Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau vụ lúa hè thu (khoảng tháng 9-10 âm lịch), lượng lúa còn sót lại đã tạo điều kiện cho chuột con sinh trưởng nhanh. Bên cạnh đó, việc mùa mưa năm 2012 không có lũ nên các hang chuột không bị lấp, dẫn đến việc tạo điều kiện cho chuột sinh sản.
Diệt chuột trở thành phong trào của nông dân ở nhiều địa phương. |
Đến đầu vụ lúa đông xuân này, số lượng đàn chuột đã tăng lên đáng kinh ngạc. Chuột đã gây thiệt hại toàn bộ 180ha lúa của phường Hương Sơ, và lan ra các xã, huyện lân cận. Ông Nguyễn Văn Sớm- Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thống Nhất (Hương Sơ), cho biết :"Gần như toàn bộ mạ non của người dân gieo sạ trước đó đã bị chuột gặm sạch. Nông dân đang lúng túng vì không có mạ để gieo cấy".
Tại các xã Quảng Phước, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) - địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế, nông dân không dám gieo sạ dù thời vụ đã qua vì sợ chuột cắn phá. Anh Trần Quang (ngụ xã Quảng Phước) cho biết :"Chúng tôi không ai dám gieo sạ vì sợ chuột phá. Chuột ở đây nhiều lắm, chiều nào cũng đi đào bắt mà mãi vẫn không hết, ngày ít thì bắt được 5-10 con, có ngày đến vài chục con".
Hiện nay, nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên- Huế phát động diệt chuột. Các phương pháp diệt chuột chủ yếu được đưa ra là đào bắt, rải thuốc diệt chuột và dùng bẫy bán nguyệt. Anh Trần Đình Nam- chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Quảng Điền, cho biết: "Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, toàn huyện đã thu hơn 26.000 đuôi chuột. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mua 30.000 bẫy bán nguyệt để cấp cho người dân. Ngoài ra còn cấp 133kg thuốc diệt chuột Racumin để diệt tận gốc đàn chuột".
Nguyễn Anh Tuấn