ĐBQH Lê Thanh Vân. (Ảnh: VPQH)
Chiều 22.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Phát biểu tranh luận, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định, hầu hết các ĐBQH đều ủng hộ đạo luật này, tuy nhiên nội dung và cách làm phải tính toán thêm.
Theo ông, cần phải tách chương 5 của dự án Luật thành Nghị quyết thành lập các đơn vị hành chính, bởi không thể có luật chung và luật riêng lồng ghép trong một đạo luật. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đặc biệt là ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) quá trình điều chỉnh chính sách là vấn đề quan trọng nên điều chỉnh bằng nghị quyết thay vì luật”, ĐB Vân nói.
Theo ĐB Vân, cần định nghĩa đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đặc khu, như vậy linh hoạt với từng mô hình. “Cần lựa chọn Vân Đồn (Quảng Ninh) là đặc khu công nghệ cao, du lịch, dịch vụ; Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) là đặc khu kinh tế hỗn hơp; Phú Quốc (Kiên Giang) là đặc khu du lịch, dịch vụ và công nghệ sinh học”, ĐB Vân góp ý.
Việc lựa chọn thế hệ của mô hình đặc khu theo ĐB Vân cần phải chú ý. Trên thế giới có 3 thế hệ đặc khu, thời kỳ sơ khai, thời kỳ hiện đại, thời kỳ trên hiện đại. “Hiện nay có 3 nước Mỹ, Đức và Trung Quốc đang triển khai mô hình theo thế hệ thứ 3, đó là đặc khu chủ yếu tập trung vào công nghệ và trí tuệ sáng tạo. Còn dự thảo luật dường như thiết kế vào thế hệ thứ 2”, ĐB Vân băn khoăn.
Vị ĐBQH Cà Mau này kiến nghị cần chú ý mặt trái những mô hình đặc khu, kể cả mô hình thành công như Thẩm Quyến (Trung Quốc). Trong đó cần chú ý mấy yếu tố: Thứ nhất là phát triển mất cân đối; thứ hai là đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ; thứ ba là lao động giá rẻ kiểu bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường…
Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), điều quan trọng nhất vẫn là ở khâu tuyển chọn, bổ nhiệm trưởng đặc khu. “Nếu chọn được người có tâm, có tầm thì mô hình này sẽ thành công”, ĐB Nguyễn Thái Học nói.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, bên cạnh việc giao trưởng đặc khu nhiều thẩm quyền quan trọng, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực. Từ đó trưởng đặc khu sẽ tự đề cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý nhưng không dẫn đến lạm quyền.
Từ lập luận trên, ĐB Lưu Thành Công đề nghị nghiên cứu tổ chức hội đồng đặc khu, đại diện cho nhân dân. Hội đồng này gồm các thành viên HĐND cấp tỉnh được bầu và Thủ tướng phê chuẩn. Hội đồng này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh cùng các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của đặc khu. Hội đồng còn có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dân với các hoạt động của cơ quan nhà nước, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền hợp pháp của công dân.
Phát biểu tranh luận, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) kiến nghị cần có một hội đồng đặc khu với 2 hình thức tổ chức. Thứ nhất là bao gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực như kinh tế tài chính, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, pháp luật… Những chuyên gia này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm.
Thứ hai, trong thành phần có thể gồm cả chuyên gia và một bộ phận do dân bầu như hiện nay để thực hiện chức năng giám sát, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân để khuyến nghị Trưởng đặc khu khi quyết định các vấn đề quan trọng.