Dân Việt

Giá rét căm căm, về thăm bản Thái làm nệm ấm

Quốc Định 26/11/2017 06:30 GMT+7
Những sản phẩm thủ công do chính bàn tay của những phụ nữ Thái làm ra không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa làm đệm của người Thái không phải ai cũng biết.

Trong văn hóa truyền thống của người Thái, đệm không chỉ là vật dụng quen thuộc trong nhà mà còn là vật làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Theo phong tục, khi người con gái đến tuổi lấy chồng, cha mẹ phải chuẩn bị các vật dụng bằng đồ thổ cẩm như: gối, đệm, khăn piêu…để cha mẹ cho con gái khi về nhà chồng.

Vì thế, người con gái Thái ngay từ bé đã được cha mẹ dạy cho biết cách dệt vải, thêu thùa, làm đệm, để khi về nhà chồng có thể tặng gia đình nhà chồng những đồ thổ cẩm tự tay mình làm ra, điều đó thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, đức tính nết na, đảm đang.

img

Công việc làm đệm của người Thái Tây Bắc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ.

Làm đệm rất khó và cầu kỳ, muốn đệm đẹp và chắc, người làm đệm phải khéo tay trong các bước thực hiện. Vỏ đệm phải dùng bằng vải nhuộm tràm hoặc vải thổ cẩm, sau đó dùng chỉ khâu 4 góc lại với nhau. Mặt đệm được khâu chia đều thành các ô vuông.

Sau đó mới lấy từng nắm bông nhồi vào trong từng ô, để bông không dồn lại một chỗ. Khi nhồi bông không được nhồi quá chặt hay quá lỏng, phải nhồi làm sao cho mặt đệm cứng, căng đều nhưng không quá rắn hoặc có sự chênh lệch giữa các ô. Nhồi bông xong lấy gậy đập đều vào mặt đệm làm cho mặt đệm phẳng và đều hơn. Kích thước mỗi chiếc đệm được làm phù hợp với kích thước giường nằm.

Văn hóa làm đệm của người Thái đã có từ rất lâu, truyền qua nhiều thế hệ, người già dạy cho người trẻ, người biết dạy cho người không biết, cứ như vậy cho đến ngày nay. Nguyên liệu làm đệm chủ yếu bằng bông lau; chỉ nơi nào có điều kiện thuận lợi thì mới làm bằng bông gạo. Vào cuối năm khi bông lau nở, trai, gái lên rừng chặt từng gánh bông lau về phơi khô lấy bông làm ruột đệm. Đây là qui trình mất nhiều công sức nên trong những năm gần đây, ở các khu đô thị, người ta ít làm đệm bông lau mà được thay bằng các loại bông có sẵn, như: Bông len, bông siêu nhẹ, bông gạo... do các thương lái chở từ dưới xuôi lên bán.

img

nguyên liệu bông gạo, bông len, bông hóa học... đang được dùng thay thế bông lau làm đệm

Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều mặt hàng đệm công nghệ cao cạnh tranh đệm của người Thái bởi mẫu mã đa đạng, tính tiện nghi nhưng những tấm đệm bông lau, làm bằng vải thổ cẩm của người Thái cũng không chịu lép vế. Những lợi thế về hoa văn, màu sắc, độ bền, độ ấm, êm, độ an toàn... của đệm thổ cẩm đang được nhiều bà con dân tộc phát huy để biến đệm bông lau thành một hàng hóa cạnh tranh mạnh.

img

Những chiếc đệm bông lau dày dặn, chắc chắn do bàn tay của phụ nữ Thái làm ra rất được nhiều du khách ưu chuộng.

Bà Lò Thị En, người chuyên làm đệm thổ cẩm bán cho khách hàng, ở phường Tô Hiệu, TP Sơn La, cho biết, bây giờ, tuy con gái Thái đi lấy chồng ít khi mang chăn, đệm về làm của hồi môn như trước nhưng bù lại thì rất nhiều du khách ở miền xuôi cũng như khu đô thị miền núi lại thích đệm bông lau.

Vì thế, mấy chục năm nay tôi vẫn giữ được nghề làm đệm bông lau, thổ cẩm và ngày càng sản xuất nhiều hơn. 5 năm gần đây tôi còn phải thuê thêm vài người giúp việc bởi đơn đặt hàng của khách ở nhiều nơi trong nước về đệm bông lau, thổ cẩm vẫn ngày càng tăng lên.

"Đệm bông lau của người Thái có thể không đẹp bẳng đệm làm từ chất liệu công nghiệp nhưng những nguyên liệu làm đệm láy từ tự nhiên nên rất an toàn, giữ nhiệt tốt, độ tơi xốp cao nên rất êm. Hơn nữa, chúng tôi có thể sản xuất từng chiếc đệm với kích cỡ khác nhau theo yêu cầu của khách hàng nên đệm của chúng tôi vẫn là loại hàng mà nhiều người ưa thích" - bà En tự hào khoe.