Sáng 17.11, lực lượng chức năng đưa tử tù Nguyễn Hải Dương (sinh năm 1991) từ trại giam Bình Phước đến nơi tiêm thuốc độc (hơn 70km) để thi hành án. Trước đó đã có nhiều người phải trả giá vì những lỗi lầm gây ra.
Tội ác của tử tù Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước Sau khi sát hại 6 người trong căn biệt thự, 3 kẻ giết người lần lượt đền tội. Ngày 17.11, cơ quan chức năng thi hành án đối với tử tù Nguyễn Hải Dương.
Bữa ăn cuối của tử tù thảm sát 6 người
Sau 2 năm bị biệt giam, Dương nói với phóng viên rằng anh ta rất hối hận. Tử tù phạm tội Giết người và Cướp tài sản bảo sẽ không hành động như vậy nếu có cơ hội trở lại quãng thời gian đó.
Khi bản án được thi hành, Dương muốn thi thể của mình được hỏa thiêu để gửi tro cốt vào chùa.
Nguyễn Hải Dương viết thư cho người thân. Ảnh: Công An Nhân Dân
Trước giờ trả án, Dương được cảnh sát cho phép thực hiện một số thủ tục. Lúc 4h, anh ta được cấp giấy, bút để viết thư cho người thân lúc trời còn tờ mờ sáng.
Lúc 4h30, tử tù gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước được dùng bữa ăn cuối cùng. Lúc đó có nhiều cảnh sát đứng xung quanh.
5h cùng ngày, Nguyễn Hải Dương cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe và làm thủ tục pháp lý. Sau đó, Hội đồng thi hành án công bố các quyết định của cơ quan chức năng.
Và hơn 6h, đoàn cảnh sát dẫn giải tử tù vào khu vực tiêm thuốc độc.
Hai tuần trước ngày trả án, luật sư Đỗ Hải Bình, người được chỉ định bào chữa cho Nguyễn Hải Dương tại phiên phúc thẩm chia sẻ tử tù đón nhận chuyện thi hành án trong tâm trạng thoải mái. Nhiều phạm nhân kể anh ta hát bolero rất hay.
Theo quy định, tử tù không được thông báo thời điểm thi hành án tử để tránh ảnh hưởng tâm lý. Dù vậy, vị luật sư cho biết Dương khá ổn định về suy nghĩ, không quá sợ hãi hay hoang mang.
Trong buồng biệt giam, tử tù sinh năm 1991 có nguyện vọng xin được hiến xác cho y học nhưng do thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc nên đề nghị này không được chấp thuận.
Tử tù ghi vội vài dòng trước khi thi hành án
Không riêng Dương, nhiều năm trước (tháng 7.2014), Nguyễn Đức Nghĩa (quê Hải Phòng) cũng phải thi hành án tử hình. Tử tù sinh năm 1988 là hung thủ sát hại bạn gái, chặt xác phi tang trong tòa chung cư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào giữa năm 2010.
Theo cán bộ trại giam, suốt từ lúc bị bắt cho đến khi ra tòa, Nghĩa lạnh lùng, vô cảm. Trong phòng biệt giam, Nghĩa có những biểu hiện khó nắm bắt và sống khép kín. Mang án tử nhưng Nghĩa cho rằng mình có học nên tỏ ra trịnh thượng với các phạm nhân khác.
Sau khi đơn xin ân giảm bị bác và biết mình phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc độc, Nghĩa càng tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ, hoặc ngủ rất ít. Có thời điểm khoảng 2 - 3h, tử tù này lại thức dậy ngồi trầm tư.
Kể từ lúc đó, anh ta tuyệt thực và có những hành động tự tìm đến cái chết. Nhiều lần được cán bộ trại giam động viên và trấn an tâm lý, Nghĩa mới tĩnh tâm trở lại.
Ít giờ trước khi đến nơi thi hành án, Nghĩa trò chuyện cởi mở với những người xung quanh. Thi thoảng, anh ta khẽ mỉm cười. Tuy nhiên, lúc kiểm tra sức khỏe, lực lượng chức năng thấy tim anh ta đập nhanh hơn.
Được phép viết thư cho người thân, Nghĩa chỉ cầm bút ghi vội vài dòng ngắn ngủi. Bức thư viết: “Mẹ, anh, các chị và các con thân yêu! Vậy là sau hơn 4 năm dài chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày con được trở về bên gia đình. Mọi người hãy mừng cho con nhé! Con yêu mẹ, anh, các chị và các con vô cùng. Con của mẹ - Nguyễn Đức Nghĩa”.
Bức thư cuối cùng Nghĩa viết trước giờ thi hành án tử hình. Ảnh: ANTĐ
Hướng thiện trước ngày trả án
Nghiêm Văn Min (quê Quảng Ninh) là một trong những thủ phạm gây ra vụ nổ súng giết người thuê trên địa bàn huyện An Dương, Hải Phòng với giá 30 triệu đồng hồi đầu năm 2011.
Bản án cuối cùng dành cho sát thủ 41 tuổi là tử hình. Hơn 6 năm ngồi trong buồng biệt giam, Min tỏ ra khá bình tĩnh, khác hẳn nhiều tử tù.
3h một ngày trung tuần tháng 8, cán bộ trại giam đánh thức tử tù Min. Biết ngày trả án, Min ngồi bật dậy, lặng lẽ. Anh ta tắm gội sạch sẽ, ăn hết phần ăn được chuẩn bị sẵn. Sau đó, Min chậm rãi ngồi vào bàn uống nước, nhấp ngụm trà xanh.
Được phép viết thư cho người nhà, Min gửi lời tạ tội với toàn gia tộc vì đã gây ra tội ác, cướp đi sinh mạng của người khác. Bức thư dài, Min viết kín cả 2 mặt giấy.
Trong thư, có đoạn tử tù dặn dò người vợ: “Anh còn ít tiền mà em đã gửi cho anh ở lưu ký của trại. Anh muốn để lại cho một người bạn tù vì anh ấy có hoàn cảnh khó khăn, không có người thăm nuôi…”.
Vị quản giáo trực tiếp quản lý Min những ngày chờ thi hành án tử cho hay tử tù quê đất Cảng chấp hành rất tốt các quy định ở trại. Từng lời nói, mỗi hành động của anh ta đều thể hiện sự hối hận.
Ở nơi biệt giam, Min 4 lần viết đơn xin được thi hành án sớm bởi sự dày vò tội lỗi đã gây ra.