Vỉa hè, câu chuyện luôn nóng ở các đô thị nhất là hai đô thị lớn TP.HCM và Hà Nội.
Mở đầu cho việc “chày cối” của mình, Phạm Nguyên Vũ, tổ phó tổ thu phí đậu ôtô, đội quản lý trật tự đô thị quận 1 – vị cán bộ bị báo chí phanh phui “bảo kê” vỉa hè – viết: “Việc hứa chạy giấy phép, thông báo lịch ra quân dẹp lấn chiếm chỉ vì chia sẻ nỗi khó khăn của bà con nghèo... Anh em hỏi muốn xin giấy phép vỉa hè mình khuyên phải xin giấy phép kinh doanh trước. Giờ dịch vụ xin giấy phép đầy đường, chi phí cũng trên trời dưới biển. Mình bảo anh em là dịch vụ xin giấy phép kinh doanh khoảng 3 triệu đồng. Mình không làm, nhưng giúp được việc giới thiệu các chỗ làm dịch vụ. Ai đã từng đăng ký thủ tục hành chính sẽ hiểu mệt như thế nào. Anh em hỏi chuyện vỉa hè, mình bảo ở đường Võ Văn Kiệt không cấp phép vỉa hè. Tuy nhiên, thấy anh em khổ nên mình bảo anh em cứ xin giấy phép, để cán bộ trật tự đô thị có thể xem xét thông cảm. Anh em hỏi chung chi bao nhiêu, mình bảo sao anh em nói vậy, đó là chuyện kinh doanh buôn bán, lời ít lời nhiều...”.
Chỉ riêng chuyện lý sự “bảo kê” vỉa hè vì “thương người nghèo” thì tin rằng ai đọc được cũng “té ghế”, vì nó quá cùn. Bởi nếu thương sao cán bộ Vũ cứ đòi tiền? Nếu thương đâu có gợi ý chi bao nhiêu, căn vào lời nhiều lời ít? Bởi thực tế, việc chung chi trên cái vỉa hè đã tồn tại từ lâu, không chung chi “đố mày làm được”. Bằng chứng là giờ các nhà hàng, quán nhậu vẫn vô tư chiếm vỉa hè, trong khi những người bán hàng rong trưng dụng một phần vỉa hè lại nơm nớp lo sợ gặp phải cán bộ trật tự đô thị.
Tuy nhiên, đọc đến đoạn “giờ dịch vụ xin giấy phép (tức giấy phép kinh doanh) đầy đường, chi phí cũng trên trời dưới biển… Ai đã từng đăng ký thủ tục hành chính sẽ hiểu mệt như thế nào” mà cán bộ Vũ nói, quả là vị cán bộ “bảo kê” vỉa hè này đã nói đúng bản chất của nạn vòi vĩnh, gây khó khăn khi người dân đi làm các thủ tục hành chính. Chẳng thế mà giờ “cò” hoạt độngở hầu hết các lĩnh vực.
Ấy vậy mà, khi bị chất vấn tại sao để “cò” lộng hành ở hàng loạt các lĩnh vực, thì báo chí hay đại biểu hội đồng nhân dân đều nhận được câu trả lời là đa phần chúng nó “lừa” để trục lợi chứ ngành nào, ban nào cũng đang mạnh tay “xử cò”.
Ai lừa không biết, bản thân tôi thấy rằng nhờ “cò” mà hàng loạt cái khó của bản thân được giải quyết, miễn chi tiền cho “cò” sòng phẳng. Quả thật “cò” giờ đã hoá rồng vì chuyện nào làm cũng được, chứ không phải như gán ghép của nhiều ngành là chúng nó… lừa!