Dân Việt

Bài học nhớ đời cho sự hớ hênh của U23 Việt Nam

21/10/2011 22:25 GMT+7
Dân Việt - Không quá khi cho rằng bàn thắng mà U23 Uzbekistan có được phút 53 là một bài học nhớ đời đối với sự hớ hênh, mất tập trung của hàng thủ U23 Việt Nam.

Thiếu một “nhát dao”

Thực tế, với cách U23 Việt Nam thắng U23 Myanmar 5-0, U23 Uzbekistan thắng U23 Malaysia 3-1, rất nhiều người đã kỳ vọng vào một trận “chung kết sớm” giữa U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan. Tiếc là ở góc độ đó, cả hai đội đã gây thất vọng.

Không hề thấy tính cống hiến trong 45 phút đội khách cố tình chơi cò cưa, trong khi đội chủ nhà với đội hình được coi là mạnh nhất gần như vô phương tiếp cận khung thành thủ môn Sanjar.

 img
Pha tranh bóng giữa Huỳnh Phú (phải) và Hasanov Jasur. Ảnh: Đàm Duy

Tất cả cứ trôi tuồn tuột, chẳng đọng lại dấu ấn gì đáng kể. Chiều cao, thể lực của hàng thủ U23 Uzbekistan thực sự là thử thách cho những tham vọng của thầy trò HLV Goetz. Tại SEA Games 2009, U23 Malaysia đã thắng U23 Việt Nam bằng cách nào, nếu không phải là những pha bóng có phần “vô tư” nhưng đủ khiến đối thủ phát điên (?!)

Cứ nhìn cách U23 Uzbekistan thi đấu, ai cũng ngỡ họ vô hại. Nhưng chỉ cần lơ đãng một chút thôi, mọi chuyện sẽ khác. Đã đành U23 Việt Nam kiểm soát bóng nhiều với hàng công gồm những điểm sáng quen thuộc: Thành Lương - Trọng Hoàng - Đình Tùng - Văn Quyết - Văn Thắng. Nhưng vẫn hiếm khi tìm thấy những pha phối hợp mang theo tinh thần đồng đội.

Ở đâu đó, khi đội trưởng Thành Lương đã thể hiện được phẩm chất “chim mồi” thì Đình Tùng lại đá hỏng ngay đầu trận. Đến khi Đình Tùng - Thành Lương có pha phối hợp đập nhả hoàn hảo nửa cuối hiệp một thì Lương “dị” lại không thể hiện được sự lạnh lùng, chính xác trong cú dứt điểm mà một thủ lĩnh cần có để tạo nên chỗ dựa, nâng đỡ toàn đội.

HLV Goetz chọn Thành Lương

Không quá khi cho rằng bàn thắng mà U23 Uzbekistan có được phút 53 là một bài học nhớ đời đối với U23 Việt Nam. Pha tấn công rất giản đơn từ bên cánh phải của đối phương như lời trừng phạt đối với sự hớ hênh, mất tập trung của hàng thủ đội chủ nhà với sự xuất hiện trở lại của trung vệ kỳ cựu Long Giang sau chấn thương. Sự thật là Pavel đã lao vào đúng cách mà một tiền đạo phải làm và bàn thắng đã được ghi theo đúng “sách”, hiếm khi nào dễ như thế.

 img
Thành Lương luôn thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo để vượt qua đối phương. Ảnh: Đàm Duy

Trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, vẫn đáng khen cho nỗ lực của Thành Lương. Bất chấp việc các đồng đội có dấu hiệu nóng đầu (mà minh chứng là tấm thẻ đỏ của hậu vệ Ngọc Anh phút 65), Lương vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ của mình. Dường như những năm tháng cày ải ở Hà Nội ACB cùng đội Olympic, U23, ĐTQG đã giúp Lương “dị” có thêm chất “thép”.

Nào là đi bóng, chuyền bóng, dứt điểm, và… đưa tay nâng đối phương dậy. Tất cả đều rất đẹp theo đúng chất mà một người đội trưởng cần có. Lương cũng đã thực hiện cú đá phạt hoàn hảo bên cánh phải phút 56 để Văn Quyết đánh đầu ngược gỡ hòa 1-1 (theo đúng cách Quyết từng thực hiện cuối hiệp 1 nhưng bị thủ môn Sanjar xuất sắc từ chối cuối hiệp 1).

Đến đây có thể nhận rõ, HLV Goetz đang “yêu” Thành Lương như thế nào trong triết lý đề cao tính kỷ luật, thể lực, tinh thần đồng đội. Lương “dị” cũng đang gồng hết mình để đáp ứng sự kỳ vọng đó. Giờ chỉ còn biết cầu cho Lương đủ tố chất là một thủ lĩnh, chí ít, là “lớn” hơn những gì anh đã thể hiện ở SEA Games 2009.

Ở trận đấu diễn ra trước đó, U23 Malaysia đã thắng U23 Myanmar 2-1. Với kết quả này, U23 Việt Nam (4 điểm/2 trận, hiệu số +5) vẫn tạm xếp đầu bảng, trên U23 Uzbekistan (4 điểm, hiệu số +2). Nghĩa là danh hiệu vô địch VFF Cup chỉ được xác định sau lượt trận cuối diễn ra ngày 23.10 khi U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia; U23 Uzbekistan gặp U23 Myanmar.