Dân Việt

Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2013: Liên kết chặt để hạn chế tiêu cực

20/01/2013 18:26 GMT+7
(Dân Việt) - Diện mạo của mùa lễ hội 2013, nhất là đợt lễ hội mùa xuân Quý Tỵ, nếu sáng sủa như mong ước, sẽ đòi hỏi rất cao đối với ngành văn hoá từ bộ đến tận các phường, xã và liên quan là các cấp chính quyền.

Ngày 18.1, Bộ VHTTDL mở hội nghị toàn quốc để chuẩn bị triển khai công việc cho mùa lễ hội 2013. Các đại biểu nhận định nếu buông lỏng trong thanh, kiểm tra và kết nối giữa ngành văn hoá với chính quyền các cấp, tình trạng lộn xộn vẫn chưa thể chấm dứt.

Điều kiện chưa đủ

Vẫn ùn tắc giao thông cục bộ, vẫn tồn tại tệ đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan như xóc thẻ, lên đồng, bói toán, vẫn vừa hát quan họ vừa “ngả nón…”, vẫn dâng và đốt nhiều đồ mã… Dù mùa lễ hội 2012 được đánh giá là tiến triển nhiều mặt so với các năm trước, nhưng nhiều cái “vẫn” thì tiếp tục phát sinh, “gặm nhấm” không khí truyền thống tốt đẹp.

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho thấy: Vẫn còn biến tướng trong sinh hoạt lễ hội như cờ bạc trá hình, ném tiền giọt dầu mọi nơi, mọi chỗ, lưu hành sách mê tín dị đoan, đốt nhiều hương. Đặc biệt là sự buông lỏng trong công tác quản lý tài chính và nguồn thu từ lễ hội, từ hoạt động tại di tích của một số địa phương. Bên cạnh đó là hiện tượng tư thương nâng giá dịch vụ, thu phí cao để ép khách đi hội.

img
“Bán” tiền công khai tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội).

Theo Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc, trong quá trình thanh kiểm tra, ngoài một số tồn tại lưu niên như chuyện hòm công đức, kinh doanh lấn chiếm đường đi, môi trường bị ô nhiễm…, thì công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lễ hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và quản lý lễ hội chưa được hoàn thiện, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa được chặt chẽ…

Những nguyên nhân, hiện tượng và tồn tại trên khiến cho giới quản lý, ngoài việc phát huy hiệu quả trật tự, văn minh đã đạt được từ mùa lễ hội 2012, vẫn phải tiếp tục hướng về 2013 với con mắt đề phòng. Và nhiều e ngại vẫn đặt ra khi để chuẩn bị cho mùa lễ hội này, không ít điều kiện còn để ngỏ. Vẫn chưa có những văn bản chính thức, quản lý, hướng dẫn cụ thể đối với việc xây dựng, duy trì mô hình ban quản lý các di tích hay việc quản lý các hòm công đức… Như vậy, rất có thể trong hoạt động tổ chức, điều hành lễ hội tại nhiều địa phương, cơ sở, sẽ tiếp tục nảy sinh những chồng chéo và lúng túng.

Yêu cầu cao với từng cấp

Diện mạo của mùa lễ hội 2013, nhất là đợt lễ hội mùa xuân Quý Tỵ, nếu sáng sủa như mong ước, sẽ đòi hỏi rất cao đối với ngành văn hoá từ bộ đến tận các phường, xã và liên quan là các cấp chính quyền. Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 ngày 18.1, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ đã thành lập các đoàn đi kiểm tra lễ hội trước và sau Tết để thường xuyên nắm tình hình thực tế, kịp thời góp ý với các địa phương và điều chỉnh, xử lý nếu những tiêu cực tái diễn, phát sinh.

Ông Ái nhấn mạnh, kinh tế khó khăn, có khả năng người dân sẽ đi lễ hội nhiều hơn để kêu cầu được phù hộ, cải thiện tình hình. Đồng thời, các hoạt động văn hóa, du lịch cũng sẽ được tổ chức cũng nhằm nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong hoàn cảnh khó khăn, vì vậy, càng phải phấn đấu cho mùa lễ hội văn minh, tiết kiệm, an toàn.

Bộ VHTTDL vừa ban hành Chỉ thị số 18/CT-BVHTTDL chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở VHTTDL tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh khác.

Theo Cục trưởng Cục VHCS Phạm Văn Thuỷ, ngành văn hoá sẽ luôn theo sát cùng các địa phương, nhưng ở cấp sở sẽ có trách nhiệm quan trọng trong việc tham mưu cho tỉnh, cho chính quyền địa phương trong công tác lễ hội cũng như kết nối chặt chẽ với cấp cơ sở trong các lễ hội. Trong 10 ngày sau khi mỗi lễ hội kết thúc, địa phương sẽ phải báo cáo lên cục, bộ để kịp thời rút kinh nghiệm cho các lễ hội tiếp đó.

Thanh tra Bộ cũng đã kiến nghị về việc Chính phủ có văn bản hướng dẫn, thống nhất chung việc quản lý thu chi tiền công đức, tiền thu từ di tích, lễ hội, quy định cụ thể về sản xuất, vận chuyển và đưa đồ mã vào các nơi thờ tự. Bên cạnh đó, các sở và địa phương cần tham mưu cho tỉnh kiện toàn ban quản lý di tích, quy hoạch hàng quán dịch vụ, bãi đỗ xe tại các di tích, chỉ đạo đặt hòm công đức cho phù hợp cảnh quan, không lắp đặt các khung sắt, mái tôn, mái vẩy làm ảnh hưởng di tích, đồng thời vận động nhân dân, du khách đặt tiền lễ đúng nơi quy định…

Những chỉ đạo, kiến nghị trên, cùng rất nhiều kỳ vọng khác, đương nhiên sẽ phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ, nhân viên chức năng tại các địa bàn diễn ra lễ hội. Trong khi vấn đề vận hành, phối hợp, năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ này vào các mùa lễ hội, cũng là chuyện đã và đang tiếp tục bàn luận lâu dài…