Ths.BS Trần Phương Bình, khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Việt Nam - Cuba (Hà Nội) cho biết, khoa vừa điều trị cho trường hợp bệnh nhân Hoàng Thị L. (24 tuổi, Hà Nội) bị biến chứng rất nặng do răng số 8 mọc lệch.
Khi mang bầu được 6 tuần, chị L. bắt đầu mọc răng số 8 hàm dưới bên trái. Dù rất đau nhưng chị L. cố chịu, không uống kháng sinh vì sợ ảnh hưởng đến thai.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần nhổ răng khôn mọc lệch trước khi có ý định mang bầu. Trong ảnh, răng khôn mọc ngang, húc vào răng số 7
Tuy nhiên sau 1 tuần, khu vực quanh răng số 8 sưng lên rất to. Sau khi đi khám tại một phòng khám tư, chị được chỉ định vào BV để điều trị do quá nặng.
Khi đến BV Việt Nam - Cuba, BS Phương cho biết, chị L. không thể há được miệng do cứng hàm, má xuất hiện lỗ thủng và có nhiều mủ chảy ra từ phía trong.
Nguyên nhân do sưng viêm cộng thêm thức ăn ứ đọng, lâu dần sưng to, chảy mủ, nghiêm trọng hơn bệnh nhân còn bị áp xe cơ cắn, không há được.
BV phải mời chuyên gia sản khoa đến cùng hội chẩn, quyết định đình chỉ thai kỳ để điều trị do bệnh nhân sẽ phải dùng đến thuốc gây mê và nhiều kháng sinh.
Bệnh nhân sau đó được gây mê, mổ dẫn lưu dịch mủ, nhổ răng số 8. Sau điều trị kháng sinh liều cao 10 ngày, chị L. được xuất viện.
BS Bình khuyến cáo, với những trường hợp răng khôn mọc lệch, khi thấy đau sưng phải đến các cơ sở y tế thăm khám.
Đặc biệt, với những người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, khi phát hiện răng khôn mọc lệch, mọc dưới lợi, mọc trong xương cần phải được xử lý trước khi có ý định mang bầu để tránh những trường hợp đáng tiếc.
Xem thêm: Em bé thụ thai và lớn lên trong bụng mẹ như thế nào?