Dân Việt

Phó Thủ tướng: Bảo mật thông tin của người dân quá dễ dãi

Thanh Xuân 17/11/2017 21:02 GMT+7
Chiều 17.11, hỗ trợ thêm phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Khi hỏi về an toàn thông tin (ATTT) đối với người dân Việt Nam, đa phần các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá - từ mô tả chuẩn nhất là “dễ dãi”.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bảo mật thông tin của người dân quá dễ dãi (Ảnh: IT)

Quyết tâm triển khai chính phủ điện tử

Nói về Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta cũng phải nói lại rằng, công nghệ thông tin là công cụ để xây dựng chính phủ điện tử. Phải xác định nhiệm vụ quyết tâm, không chỉ là biên chế, thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, mà quan trọng hơn hết là công khai, minh bạch, chống tham nhũng”.

 "Vấn để triển khai chính phủ điện tử cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả các bộ, ngành. Nếu làm tốt cái này, tôi chỉ ví dụ cuộc tổng điều tra dân số sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Và cuộc tổng điều tra năm 2019 tới đây là điều tra cuối cùng, sau đó sẽ cập nhật hàng tháng và chúng ta có số liệu sống chứ không phải là số liệu nằm yên tĩnh như bây giờ".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng cũng cho biết, ngoài tâm lý lười cập nhật các công nghệ hiện đại thì vấn đề công khai minh bạch khi triển khai chính phủ điện tử là những nguyên nhân chính khiến nhiều bộ, ngành, địa phương chưa vào cuộc tích cực. Bởi, nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành coi như mình bị giám sát.

“Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt triển khai chính phủ điện tử và yêu cầu phải đo đếm được bằng con số”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Quản lý tốt mạng xã hội

Nói về báo chí và mạng xã hội (MXH), ông Đam cho rằng: Chúng ta tạo điều kiện phát triển mạnh thông tin tuyên truyền nhưng đi đôi với điều đó là phải quản lý tốt. Về MXH, hiện trên thế giới có 7,5 tỷ người dùng thì trong đó có 52% dùng Internet, 42% dùng MXH. Việt Nam có 60% dùng Internet, trong đó có 40% dùng MXH. Theo đánh giá, ở nước ta MXH có tới 95% thị phần thuộc về nước ngoài. Trong đó, công cụ tìm kiếm 98%, thư điện tử cũng 98%, còn tỷ lệ tốt nhất của chúng ta chính là trò chơi điện tử giữ lại được 60%. Suy ra, mảng quảng cáo các công ty nước ngoài như Youtube và Facebook đã chiếm 80% với khoảng 350 triệu USD doanh thu mỗi năm.

Đối với Facebook, ở Nga chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản đứng thứ 6, Hàn Quốc đứng thứ 7. Họ có nhiều mạng riêng để tránh độc quyền và có biện pháp ngăn chặn. Ở Đức họ dùng pháp luật, như lấy thông tin của người dân, gây thù địch để cảnh báo và ngăn chặn 2 MXH này nên chỉ có 30% người dân Đức dùng MXH. Còn ở Thái Lan, 83% người dân sử dụng Internet, cao hơn Việt Nam (67%) nhưng họ sử dụng MXH hạn chế hơn do sợ mất thông tin cá nhân.

“Chúng ta tạo điều kiện phát triển cho các MXH nhưng phải đảm bảo chính trị, không được gieo rắc thông tin đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

An toàn thông tin của người dân xếp cuối bảng

Nói vế vấn đề ATTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không đảm bảo ATTT thì nguy hại vô cùng”.

Theo Phó Thủ tướng, ATTT của Việt Nam đứng thứ hạng trên 100, tức là xếp ở loại yếu. “Trên thế giới, cứ 1 giây có 1 sự cố liên quan tới ATTT. Tức là tôi vừa nói xong thì đã có mấy chục cuộc tấn công trong đó có nhiều cuộc tấn công có chủ đích. Chỉ số tán phát thư rác cũng tương tự, trung bình 1 giờ thế giới có 200 tỷ thư rác được phát đi thì Việt Nam chiếm 11,17%, trong khi Trung Quốc 12%. Tính theo tỉ lệ đầu người, vấn đề phát tán thư rác của Việt Nam gấp 13 lần Trung Quốc và 8 lần của Mỹ. Trong khi đó, các thư rác này cũng đem theo những mối nguy hại về ATTT”,  Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, nếu như trước đây nói tới ATTT chỉ nói tới thiết bị máy tính thì bây giờ các thiết bị tivi, tủ lạnh… đều kết nối với Internet và kết nối với nhau. Theo thống kê, hiện các thiết bị của Việt Nam có hơn 70% bị lây nhiễm, trong đó, máy tính cá nhân có tới 61% bị nhiễm mã độc.

“Như tôi đã báo cáo ở trên, ATTT của chúng ta đứng thứ 100 nhưng còn về cá nhân người sử dụng thì gần như đứng cuối cùng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết: Khi hỏi về ATTT đối với người dân Việt Nam, đa phần các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá - từ mô tả chuẩn nhất là “dễ dãi”. Đa phần người dân không cần đọc kỹ thông điệp trên máy tính, điện thoại, cứ thấy có thông tin là ấn ok. Hàng loạt thông tin cá nhân của chúng ta đều được các công ty thu thập với mục đích đầu tiên là giúp cho kinh doanh của công ty đó, nhưng nguy cơ sử dụng vào các vấn đề khác mất an toàn là rất khó kiểm soát. Nhiều người có thói quen, cứ đi đâu về có USB là cắm luôn vào máy tính. Như vậy là lây nhiễm mã độc hết các thiết bị, gây ra vấn đề đáng báo động cho ATTT của Việt Nam.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta cũng khẳng định chủ quyền thứ 5 về ATTT. Có 5 chủ quyền là đất, nước, biển, vùng trời, quỹ đạo vũ trụ và chủ quyền không gian mạng. Trong không gian mạng đó chúng ta phải có chủ quyền và khác với các chủ quyền còn lại là không có tọa độ địa lý.

Chủ quyền không gian mạng rất quan trọng nên thế giới họ xác định: Bôi nhọ, nói xấu, lộ bí mật, phá hoại thông tin, phá hoại hệ thống… có thể đánh sập điều hành điện, nước nhà máy nguyên tử. Thậm chí là bị chiếm quyền kiểm soát hệ thống của mình, biến thành đồng phạm, tấn công nước thứ 3 mà bản thân mình không biết.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các mối nguy hoại này ở nước ta lại nằm chủ yếu ở các mã trên thiết bị của các cá nhân. Hiện mã độc chưa làm gì, đến một thời điểm nhất định, họ có thể điều khiển “đội quân” đó. Muốn xử lý thì cần phải mất nhiều năm mới gỡ hết.

Phó Thủ tướng cho biết, để làm điều này, chúng ta phải nhận thức được rủi ro và phải có công cụ, nhân lực; chúng ta phải xây dựng cảnh giới không chỉ là giây mà là 1/1.000 của giây. Đồng thời, ngoài bảo vệ còn cần có tổ chức đánh lại nguồn tấn công mình và khôi phục lại được trạng thái ban đầu của hệ thống.

Lấy ví dụ về vụ tấn công mạng điều hành của Vietnam Airlines, Phó Thủ tướng cho biết, từ 12h trưa ngày hôm trước hệ thống an ninh mạng đã biết có khả năng bị tấn công chứ không phải đợi tới khi báo chí thông tin sau khi xảy ra sự việc của ngày hôm sau.