ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu. (Ảnh: VPQH)
Ngày 23.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng. Góp ý cho dự luật, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Luật này có ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, nhiều ĐB quan tâm đến quy định tại khoản 4, Điều 34: Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng tại Việt Nam.
“Chúng ta cũng không nên vì thấy con số hàng trăm triệu USD quảng cáo không thu được thuế mà nghĩ là chúng ta bị thiệt hại. Những thông tin bổ ích hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận quan trọng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu phân tích. |
ĐB Cầu nêu băn khoăn của các đại biểu khác. “Môi trường an ninh mạng không khác gì môi trường xã hội. Môi trường xã hội có gì thì mạng có cái đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng nhiều. Cái xấu trong môi trường mạng tấn công vào nhận thức của con người, tác động làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức và phát sinh những hành vi sai trái. Điều nghịch lý là hành vi tấn công nguy hiểm như vậy nhưng người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng, đơn vị đã xây dựng cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn”, ĐB Cầu nói.
Theo ĐB Cầu, nhiệm vụ của Nhà nước là phải quản lý, loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế. Luật An ninh mạng được xây dựng trên cơ sở góp phần riêng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ đó.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: VPQH)
Giơ biển để tranh luận lại với quan điểm của ĐB Cầu, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, dự thảo Luật buộc các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông đặt máy chủ tại Việt Nam, nhưng đặt vấn đề trở lại nếu họ đặt máy chủ nhưng tắt máy không sử dụng hoặc sử dụng công nghệ đám mây thì cơ quan quản lý đâu có kiểm tra hay làm gì được?
Vì thế, theo ĐB Hiếu nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo theo hướng mục tiêu thao túng... Cùng với đó là các biện pháp khác như tăng cường chế tài xử phạt.
ĐB Hiếu lấy ví dụ như ở Đức mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng khi phát hiện những tin tức giả hay yêu cầu công khai về thông tin với những người mua quảng cáo trên mạng xã hội với những lĩnh vực liên quan đến chính trị.
“Chúng ta cũng không nên vì thấy con số hàng trăm triệu USD quảng cáo không thu được thuế mà nghĩ là chúng ta bị thiệt hại. Những thông tin bổ ích hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận quan trọng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân, góp phần xây dựng Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính”, ĐB Hiếu giải thích.
Ngay lập tức, ĐB Nguyễn Hữu Cầu tranh luận lại với ý kiến ĐB Nguyễn Lân Hiếu.
“Là những người làm án nên chúng tôi nắm khá rõ. Các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài để tấn công, lừa đảo người dân mà chúng ta không biết họ là ai. Cơ quan chức năng yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin nhưng họ không cung cấp. Chính vì vậy, công an không phá được án", ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Vấn đề thứ hai, ông Cầu nhấn mạnh, nếu không có luật làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ ban hành nghị định xử phạt thì lấy cơ sở nào để ban hành Nghị định hướng dẫn. Khi luật này được ban hành, trên cơ sở Chính phủ mới làm nghị định để xử phạt đến tất cả lĩnh vực liên quan đến vi phạm an ninh mạng.