Ông Trần Xuân Nhĩ cho biết: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9, chúng ta cần phải tiến tới “xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”. Đây cũng là xu thế của toàn thế giới hiện nay. Con người không thể học một lần để dùng cho cả đời được mà phải học cả đời.
Sinh viên Trường Đại học Thăng Long trong giờ học. |
Điều 65 khoản 3 Luật Giáo dục quy định rằng: Tất cả các loại bằng từ chính quy, tại chức công lập hay ngoài công lập đều có giá trị ngang nhau. Cái mà người ta vẫn phân biệt chỉ là phương thức đào tạo, nó khác nhau ở chỗ: Đào tạo chính quy, công lập thì được Nhà nước bao cấp không phải trả tiền hoặc trả ít, còn dân lập, tại chức thì phải tự trả tiền để đi học. Chương trình đào tạo của tất cả các hình thức này đã được Nhà nước ban hành. Người học phải đạt chuẩn đó thì mới cho tốt nghiệp.
Ông có bình luận gì về việc tỉnh Nam Định (và trước đó là Đà Nẵng) không chấp nhận bằng đại học dân lập và tại chức khi tuyển dụng công chức?
- Việc làm “trái khoáy” này trước hết là vi phạm Luật Giáo dục, cao hơn là vi phạm đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội học tập. Về lâu về dài, vi phạm nhỏ này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của vấn đề an sinh xã hội.
Nếu như Nhà nước đang khuyến khích phát triển các trường dân lập theo xu hướng thế giới để giảm dần gánh nặng bao cấp, nếu như Nhà nước đang kêu gọi học tập suốt đời... thì anh lại đưa ra quy định “ngược đời” là không chấp nhận sản phẩm của những hệ đào tạo đó.
Thực tế đã chứng minh, rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia hay các vị lãnh đạo cấp cao của nước ta cũng đi lên từ bằng tại chức, chuyên tu. Họ vẫn khẳng định được năng lực của mình trong quá trình tự học và nắm giữ những vị trí chủ chốt.
Chất lượng đào tạo trong nhà trường là vấn đề được các lãnh đạo địa phương đưa ra để lý giải sự phân biệt bằng cấp trong tuyển dụng. Tư duy như vậy có hợp lý không, thưa ông?
- Nói về chất lượng, không hẳn hệ đào tạo chính quy đã hoàn toàn hơn tại chức, dân lập. Dân lập cũng vậy, có rất nhiều trường tên tuổi, lượng sinh viên ra trường có việc làm đạt 80 - 90% như Trường ĐH Thăng Long hay Dân lập Hải Phòng... con số mà rất nhiều trường công lập “thèm thuồng”.
Từ đó để thấy rằng cái anh mà nói rằng “tôi chỉ tuyển chính quy thôi, không tuyển tại chức, dân lập” rõ ràng là sai. Tuyển công chức là phải tuyển những người có đủ năng lực làm việc, chứ không phải tuyển cái bằng chính quy, dân lập hay tại chức.
Cái lý của anh là muốn tuyển những người có thể làm được việc thì anh phải đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng cụ thể, như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, về chuyên môn phải giỏi mặt này, mặt khác... Ai đáp ứng được những yêu cầu đó thì chấp nhận. Đó mới là công bằng, công khai và dân chủ. Ở đây, bằng cấp không nói lên điều gì cả.
Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận được hiện nay đào tạo tại chức, hệ mà Đà Nẵng và Nam Định kiên quyết nói không, không được xã hội nhìn nhận vì chất lượng còn quá kém và bị lợi dụng cho “con ông cháu cha” xí chỗ trong hệ thống công chức?
- Tôi không phủ nhận điều đó nhưng phải nói cho công bằng, cái “kém” mà người ta nói ở đây chỉ một phần nhỏ lỗi ở người học, mà lỗi lớn là ở người dạy, người tổ chức đào tạo, giám sát công việc này. Nếu có cơ chế đào tạo và quản lý, giám sát chặt chẽ phù hợp về cơ sở vật chất, năng lực giáo viên, chương trình đào tạo, quá trình thực hiện đánh giá ra sao... ta hoàn toàn có thể loại bỏ được những tấm bằng “vô nghĩa” và chọn được những tấm bằng chất lượng thực sự. Có như vậy mới loại được những “con ông cháu cha” kém cỏi.
Nhìn xa hơn, phải xác định rằng giáo dục không phải các trường dàn hàng ngang mà tiến mà phải có giáo dục tinh hoa và giáo dục đại chúng. Những trường khẳng định được chất lượng cao thì sẽ trở thành “tinh hoa” còn lại là giáo dục đại chúng dành cho tất cả mọi người chứ không phải phân biệt ở cái bằng, phương thức đào tạo như nhiều người hiện nay vẫn nghĩ.
Tùng Anh (thực hiện)