Không chấp nhận bệnh
Năm 2015, sau khi cha đột ngột bị tai biến mạch máu não và phát hiện mắc ĐTĐ, chị Băng Nga, 53 tuổi, nhân viên công ty DKSH VIệt Nam đi kiểm tra thử và biết mình cũng bị ĐTĐ. Chị đã trải qua những ngày sốc nặng vì không bao giờ nghĩ mình mắc bệnh này. Chị tâm sự như thế trên ngaydautien.vn, trang web giáo dục bệnh nhân do hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam bảo trợ.
BS.CK1 Trần Minh Triết, khoa nội tổng hợp bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cho biết ĐTĐ là bệnh mạn tính và bệnh nhân phải sống chung suốt đời, vì thế khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh, không ít bệnh nhân phản kháng bằng cách đi khắp nơi thử đường huyết xem mình chắc chắn có bệnh hay không.
Anh Văn Thắng, 49 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM, cũng tương tự. Sau khi phát hiện bị ĐTĐ hồi đầu năm nay, anh chạy đôn chạy đáo tìm kiếm một loại thuốc có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh của mình… trong vài tháng. Anh nói: “Tôi khoẻ mạnh sao bị bệnh này được. Người ta nói ĐTĐ rất nguy hiểm, nếu để lâu bệnh nhân có thể bị cụt chi, mù mắt, liệt dương”.
BS.CK1 Trần Minh Triết, khoa nội tổng hợp bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cho biết ĐTĐ là bệnh mạn tính và bệnh nhân phải sống chung suốt đời, vì thế khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh, không ít bệnh nhân phản kháng bằng cách đi khắp nơi thử đường huyết xem mình chắc chắn có bệnh hay không. Ông nói: “Thậm chí có người bị ĐTĐ uống thuốc do bác sĩ này kê rồi lại chạy đến bác sĩ khác kiểm tra. Đây là tình huống nguy hiểm vì có thể bệnh nhân giấu bệnh, giấu thuốc, bác sĩ sau thử lại thấy đường huyết bình thường và nói bệnh nhân không bị bệnh. Khi đó bệnh nhân sẽ nghĩ mình khoẻ mạnh, không theo dõi và để bệnh tiến triển nặng”.
Một tình huống khác, theo BS Triết, là bệnh nhân bị ĐTĐ tìm kiếm một giải pháp điều trị nhanh khỏi, vì không chấp nhận sống chung với bệnh. Bác sĩ nào nói họ phải uống thuốc suốt đời họ sẽ không vui. Vì thế ai mách họ có nơi nào chữa hết, phương thuốc nào trị dứt bệnh là họ thử ngay. Hậu quả là có người uống những bài thuốc dân gian, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc và phải nhập viện cấp cứu vì tác hại của thuốc.
“Sau khi biết mình chắc chắn mắc ĐTĐ rồi và phải trị bệnh suốt đời, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn 2 là lo sợ không biết thuốc dùng lâu ngày có tác dụng phụ hay không rồi mình sẽ bị biến chứng gì. Lâu ngày trạng thái tâm lý này khiến một số người bị rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm”, BS Triết nói.
Theo Chương trình mục tiêu y tế giai đoạn 2015 – 2020 của bộ Y tế, trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người ĐTĐ. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều giai đoạn trong diễn tiến tự nhiên của ĐTĐ, nhưng đa số bệnh nhân không được phát hiện và điều trị trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Người ta nhận thấy tỷ lệ trầm cảm trong ĐTĐ gấp đôi so với dân số chung, với tỷ lệ gộp là 9% nếu chẩn đoán bằng phỏng vấn và 26% nếu chẩn đoán bằng cách tự chấm điểm trầm cảm theo thang điểm.
Có thể sống hoà bình với bệnh suốt đời
Những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm là tình trạng khá phổ biến ở người bệnh ĐTĐ. Tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân ĐTĐ mới đây ở bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, ThS.BS tâm lý Nguyễn Minh Mẫn cho biết nếu bệnh nhân ĐTĐ không được quản lý tốt và người thân thấu hiểu, họ dễ nảy sinh suy nghĩ, hành động tiêu cực. Đặc biệt ở bệnh nhân đã có sẵn rối loạn tâm lý hoặc trầm cảm trước đó, tình trạng trầm cảm có thể nặng hơn và khiến họ nảy sinh ý định tự tử.
BS Mẫn nói: “Thông thường bệnh nhân ĐTĐ trải qua năm giai đoạn tâm lý: từ chối không chấp nhận mắc bệnh; biết bệnh và tức giận nếu có ai nói đến bệnh của mình; hoà hoãn, thảo luận với bác sĩ xem mình có thật sự bệnh hay không; lo lắng, buồn phiền và tự hỏi tại sao bệnh lại xảy ra cho mình; và cuối cùng là chấp nhận bệnh”.
Theo BS Triết, yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị thành công ĐTĐ. Ở các nước tiên tiến, bệnh nhân ĐTĐ nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các chuyên viên tâm lý và đội ngũ giáo dục viên để giải toả những lo âu, thắc mắc trong quá trình điều trị bệnh. Ở nước ta, một vài bệnh viện bắt đầu xây dựng và đi theo con đường này.
“Lo âu, buồn bã ở người mắc bệnh ĐTĐ là điều bình thường. Nhưng họ cần giải quyết điều này bằng cách tham khảo thông tin từ các trang mạng và cơ sở y tế có uy tín, trình bày với bác sĩ những lo âu, thắc mắc của mình để được giải quyết, và tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân ĐTĐ. Vì ở đó người ta dễ dàng tìm được thông tin thiết thực cho bệnh của mình, có người cùng cảnh ngộ để sẻ chia và giải toả căng thẳng. Đặc biệt là không nghe lời khuyên của những người không có chuyên môn, vì điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”.
Chị Băng Nga đã trải nghiệm những vấn đề tâm lý của bệnh nhân ĐTĐ như thế nào. Chị nói: “Sau khi được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng, dần dà tôi bớt đi nỗi sợ. Nếu kiểm soát ĐTĐ tốt, bệnh sẽ sống chung với mình cả đời và thậm chí đến lúc chết mà không bộc phát gì cả. Với người mới mắc ĐTĐ, tôi khuyên họ đừng nghĩ sâu xa hay nặng nề vì bệnh không hạn chế gì cho cuộc sống cả”.
Trong khi đó, BS Triết cho một lời khuyên ngắn gọn: “Bệnh nhân ĐTĐ hoàn toàn có thể sống khoẻ và lạc quan với bệnh bằng cách tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ điều trị về ăn uống, tập luyện thể lực và sử dụng thuốc”.