Thực hiện Biên bản Hội nghị hợp tác lần thứ VII (năm 2015) tổ chức tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, 2 năm qua, 5 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, thu được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là việc thúc đẩy kết nối giao thông.
Lế ký kết Biên bản Hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố.
Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ Chính phủ hai nước, các tỉnh, thành phố đã chủ động tập trung nguồn ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế, qua đó góp phần phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương nói riêng và cả hành lang kinh tế nói chung.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường - cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai, tạo ra tuyến đường cao tốc xuyên suốt từ Lào Cai đến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, rút ngắn thời gian hành trình xuống còn hơn 6 giờ đồng hồ. Cùng với việc khánh thành cầu Bắc Luân 2 vào tháng 9.2017, thời gian tới, khi tuyến cao tốc Hải Phòng- Hạ Long hoàn thành vào đầu năm 2018, sẽ kết nối liên hoàn toàn tuyến đường bộ cao tốc xuyên suốt từ Côn Minh (Vân Nam) tới Hạ Long (Quảng Ninh), tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vận tải hàng hoá và du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Một trong những điểm mấu chốt trong hợp tác phát triển 5 tỉnh, thành phố trong tuyến hành lang kinh tế Việt Nam- Trung Quốc là cảng biển Hải Phòng. Đây được xác định là cửa chính ra biển của các tỉnh miền Bắc Việt Nam, là đường ra biển ngắn nhất của khu vực tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Ngoài 42 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng xếp dỡ hàng hóa trên 10.700m, có khả năng nhận tàu trọng tải 55.000 DWT hiện có, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện - cảng nước sâu trọng điểm của quốc gia đang được khẩn trương triển khai xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2018.
Khi đó, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ có khả năng đón tàu trọng tải 100.000 DWT, khả năng tiếp nhận xấp xỉ 900.000 TEU/năm, có thể đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của cả khu vực đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ kèm theo hệ thống phụ trợ phục vụ dịch vụ logistics.
Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi của Hải Phòng đã được đầu tư nâng cấp và hoàn toàn có đủ điều kiện tiếp nhận các tàu bay theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E, phục vụ các tuyến bay quốc tế (hiện đã mở nhiều đường bay nội địa và đường bay quốc tế tới Hàn Quốc, Thái Lan.).
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã có văn bản cho phép tuyến vận tải hành khách, hàng hóa chạy thẳng Hải Phòng- Côn Minh được chạy trên các tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai và Hà Nội- Hải Phòng, tạo điều kiện rút ngắn thời gian vận tải trên tuyến Côn Minh- Hải Phòng.
Tuyến vận tải hành khách du lịch Côn Minh - Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được đề xuất đưa vào danh mục tuyến vận tải theo Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt – Trung.
Quang cảnh hội nghị.
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đang lập qui hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đang triển khai đàm phán với phía Trung Quốc về phương án kết nối ray giữa Ga Lào Cai và Ga Bắc Hà Khẩu.
Về hợp tác thương mại, đầu tư ghi nhận việc hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã luân phiên tổ chức thành công Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung tại Lào Cai và Hà Khẩu để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hoá.
Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai đã tham gia các Hội chợ quốc tế tại Trung Quốc như: Hội chợ thương mại biên giới Việt-Trung được phối hợp tổ chức luân phiên giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam; Hội chợ thương mại, Hội chợ Trung Quốc - Nam Á; Hội chợ Xuất nhập khẩu hàng hóa tại Côn Minh...
Các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế đã tích cực tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại như: Hội nghị Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển; Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa năm 2016, 2017...); Hội nghị Xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng năm 2016...
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Thành phố Hà Nội khẳng định việc thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc là một trong những sáng kiến tạo tiền đề và cơ sở cho các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác đa dạng và phong phú giữa các địa phương liên quan nói riêng và hai nước nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Đại biểu của tỉnh Lào Cai- đơn vị có vị trí là “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế cho rằng, các tỉnh trên hành lang kinh tế cần thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến xuất nhập khẩu để đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đồng thời các địa phương cùng thảo luận, tích cực đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hai bên xem xét sớm triển khai lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ lồng 1435mm/1000mm kết nối từ Ga Lào Cai (Việt Nam) đến Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); báo cáo Chính phủ hai nước phê duyệt và ủng hộ vốn đầu tư để sớm triển khai xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng tại khu vực Bản Vược (Lào Cai, Việt Nam) – Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc).
Kết thúc Hội nghị, đại diện 5 tỉnh, thành phố đã ký kết Biên bản Hợp tác trên các lĩnh vực: giao lưu trao đổi đoàn, thúc đẩy kết nối giao thông, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, du lịch, tiền tệ, bảo hiểm và phát triển logistics qua biên giới.