Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn ĐBQH sáng nay, 17.11. (Ảnh: H.P)
Mạng xã hội chỉ là công cụ, tốt hay xấu là do người dùng
Chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) đặt câu hỏi: Hiện có 363 trang mạng xã hội trong nước được Bộ TTTT cấp phép hoạt động, đặc biệt, có 2 MXH của nước ngoài có rất đông người sử dụng là Facebook (53 triệu người dùng) và Youtube (35 triệu người). Có hay không tình trạng thông tin MXH lấn át thông tin báo chí chính thống? Bộ TTTT có giải pháp gì tận dụng MXH để nâng cao dân trí, đồng thời hạn chế thông tin xấu?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá, trên MXH, nói tốt thì ít người quan tâm, lời lẽ xúc phạm nhau trên MXH thì lại nhiều người quan tâm hơn. Đây đang là một thực trạng khá nhức nhối. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay đã có 5 – 6 trường hợp tự tử sau khi bị “ném đá” trên MXH. |
Trả lời ĐB Cao Thị Xuân, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng CNTT ở khu vực. Nếu như 15 năm trước đây, chúng ta không nghĩ rằng mạng xã hội phát triển như thế và 15 năm sau không biết còn phát triển như thế nào.
MXH làm cho con người gần nhau hơn và kiến thức đồ sộ, khổng lồ của mạng xã hội giúp cho con người tìm hiểu ở mọi lúc, mọi nơi. Không thể phủ nhận vai trò của MXH trong quá trình phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rất lớn đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, tác hại của MXH là không nhỏ. Những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm hại đời tư, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng nhiều hơn. Nhiều người nói có cần sử dụng MXH nữa không?
"Tôi cho rằng MXH chỉ là công cụ, là con đường mà chúng ta đi. Tốt hay xấu là do ý thức của người sử dụng MXH. Cũng như trên con đường đi cũng có kẻ tốt và người xấu vậy", Bộ trưởng Tuấn ví von.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, khi sử dụng MXH người ta vẫn là người tốt nhưng chỉ một bộ phận nhỏ những người xấu đã làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường MXH. Tình trạng "ném đá", rồi nói xấu, chì chiết nhau trên MXH ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định, trên MXH, nói tốt thì ít người quan tâm, nhưng khi dùng lời lẽ xúc phạm nhau trên MXH thì lại có nhiều người quan tâm hơn. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay đã có 5 – 6 trường hợp tự tử khi bị “ném đá” trên MXH.
Để quản lý MXH, Bộ trưởng cho biết Bộ TTTT đã làm việc với MXH nước ngoài và yêu cầu họ tuân thủ luật pháp quốc tế và luật pháp của Việt Nam. "Chúng tôi cũng đã yêu cầu Facebook và Google gỡ khoảng 5.000 clip trên Youtobe, do có nội dung xâm hại tới đời tư cá nhân, tổ chức, nhà nước", ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ TTTT cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư để chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh thông tin trên báo chí nhằm định hướng MXH.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định: Để đẩy lùi thông tin xấu, độc hại trên MXH, báo chí chính thống phải định hướng lại thông tin trên MXH, không để MXH dẫn dắt như vừa qua.
Báo chí luôn đi tiên phong
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về vai trò của cơ quan báo chí và giải pháp chấn chỉnh tình trạng một số phóng viên hù dọa, tống tiền doanh nghiệp, người dân gây bức xúc cho xã hội, Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định, trên báo chí hiện nay dòng chảy chính, dòng chảy chủ lưu vẫn là dòng thông tin tích cực, phản ánh kịp thời và đầy đủ đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số địa phương có kiến nghị cơ quan báo chí đưa tin sai, đưa tin một chiều. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc, khắc phục tình trạng đưa tin phiến diện một chiều.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh đó, địa phương cũng phải cung cấp thông tin đa chiều để báo chí có được thông tin khách quan vì có tình trạng người phát ngôn ở nhiều cơ quan né tránh báo chí, khiến phóng viên báo chí khó tiếp cận được nguồn tin chính thống.
Thực tế, có nhiều cơ quan báo chí khi thành lập văn phòng đại diện, khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy có tình trạng tòa báo khoán trắng cho văn phòng thường trú về kinh phí, nên việc phải đi hù dọa doanh nghiệp để kiếm tiền nuôi văn phòng là tất yếu. |
Về tình trạng các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan thường trú báo chí có sai phạm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng có tình trạng phóng viên thường trú có hiện tượng hù dọa địa phương, hù dọa doanh nghiệp là vi phạm pháp luật.
Mặc dù Bộ TTTT đã có nhiều lần xử lý tình trạng này như tịch thu thẻ Nhà báo, đình bản 3 tháng, thậm chí rút giấy phép một số cơ quan báo chí, chủ yếu là báo mạng nhưng hầu như không giảm do lựa chọn phóng viên thường trú ở cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử không đủ tiêu chuẩn.
Nhiều phóng viên thường trú vẫn tìm kẽ hở ở địa phương viết, có phóng viên thường trú một tháng viết 7 bài đều là bài tìm kẽ hở, điểm xấu. Không có bài viết nào phản ánh mặt tích cực mặc dù địa phương ấy làm được rất nhiều việc tốt. Thậm chí, còn có tình trạng phóng viên thường trú phối hợp với CTV để kêu gọi, chào mời quảng cáo, hù dọa doanh nghiệp, đơn vị để bắt phải quảng cáo.
Thực tế, có nhiều cơ quan báo chí khi thành lập văn phòng đại diện, khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy có tình trạng tòa báo khoán trắng cho văn phòng thường trú về kinh phí, nên việc phải đi hù dọa doanh nghiệp để kiếm tiền nuôi văn phòng là tất yếu.
"Có doanh nghiệp cho tôi xem trong một tuần họ nhận được lời mời gọi quảng cáo từ 50 cơ quan báo chí. Nhiều doanh nghiệp sợ do bị dọa, muốn yên lành nên làm ngơ, cho qua. Chúng tôi đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra các khu vực thường trú ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... Bộ đang tập hợp lại để có báo cáo đầy đủ về tình hình quản lý và hoạt động báo chí ở các văn phòng đại diện", Bộ trưởng Tuấn chia sẻ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết: Gần đây các sai phạm của báo chí là rất lớn nhưng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam. Dòng chảy chính vẫn là dòng chủ lưu. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận, sai phạm trong lĩnh vực báo chí cũng đáng báo động. Riêng trong năm 2016, Bộ TTTT đã xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, là năm xử phạt nhiều nhất từ trước tới nay, trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật rất lớn, rồi thông tin gây phương hại tới lợi ích quốc gia. Như riêng vụ nước mắm truyền thống có 50 cơ quan báo chí bị xử lý... Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ TTTT cũng cho biết đã xử lý nghiêm các cơ quan báo chí cấp giấy tờ cho CTV, PV có thể giả mạo giấy tờ thẻ nhà báo để trục lợi khi tác nghiệp. |