Vào chuỗi liên kết, nông dân lợi nhiều bề
Theo bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cả nước hiện có 21 liên hiệp và 10.726 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; trong đó lớn nhất là Bắc Trung Bộ với trung bình 373 HTX/tỉnh, đồng bằng sông Hồng với 327 HTX/tỉnh... Trên quy mô cả nước, đã có hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó phải kể đến sự thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn trong trồng lúa triển khai ở An Giang từ vụ đông xuân 2010 – 2011.
Đến nay mô hình này đã chứng tỏ lợi ích trong việc xây dựng mối liên kết làm ăn bền vững giữa doanh nghiệp và ND theo quy trình khép kín, mang lại nhiều hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.
Nông dân sơ chế rau an toàn trồng theo quy trình VietGAP tại HTX rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: TTKNQG
"Nhiều ND vẫn chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo hàng hóa nên rất khó thay đổi tập quán canh tác, phương thức sản xuất và khó “bắt tay” dài lâu với các DN”. Bà Hạ Thúy Hạnh |
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời - đơn vị thí điểm triển khai mô hình cho biết: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã triển khai ở 9 vùng nguyên liệu với 684 nông hộ tham gia trên diện tích 1.600ha. ND khi bán lúa chỉ cần đến kho, các khâu thu hoạch, chuyên chở, bao bì, nhân công,... đều do công ty đảm trách. Giá bán được niêm yết theo giá thị trường hàng ngày và ND khi mang lúa đến có quyền ký gửi hay bán tùy ý, miễn sao thấy có lãi nhất. Đây chính là cái mới và điển hình của cách làm ăn bình đẳng đảm bảo cho ND có lãi cao nhất từ hạt lúa của mô hình cánh đồng mẫu mà chúng tôi đang xây dựng”.
Thông qua kiểm định độc lập của Trung tâm Nghiên cứu NNPTNT thuộc Trường Đại học An Giang cho thấy, mức thu nhập của ND tham gia mô hình khá cao, từ 22 - 33 triệu đồng/ha/vụ.
Tại Vĩnh Phúc, đến nay đã hình thành được 9 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn, 1 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng gà. Nhìn chung, các chuỗi đang thực hiện khá nhuần nhuyễn và đã thu được một số kết quả khả quan.
Khó mở rộng vì tư duy làm ăn manh mún
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay có 35/63 tỉnh, thành phố đang triển khai hai hình thức liên kết trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong sản xuất kinh doanh (liên kết ngang). Hiệu quả của các liên kết chuỗi thể hiện rõ thông qua lợi nhuận bình quân. Đơn cử như với chuỗi liên kết gà thịt, gà trứng tại các tỉnh, thành phố cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với không liên kết.
Tuy nhiên, do thiếu chế tài ràng buộc nên sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở dạng mô hình là chính. Cũng do không có kế hoạch ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ từ thời điểm bắt đầu nhập giống; tiêu thụ bán buôn qua thương lái, nên lợi nhuận thu về nông dân chỉ khoảng 20%, còn lại doanh nghiệp và thương lái hưởng.
Để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần phải chú ý đến vai trò của người thu gom nguyên liệu, nhà khoa học, khuyến nông và ngân hàng; nhận thức được quyền và lợi ích của các bên liên quan vào chuỗi cung ứng nông sản, nhất là nhận thức của người ND sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Quan trọng nhất là nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng nông sản.