị cơ quan báo chí đưa tin sai, đưa tin một chiều, ông đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc, khắc phục tình trạng đưa tin phiến diện một chiều.
Nhưng bên cạnh đó, địa phương cũng phải cung cấp thông tin đa chiều để báo chí có được thông tin khách quan vì có tình trạng người phát ngôn ở nhiều cơ quan né tránh báo chí, khiến phóng viên báo chí khó tiếp cận được nguồn tin chính thống.
Cơ quan thường trú báo chí hù dọa địa phương, doanh nghiệp
Về tình trạng các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan thường trú báo chí có sai phạm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng có tình trạng phóng viên thường trú có hiện tượng hù dọa địa phương, hù dọa doanh nghiệp. Mặc dù Bộ TTTT đã có nhiều lần xử lý tình trạng này như tịch thu thẻ Nhà báo, đình bản 3 tháng, thậm chí rút giấy phép một số cơ quan báo chí, chủ yếu là báo mạng, nhưng các sai phạm vẫn chưa giảm nhiều. Nhiều cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử, lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn.
Ông kể, có phóng viên thường trú một tháng viết 7 bài đều là bài tìm kẽ hở, điểm xấu. Không có bài viết nào phản ánh mặt tích cực mặc dù địa phương ấy làm được rất nhiều việc tốt. Thậm chí, còn có tình trạng phóng viên thường trú phối hợp với CTV để chào mời quảng cáo, dọa doanh nghiệp, đơn vị để bắt phải quảng cáo.
Thực tế, có nhiều cơ quan báo chí thành lập văn phòng đại diện, khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy có tình trạng tòa báo khoán trắng cho văn phòng thường trú về kinh phí, nên việc phải đi hù dọa doanh nghiệp để kiếm tiền nuôi văn phòng là tất yếu.
"Có doanh nghiệp cho tôi xem có tuần họ nhận được lời mời gọi quảng cáo từ 50 cơ quan báo chí. Nhiều doanh nghiệp vì muốn yên lành nên làm ngơ, cho qua. Chúng tôi đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra các khu vực thường trú ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... Bộ đang tập hợp lại để có báo cáo đầy đủ về tình hình quản lý và hoạt động báo chí ở các văn phòng đại diện", Bộ trưởng Tuấn chia sẻ.
Báo chí phải dẫn dắt, định hướng lại mạng xã hội
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ TTTT cùng với Ban Tuyên giáo T.Ư và nhiều cơ quan liên quan đã tăng cường tuyên truyền làm rõ tiện ích vai trò của MXH cũng như hạn chế của nó.
Bộ cũng đã làm việc với các cơ quan quản lý MXH nước ngoài. Người dùng MXH của VN chủ yếu dùng Facebook và Google, vì hiện đại và tiện ích. Bộ đã đề nghị các cơ quan này tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Qua đó, Facebook và Google cũng đã gỡ bỏ khoảng 5.000 clip trên youtube xâm hại tới lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu tăng cường sử dụng các MXH trong nước, tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư đẩy mạnh thông tin trên báo chí, đẩy lùi thông tin tiêu cực trên MXH.
Báo chí có tình trạng bị MXH dẫn dắt thì nay phải định hướng, dẫn dắt lại các thông tin trên MXH.
Năng lượng xấu lấn lướt trên mạng xã hội
Về lượng tin giả bôi nhọ lãnh đạo Đảng Nhà nước ngày càng tràn làn trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực CNTT ở khu vực.
Mạng xã hội ra đời đem lại nhiều tiện ích cho con người, giao lưu, xích lại gần gũi nhau hơn. Kho kiến thức đồ sộ của mạng xã hội giúp con người hiểu biết hơn. Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội, không thể đi ngược xu hướng chung của thế giới.
Nhưng các tác hại do mạng xã hội đem lại không nhỏ. Như thông tin xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, thông tin gây chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng nhiều.
Bộ trưởng đặt câu hỏi "Có nên sử dụng mạng xã hội nữa" và trả lời luôn: Đây là công cụ cho người dùng, là con đường đi. Đừng coi mạng xã hội là xấu mà coi trách nhiệm của người sử dụng mới là chủ yếu.
Năng lượng xấu của người sử dụng ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội: Ném đá, nói xấu, chì chiết là một thực trạng. Thực tế là Nói tốt nhau thì ít người quan tâm, nhưng xúc phạm nhau trên mạng xã hội thì đua nhau like, share.
Thậm chí đã có tình trạng một số người tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.
Sai phạm báo chí đáng báo động
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trả lời các câu hỏi chất vấn với 3 nhóm vấn đề chính: Vận hành Chính phủ điện tử để cải cách thủ tục hành chính, hiện đã có khung Chính phủ điện tử 1.0, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công dịch vụ trực tuyến ở cấp độ 3...
Về nội dung xã hội hóa truyền hình, Bộ trưởng cho biết chúng ta có nhiều chương trình truyền hình liên kết đa phần là giải trí. Xu hướng tăng cường giải trí, xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến đậm đà bản sắc. Tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề, sai phạm trong các chương trình xã hội hóa nhiều. Nhưng gần đây các đài truyền hình địa phương có quy trình kiểm duyệt chuẩn hơn nên mức độ vi phạm đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, vẫn không thể hết hẳn các sai sót.
Vai trò đầu tiên thuộc về cơ quan báo chí trong liên kết, rồi đến vai trò quản lý Nhà nước của Bộ, các cơ quan Sở với một số quy định cụ thể, như các chương trình liên kết không được vượt quá 50% khung chương trình truyền hình...
Về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, gây nhức nhối gần đây, theo Bộ trưởng Tuấn, vai trò của báo chí được đề cao, mọi mặt của xã hội được phản ánh đa diện. Báo chí đi đầu phản ánh hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Những nơi khó khăn nhất đều có báo chí, góp phần đưa đường lối chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước vào đời sống...
Nhưng gần đây các sai phạm của báo chí là rất lớn, cũng ở mức đáng báo động. Tuy vậy, nó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng VN và đây vẫn là dòng chủ lưu.
Trong năm 2016, xử phạt gần 150 cơ quan báo chí. Là năm xử phạt nhiều nhất từ trước tới nay, trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật rất lớn, rồi thông tin gây phương hại tới lợi ích quốc gia. Như riêng vụ nước mắm truyền thống có 50 cơ quan báo chí bị xử lý...
Xử lý các cơ quan báo chí cấp giấy tờ cho CTV, PV có thể giả mạo giấy tờ thẻ nhà báo để trục lợi khi tác nghiệp.
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT
Hàng loạt câu hỏi liên quan tới vấn đề quản lý tin tức giả, tin xuyên tạc, xấu độc trên môi trường mạng xã hội cũng như tình hình phóng viên báo chí vi phạm pháp luật được nhiều ĐB như ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đặt ra và hỏi về trách nhiệm của Bộ TTTT trong việc quản lý những vấn đề này?
"Bộ có giải pháp gì chấn chỉnh tình trạng một số phóng viên hù dọa các doanh nghiệp vi phạm pháp luật ? Có rất nhiều thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo, xúc phạm tới danh dự của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội lại có tên miền ở nước ngoài. Đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì ngăn chặn thông tin độc hại này", ĐB Phương Tuấn đặt câu hỏi.
Hai ĐB đầu tiên đặt câu hỏi là ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) hỏi về việc xiệc xây dựng chính phủ điện tử ra sao? Sau 2 năm triển khai nghị quyết, kết quả trong triển khai và mục tiêu còn xa, người dân chưa hài lòng, dường như có biểu hiện lãng phí trong đầu tư công? Để xảy ra chậm chễ trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu?Có giải pháp nào đủ mạnh cho việc nâng cao trách nhiệm của bộ?
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Đầu tiên ông gửi lời cảm ơn cử tri cả nước và các ĐBQH, ông sẵn sàng trả lời tất cả các vấn đề liên quan tới lĩnh vực của mình.
Bộ trưởng nói: Từ đầu kỳ QH khóa XIV đến nay, Bộ TTTT đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn về lĩnh vực của mình. Bộ TTTT đã trả lời bằng văn bản theo quy định. Chúng tôi tin rằng, việc trả lời chất vấn trực tiếp cũng là cơ hội để ĐBQH và người dân theo dõi, giám sát giúp cho Bộ TTTT hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao phó. Hôm nay, tại phiên chất vấn này tôi xin nắng nghe và xin trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn Quốc hội.
Các đại biểu sẽ chất vấn việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Các đại biểu cũng chất vấn về công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; chất vấn về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình cũng như giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. (Ảnh: I.T)
Trước đó, trong báo cáo trả lời chất vấn gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nói về giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hoá, đạo đức. Bộ trưởng cho rằng, nội dung thông tin trên mạng được cung cấp bởi hai nguồn, từ các cơ quan báo chí chính thống và từ truyền thông xã hội. Hiện có 363 trang mạng xã hội do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, được Bộ TTTT cấp phép hoạt động, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó là mạng xã hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Hiện Facebook và Youtube là hai mạng xã hội nước ngoài có đông người dùng Việt Nam sử dụng nhất. Tính đến 30.9, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam |