Dân Việt

Thạc sĩ “lội ngược dòng” học lấy bằng cử nhân là cứng nhắc?

Tùng Anh 23/11/2017 13:57 GMT+7
Có bằng thạc sĩ nhưng vẫn phải “lọ mọ” đi học lại để lấy bằng cử nhân chính quy để được bổ nhiệm chức vụ, đó là câu chuyện hết sức “tréo ngoe” đang ngây nhiều tranh cãi ở tỉnh Quảng Ngãi. Các chuyên gia cho rằng, quy định này quá cứng nhắc.

Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD ĐT ghi rõ: đối tượng dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ cần là công dân Việt Nam, đã tốt nghiệp ĐH ngành đúng, ngành phù hợp với ngành và chuyên ngành đăng ký dự thi đạo tạo trình độ thạc sĩ. Như vậy, Bộ không bắt buộc cử nhân phải có bằng ĐH chính quy mới được thi và học thạc sĩ.

Tuy nhiên, quy định “cứng” về việc bổ nhiệm chức vụ của tỉnh Quảng Ngãi lại phủ nhận bằng ĐH tại chức kể cả người đó đã có bằng thạc sĩ. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ phải “lội ngược dòng” đi học lại lấy bằng chính quy.

Nói về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc – Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu chiếu theo Luật thì quy định của tỉnh Quảng Ngãi là cứng nhắc: “Hiện nay, các quy định về đào tạo của Nhà nước đều công nhận không phân biệt giữa bằng ĐH tại chức hay chính quy. Xu hướng trong tương lai cũng phải công nhận việc không phân biệt hình thức đào tạo. Là chính quy, tại chức hay từ xa... đều là phương thức đào tạo thôi, vấn đề là phải kiểm soát được chất lượng đào tạo” – ông Phúc nói.

img

Ông Thang Văn Phúc

Ông Phúc cũng cho rằng, quy định là như vậy nhưng việc tuyển dụng nhân lực và bổ nhiệm cán bộ ở địa phương lại có thẩm quyền riêng của họ: “Hiện bằng ĐH tại chức và từ xa vẫn còn bị xã hội nhìn nhận chưa thiện cảm vì việc đào tạo còn nhộm nhoạm, chưa đánh giá đúng thực chất năng lực. Tôi cho rằng ngay cả việc bổ nhiệm cán bộ, đã đến lúc không nên nhìn ở tấm bằng mà nên đánh giá nhiều ở năng lực. Bằng cấp cử nhân, thạc sĩ kể cả tiến sĩ cũng không nói lên điều gì” – ông Phúc nói.

Đồng tình với quan điểm này, GS Đào Trọng Thi – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội cho rằng, mặc dù theo chuẩn của tỉnh, tỉnh có thẩm quyền quy định chỉ cần nó không trái với những quy định của Nhà nước.

“Nếu nói về việc phủ nhận bằng thạc sĩ đi lên từ... tại chức mà chỉ công nhận bằng chính quy theo tôi cũng có khía cạnh rất đúng. Bởi lẽ, bằng thạc sĩ sau đó không có nghĩa nó có thể thay thế cho bằng ĐH trước vì có nhiều bằng thạc sĩ không cùng chuyên nghành đào tạo với bằng ĐH mà vị trí tuyển dụng yêu cầu. Ví dụ, nhiều người tốt nghiệp bằng cử nhân sư phạm Hóa, có thể học lên bằng thạc sĩ quản lý giáo dục. Đương nhiên khi tuyển dụng vào vị trí giáo viên Toán bằng thạc sĩ quản lý giáo dục không thể đứng lớp dạy Toán được” – ông Thi nói.

img

Ông Đào Trọng Thi 

Ông Thi cũng nhấn mạnh, địa phương cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể, không nên cứng nhắc quá là tại chức hay chính quy: “Về danh nghĩa Nhà nước cũng đã công nhận bằng cấp dù là tại chức hay chính quy giá trị pháp lý vẫn tương đương. Ở thời điểm hiện tại xã hội vẫn đang có cái nhìn “kỳ thị” với bằng tại chức, từ xa do những bất cập trong đào tạo, quản lý lỏng lẻo nhưng trong tương lai anh học chính quy hay tại chức đều có chuẩn đầu ra như nhau và sẽ tổ chức thi kiểm tra như nhau. Khi đó có thể trong bằng không ghi rõ đó là hình thức đào tạo gì. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đương nhiên các cơ quan tuyển dụng cũng không phân biệt và cũng không phân biệt được các loại hình đào tạo này” – ông Thi nói.

Ông Thi cũng cho rằng, việc bổ nhiệm chức vụ không nhất thiết phải đặt vấn đề bằng cấp lên đầu tiên bởi lẽ cán bộ lãnh đạo, cốt cán, người quản lý cần kinh nghiệm chỉ đạo, kinh nghiệm quản lý nhiều hơn là bằng cấp. 

“Cán bộ quản lý chỉ cần bằng ĐH hoặc cùng lắm là bằng thạc sĩ quản lý là đủ rồi. Bằng tiến sĩ, giáo sư chỉ cần cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Hơn nữa, nhiều nơi đang đánh đồng việc cứ bằng cấp cao hơn thì tốt hơn là không đúng. Bằng cấp nhưng phải phù hợp với vị trí và tốt cho việc đảm đương vị trí công việc của mình mới là cần thiết” – ông Thi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thi, trong nhiều trường hợp cụ thể, có người học tại chức nhưng nghiêm túc, kết quả tốt hơn những người được đào tạo chính quy. Chính vì vậy, ông Thi cho rằng mọi quy định xét duyệt không nên quá cứng nhắc.