Dân Việt

Bao giờ nông dân chịu thay đổi tư duy mới có miếng thịt an toàn?

Nguyễn Vy 23/11/2017 18:45 GMT+7
Sau vụ đề xuất cho lò giết mổ heo thủ công được “tái xuất”, những nghi ngại về an toàn thực phẩm quanh chiếc vòng truy xuất nguồn gốc tiếp tục dấy lên khi tư duy và cách thực hiện vẫn còn khác biệt giữa người sản xuất và phân phối.

Ông Nguyễn Bình - hộ chăn nuôi heo ở huyện Bình Chánh khẳng định không phải bất cứ sản phẩm nào bẩn cũng là lỗi của nông dân. Bản thân việc đeo vòng truy xuất, theo ông Bình cũng chỉ mới truy được từ điểm này đến điểm kia chứ chưa đến thẳng chuồng trại. Không ít nông dân không rành điện thoại thông minh, cùng với tâm lý sợ sản phẩm lỗi bị truy ngược trở về rồi lãnh đủ hậu quả cũng là trở ngại khiến nhiều người chưa muốn thực hiện.     

img

Theo Sở Công Thương, tỷ lệ thịt heo truy xuất được nguồn gốc đã tăng đáng kể tính đến cuối tháng 10. Ảnh: N.V

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cũng cho rằng, việc kiểm soát sản phẩm chăn nuôi không hề đơn giản khi việc thực hiện các tiêu chuẩn vẫn mang tính chắp vá và chưa toàn diện. Riêng ông Ngọc có 2 trại chăn nuôi gà, khi TP.HCM ra quy định truy xuất nguồn gốc, ông cũng tập trung làm một trại để xuất khẩu, trại còn lại thì cho thuê vì… không đủ điều kiện.

Theo ông Ngọc, việc tạo ra sản phẩm thịt an toàn phải được kiểm soát kỹ từ khâu đầu vào tới chi phí chuồng trại. Quan trọng nhất là phải đào tạo, thay đổi tư duy từ người sản xuất.

“Khi có động lực làm theo cung cầu, các đơn vị sản xuất từ lớn tới nhỏ đều phải chuyển đổi. Nhưng quá trình này đòi hỏi phải có thời gian. Đùng một cái TP.HCM áp quy định bắt đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện vẫn còn mang tính hình thức chứ chưa triệt để” - ông Ngọc nhận định.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM) lại cho rằng nhiều nông hộ vẫn còn thụ động. Thành phố có 8.000 cơ sở chăn nuôi heo nhưng chỉ mới 60% đăng ký, còn lại vẫn bán cho thương lái dù được thành phố hỗ trợ kinh phí.

HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi) mấy năm ròng không thể kết nối tiêu thụ vì xã viên không đáp ứng được hóa đơn bán hàng. Đến tháng 10 vừa qua, phải nhờ doanh nghiệp trung gian, HTX Tiên Phong mới kết nối được với Vissan tiêu thụ 70 – 80 con heo/ngày.  “Nông dân nên bỏ lối suy nghĩ sẽ được lợi gì khi tham gia vào chuỗi liên kết đạt chứng nhận GAP, mà cần tính đến sự phát triển bền vững” - ông Phương khẳng định.