Chiều 22.11, đại diện một huyện miền núi Quảng Ngãi xác nhận: "Ông V.X - thạc sĩ, trưởng một phòng của huyện đang theo học lớp đại học chính quy tại thành phố Đà Nẵng được mấy tháng nay. Kinh phí đi học ông V.X tự lo, thời gian học là ngày nghỉ (thứ 7 và chủ nhật)".
Không riêng gì ông V.X, qua tìm hiểu, hiện nhiều trưởng, phó phòng ban một số huyện khác ở Quảng Ngãi dù có trong tay tấm bằng thạc sĩ nhưng đã và đang phải đăng ký đi học lại đại học chính quy.
Nhiều huyện chấp nhận vi phạm chuẩn bổ nhiệm để có người quản lý, làm việc.
Theo lý giải của số cán bộ này, sau khi Tỉnh ủy có kết luận (số 554-KL/TU, ngày 23.7.2014), vào tháng 6.2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định (số 26/2015/QĐ-UBND) về "Quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố". Đến tháng 8.2017, tuy sửa đổi hạ mốc năm sinh (tính từ năm 1975, thay cho 1965 trở về sau) nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy.
Chính vì quy định trên nên tuy đã được bổ nhiệm làm trưởng, phó phòng ban của sở ngành của tỉnh và cấp huyện, thành phố và đã là thạc sĩ nhưng nhều cán bộ có bằng tốt nghiệp đại học là tại chức, từ xa phải đăng ký học lại đại học chính quy để được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn
Ông M.T - phó phòng của một huyện - giãi bày: "Để hoàn thành chương trình thạc sĩ Kinh tế hệ tập trung cùng với thời gian học là 2 năm, tôi đã tốn số tiền chi phí hơn 150 triệu đồng. Nhưng do bằng đại học là tại chức và tuổi lại trẻ (sinh 1977) chẳng lẽ cứ ngồi mãi tại vị trí này đến lúc về hưu. Nên giờ phải xin đăng kí học lại đại học chính quy cho đủ chuẩn".
Số cán bộ rơi vào trường hợp trên chấp nhận khổ và tốn kém để học lại nhằm tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình, chính quyền nhiều huyện đặc biệt là miền núi của tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp khó vì quy định này. Qua kết quả thanh tra của Sở Nội vụ tỉnh vào tháng 8.2017 vừa qua tại 3 huyện là Tây Trà, Trà Bồng và Mộ Đức, tất cả các địa phương trên đều vi phạm trong việc bổ nhiệm lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc (sinh 1975 trở về sau) nhưng không có bằng đại học chính quy. "Nếu không chấp nhận vi phạm để bổ nhiệm thì phải để trống, ai làm", đại diện lãnh đạo huyện Tây Trà bày tỏ.