Sáng 17.11, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2017).
Tham dự buổi gặp gỡ có khoảng 300 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, cùng cán bộ quản lý giáo dục các bậc đại học, phổ thông trung học, giáo viên tiêu biểu qua các thời kỳ…
“Cách đây khoảng 30 năm, Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn trong ngành giáo dục như nước ta. Nhưng đến nay họ đã phát triển vượt bậc, vì sao? Vì họ tập trung quan tâm đến giáo dục, dành những gì tốt đẹp nhất cho giáo dục như mức lương, điều kiện sống và dạy học. Nếu TP.HCM không làm được thì chúng ta sẽ thất bại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói.
Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo đã trao đổi, góp ý thẳng vào những vấn đề còn bất cập, hạn chế từ mức lương hiện tại đang làm cho đời sống giáo viên khó khăn, nhiều thầy cô khi về hưu không có nhà ở; cách nào để ngành giáo dục thành phố “cất cánh”…
Đồng chí Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì buổi gặp gỡ.
PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng, nếu thành phố được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù thì đây là cơ hội lớn để phát triển, kinh tế - xã hội của TP.HCM có nhiều đột phá, trong đó có GD-ĐT. “Lãnh đạo thành phố cần chuẩn bị cho GD-ĐT những chương trình, dự án để tận dụng những thời cơ sắp đến”, PGS.TS Sen đề xuất.
TS Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, sự phát triển của GD-ĐT thành phố trong thời gian qua là rất rõ ràng. Đó là quy mô trường lớp, chất lượng dạy và học… cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội.
PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Tuy nhiên, theo TS Minh, để GD-ĐT thành phố tốt hơn thì cần nói thẳng những vấn đề còn trăn trở nhất, nhằm giúp cho lãnh đạo nắm được. Tuy GD- ĐT thành phố có phát triển nhưng chưa bền vững.
“Làm cái gì cũng hay nhưng hỏi thầy cô có sống được bằng lương hay không? Có những trăn trở, thầy cô chỉ mong an bình để phát triển, giúp cho “thăng hoa” của tâm hồn. Như vậy, thầy cô giáo mới chuyển tải được tới học sinh sự yêu nghề, yêu xã hội. Còn bây giờ, gánh nặng của cơm áo gạo tiền cứ chi phối hàng ngày làm sao thầy cô yên tâm với nghề”, TS Minh trăn trở.
Ở cấp quản lý trực tiếp, Th.S Phan Văn Quang – Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình nêu thực trạng của địa phương mình khi cho biết, địa bàn quận còn một số khó khăn. Nhiều học sinh học hai buổi/ngày. Với tình hình tăng dân số cơ học như hiện nay, tốc độ xây dựng trường lớp không đáp ứng được. Th.S Quang mong thành phố cần đầu tư trường lớp tốt hơn. Tiếp đó, việc tuyển viên chức cũng là bài toán nan giải, thành phố cần xác định: ngành nào tinh giảm biên chế và ngành nào cần bổ sung.
Chia sẻ với những suy tư, trăn trở của nhà giáo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang khẳng định: “Thực tế, từ sau khi có Nghị quyết 29 của Trung ương, GD-ĐT cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều nội dung đổi mới, cách làm sáng tạo nhưng thực tế có những vấn đề vẫn còn gây ưu tư, lo lắng, thậm chí bức xúc của xã hội.
Trong khả năng, quyền hạn của thành phố, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tối đa những mặt tiêu cực xuất phát từ chủ quan và khách quan khiến giáo dục phần nào trì trệ, thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế luôn có một khoảng cách”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho hay: “Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nhà giáo hôm nay rất có giá trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và điều hành của UBND TP.HCM. Thành phố đang cần sự đóng góp về tư duy, trí tuệ, kiến thức và đặc biệt là tâm huyết của đội ngũ nhà giáo thành phố”.
Đồng chí nhấn mạnh: “Mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là một sự nghiệp lớn lao mà tất cả chúng ta đều phải phấn đấu hết mình. Phát huy thế mạnh, nắm bắt thời cơ, nỗ lực thực hiện mới mong đạt được. Lãnh đạo thành phố rất tin tưởng và kỳ vọng đội ngũ nhà giáo thành phố sẽ tiếp tục tích cực đồng hành với quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân”.