Sống chung với dòng suối bẩn
PV Dân Việt cùng người dân đi dọc theo con suối bị ô nhiễm có tên là Suối Ắng. Dòng nước trong xanh ngày nào giờ không còn nữa, thay vào đó là con suối với dòng nước đen như mực, chảy thành vệt dài, bốc mùi rất khó chịu.
Nước thải do các cơ sở chế biến tinh bột dong thải trực tiếp ra môi trường
Quan sát bằng mắt thường, dễ dàng nhận thấy dòng nước bị đổi màu, nổi đầy váng đen. Đứng cách xa bờ suối mà vẫn thấy mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu. Điều đáng nói là dù dòng suối bị ô nhiễm nặng nhưng người dân vẫn phải sử dụng làm nước sinh hoạt hàng ngày.
Dòng suối nơi người dân vẫn lấy nước sinh hoạt hàng ngày giờ bị ô nhiễm nghiêm trọng
Được biết, trước đây con suối này nước vốn rất trong, dưới suối có rất nhiều loài tôm, cá sinh sống, hàng ngày người dân bản vẫn ra suối tắm và bắt cá. Thế nhưng từ khi các cơ sở chế biến tinh bột dong hoạt động xả nước thải xuống suối đã biến dòng suối này thành "con suối chết", không còn bất cứ loài tôm, cá nào sống được trong dòng nước này.
Hàng ngày, đám trẻ con vẫn kéo nhau ra tắm suối,tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo những người dân ở đây, vì không còn nguồn nước khác thay thế nên họ bắt buộc phải dùng nước suối.
Ông Đặng Văn Hem, bản Co Phay (Tân Lập) nhà ở gần con suối vẫn lấy suối làm nước sinh hoạt hàng ngày. Ông Hem cho biết: "Gia đình tôi đến cư trú cạnh con suối này từ năm 1995. Hàng ngày vẫn sử dụng nước suối này để uống, nấu nướng. Trước đây nước suối sạch nhưng bây giờ nước ô nhiễm, có mùi nặng, không biết sau này có sinh ra bệnh gì không? Cả nhà tôi có 7 người vẫn đang dùng nước này. Biết là ô nhiễm nhưng ngoài nước suối ra không con nguồn nước nào khác thay thế. Chúng tôi cũng lo cho sức khỏe gia đình lắm, nhất là đứa cháu nhỏ mới 2 tuổi nhưng lực bất tòng tâm".
Còn anh Đặng Văn Tiến, Trưởng bản Co Phay (Tân Lập) bức xúc, cả bản có 64 hộ thì có hơn 20 hộ đang trực tiếp sử dụng nước suối sinh hoạt. Từ xưa đến nay, duy nhất chỉ có dòng suối cung cấp nước nước bản. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước nước, bản đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã và nhận được lời hứa sẽ xử lý nhưng đến nay, nước vẫn bị ô nhiễm và thậm chí ngày càng nặng hơn.
Anh Hà Văn Khởi, Trưởng bản Long Cóc (Tân Lập) thông tin: Gần 20/118 hộ dân trong bản đang sử dụng nước suối sinh hoạt ăn uống. Biết là nước ô nhiễm nhưng hàng ngày trẻ con trong bản vẫn rủ nhau ra suối tắm. Tuy hiện chưa có trường hợp nào bị bệnh tật nhưng về lâu dài thì không thể lường trước được.
Qua tìm hiểu được biết, hiện người dân ở 3 bản Co Phay, Phiêng Đón, Long Cóc đang sử dụng nguồn nước từ dòng suối ô nhiễm này để phục phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Môi trường tại nơi sơ chế tinh bột dong loang lổ nước thải xung quanh
Chưa xử lý vì "bận hội thi thể thao"
PV Dân Việt đã làm việc với lãnh đạo UBND xã Tân Lập và được cán bộ xã dẫn đến thị sát tại cơ sở sơ chế tinh bột dong của ông Lê Văn Thùy, tại tiểu khu 12 (Tân Lập) đúng vào thời điểm cơ sở này đang hoạt động với công suất cao.
Cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng tôi là 2 dòng nước thải đen ngòm chảy trực tiếp ra suối mà không thông qua bể lắng. Xung quanh khu vực con suối này nước đen như mực, nổi đầy váng đen bốc mùi hôi thôi nồng nặc.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng cách từ nhà máy đến suối Ắng chưa đầy 50m. Bên trong cơ sở chế biến nơi bể chưa nước thải bị tràn lênh loáng bên ra ngoài, có mùi rất khó chịu, không đảm bảo vệ sinh.
Được biết các cơ sở xử lý dong riêng ở đây có khả năng thu mua và chế biến khoảng 10 tấn củ dong/ngày. Nước thải sinh hoạt 5m3/ngày, nước thải sản xuất bột dong 100m3/ngày. Thời điểm ô nhiễm nhiều nhất là từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, dòng nước thải đen, bốc mùi khó chịu, chảy từ các cơ sở chế biến ra các rãnh rồi chảy ra suối.
Tuy các cơ sở này đã xây dựng hệ thống bể lắng, lọc, sau đó thoát qua mương thoát nước để tưới tiêu cho nương, ruộng. Thế nhưng do công suất chế biến lớn, trong khi công nghệ xử lý và hệ thống dẫn nước thải không đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn nước thải đều bị tràn chảy trực tiếp xuống suối gây ô nhiễm nặng.
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Vừa qua xã Tân Lập đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 lần (27.10 và 30.10) cơ sở chế biến tinh bột dong trên địa bàn, phát hiện cơ sở của ông Lê Văn Thùy xả thải bẩn xuống suối Ắng, tiến hành lập biên bản yêu cầu ngừng hoạt động nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động.
UBND xã đã kiến nghị UBND huyện, đề nghị có biện pháp xử lý nhưng sự việc vẫn tồn tại. Theo ông Thào, với chức năng của xã chỉ có thể dừng ở việc nhắc nhở và phạt hành chính nhưng nộp phạt xong họ lại tiếp tục hoạt động xả thải ra môi trường.
Còn ông Nguyễn Thế Hiệu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mộc Châu cho biết: "Trước phản ánh của nhân dân, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở chế biến tinh bột dong trên địa bàn; trong đó kiểm tra 3 cơ sở tại xã Tân Lập đã phát hiện vi phạm và lập biên bản ra quyết định yêu cầu dừng hoạt động. Tuy vậy, vì đoàn đang tiến hành kiểm tra một số cơ sở có liên quan nữa, sau đó mới về báo cáo với UBND huyện nên quyết định chưa có hiệu lực".
Khi phóng viên đặt câu hỏi bao giờ sẽ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sơ chế tinh bột dong gây ô nhiễm ở xã Tân lập, ông Hiệu nói rằng: “Lẽ ra là đầu tuần sau nhưng vì hôm nay một số thành viên chính của đoàn đang vướng vào hội thi thể thao của huyện nên tuần sau sẽ báo cáo lên UBND huyện để xử lý buộc cơ sở dừng hoạt động”.
Dòng suối trong trong xanh ngày nào giờ biến thành con suối chết vì chất thải
Người dẫn vẫn hứng nước suối ô nhiễm về dùng vì không có nguồn nước nào thay thế