Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn (Ảnh: Đàm Duy).
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm đã được TAND thành phố Hà Nội xét xử và tuyên án chung thân cho bị cáo Thu Nga. Trong diễn biến vụ án này, báo chí và dư luận nêu Hội đồng xét xử không cho bị cáo Nga khai việc chi tiền “chạy” ứng cử đại biểu Quốc hội. Có báo nói lúc bị cáo Nga khai, loa dẫn ra phòng báo chí theo dõi bị cắt 30 giây.
“Sau khi báo chí thông tin, chúng ta đã kiểm tra hồ sơ vụ án, kỹ thuật của phòng xét xử, yêu cầu chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm báo cáo giải trình. Chúng tôi cũng gặp luật sư Hướng (Hoàng Văn Hướng bào chữa cho Châu Thị Thu Nga). Qua kiểm tra thấy phòng xét xử bình thường, không có sự cố gì về kỹ thuật; trong hồ sơ vụ án có tất cả những tài liệu như lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất…”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Lý giải việc chủ tọa phiên tòa dừng việc không cho bị cáo Thu Nga khai việc chi tiền “chạy” ứng cử đại biểu Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Luật được phép và thực tế có nhiều vụ án được tách hồ sơ, ví dụ vụ Ngân hàng Xây dựng tách 3 vụ, vụ Vũ Quốc Hảo tách thành 6 vụ.
“Nếu như trong vụ án có xuất hiện tình tiết mới, không có việc tách hồ sơ thì trách nhiệm Hội đồng xét xử phải làm rõ, nhưng trong vụ án Châu Thị Thu Nga đã có quyết định tách hồ sơ vụ án cho nên Hội đồng xét xử không cần phải làm rõ tình tiết liên quan đến việc bị cáo Nga muốn khai”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, lời khai của Châu Thị Thu Nga về việc “chạy” để được ứng cử đại biểu Quốc hội có trong hồ sơ vụ án, không có gì giấu giếm cả. Bà Nga khai việc chi tiền, thứ nhất là chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử; chi để giải quyết báo chí thôi viết về bằng tiến sĩ giả của Châu Thị Thu Nga.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo lời khai của bà Nga, bà này biết một doanh nhân buôn bán vàng ở Hà Nội có quan hệ rộng. Bà Nga đã chủ động gặp để nhờ. Bà Nga nói đưa tiền nhiều lần cho vị doanh nhân này, có lần 100 nghìn USD, có lần 200 nghìn USD, đưa ở các địa điểm khác nhau, có lần ở quán cà phê, đưa tiền chỉ có hai người biết, không có chữ ký hay chứng cứ gì. Sau khi đưa tiền vị doanh nhân này làm gì bà Nga không biết.
“Tại biên bản đối chất, vị doanh nhân này cho biết có quen biết bà Nga nhưng không nhận tiền, không làm việc đó. Tình tiết như vậy, cơ quan điều tra tách ra là cần thiết và Tòa không thể làm rõ tình tiết này tại phiên xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.