Dân Việt

Sau 10 năm cầm bút, một nhà báo bỏ nghề đi... buôn đất nung

Nguyên Vỹ 23/11/2017 06:36 GMT+7
Mối lương duyên với từng sản phẩm gốm Chăm ngày càng “nặng nợ”, anh Nguyễn Xuân Huy (Ninh Thuận) quyết định bỏ luôn nghiệp cầm bút để đi buôn đất nung.

Từng có hơn 10 năm gắn bó tại báo Sinh Viên Việt Nam, đến khi phát triển hoàn thiện công thức chống thấm cho gốm Bàu Trúc (Phan Rang), anh tự tin mình đã có hướng đi mới và có thể sống tốt với gốm như một nghề chính.

img

Những bình gốm mộc mạc nhưng ẩn chứa những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm.

“Đi buôn đất nung” là cách nói khiêm tốn anh thường ví von về công việc mình đang khởi nghiệp. Thực tế, công thức chống thấm mà anh tốn nhiều công sức nghiên cứu được đánh giá sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm truyền thống của quê nhà.

img

Anh Huy quyết định bỏ nghề báo để gắn bó với đất nung. Ảnh Nguyên Vỹ

Được biết, làng Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là một trong 2 nơi làm gốm cổ nhất tại vùng Đông Nam Á còn giữ cách làm gốm truyền thống từ xưa không dùng men tráng, không dùng bàn xoay.

img

Từ trước đến nay, gốm Chăm không đựng được nước do độ nung thấp và không tráng men. Ảnh Thiện Nhân

Gốm Bàu Trúc phân biệt hoàn toàn với dòng gốm men như Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu… Gốm được nung lộ thiên không cần lò trong 8 – 10 giờ. Mỗi sản phẩm là độc nhất vì có các hoa văn tự nhiên, do khói và lửa tạo ra suốt quá trình nung.

img

Sau khi tìm ra lớp chống thấm trong suốt bên trong bình gốm Chăm có thể đựng được nước cắm hoa tươi. Ảnh Nguyên Vỹ

Gốm Chăm nung không đủ độ nhiệt, không dùng men để tráng nên thường bị thấm nước, dễ vỡ. Một hợp chất chống thấm cho gốm được anh Huy nghiên cứu đã giúp cho bình, lọ có thể chứa được nước mà vẫn giữ được màu sắc mộc mạc đặc trưng của gốm cả bên trong lẫn bên ngoài.

img

img

Các họa tiết như hoa, chữ viết Chăm… làm cho các sản phẩm thêm sinh động, hấp dẫn. Ảnh Nguyên Vỹ

Nhu cầu xã hội có xu hướng quay về những thứ mộc mạc và chấp nhận những cái không mượt mà, bóng đẹp. “Nhận thấy gốm sở hữu những giá trị chân thật này, tôi đã dùng gốm Bàu Trúc kể những câu chuyện, nét văn hóa Chăm cho cộng đồng”, anh Huy chia sẻ.

img

Những sản phẩm tâm linh bằng chất liệu gốm Bàu Trúc được mạnh dạn thử nghiệm mang đến những nét riêng. Ảnh Nguyên Vỹ

Hiện anh Huy vẫn đang tìm cách phát triển thị trường ngách cho các sản phẩm của mình. Anh giải thích dù đối tượng hẹp nhưng bù lại ít bị cạnh tranh, có thể phát triển các dòng hàng dẫn đầu thị trường.

img

Mẫu mã và sản phẩm gốm của anh Huy ngày càng đa dạng như Thần đầu voi Ganesha, mẹ Thiên Nhiên Po Naga, Thần bò Naldin, Thần khỉ Hanuman, heo ống, rùa ống.... Ảnh Nguyên Vỹ

Cuối tháng 10.2017, làng gốm Bàu Trúc hoan hỉ đón nhận Bằng chứng nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

img

Những món hàng handmade này độc chỉ có một mẫu, không có mẫu thứ hai bởi toàn bộ làm bằng tay. Ảnh Nguyên Vỹ

 “Đây là thông tin tốt giúp tôi có thêm động lực. Song song việc mở rộng thương mại, quảng bá văn hóa Chăm là mong muốn và cảm hứng xuyên suốt quá trình khởi nghiệp của dự án này. Đương nhiên, tôi sẽ tiếp tục viết lách như một niềm vui bên cạnh gốm Chăm”, anh Huy chia sẻ.

img

Hiện tại đối tượng khách hàng anh Huy đang hướng tới là người tiêu dùng phổ thông và du khách nước ngoài. Ảnh Nguyên Vỹ

Theo ông Hà Việt Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số có những sản phẩm rất đặc trưng nhưng thường không biết cách thức tiếp cận thị trường. Con đường mà anh Huy đang thực hiện sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho gốm Bàu Trúc.

img

Sản phẩm gốm của anh Huy ngày càng được khách hàng tin tưởng và chọn lựa để trưng bày. Ảnh Nguyên Vỹ

Cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) có những mối liên hệ rất chặt chẽ và lòng tự trọng lớn. Để họ tin tưởng lựa chọn một người đại diện là khó. Vì nếu bản thân người đó không có lòng tin để tạo ra uy tín sẽ chẳng làm được gì. Đó cũng là một áp lực lớn những người trẻ đang mạnh dạn nỗ lực vì cộng đồng.

"Muốn phát triển kinh tế cho cho vùng đồng bào DTTS phải chọn sự đa dạng văn hóa làm nền tảng chứ đừng nghĩ đến xây dựng nhà máy hay công xưởng. Thị trường cho dù cạnh tranh đến mấy thì vẫn luôn mở cửa rất rộng cho sự độc đáo”, ông Quân chia sẻ.