Bỏ cơ hội du học, làm giảng viên kiêm “thuyền trưởng” thuật toán
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Phạm Nguyễn Sơn Tùng cho biết: "Trong chưa đầy 1 năm nay, 4 học viên của tôi nhận được kết quả thi tuyển. Cụ thể, một bạn nữ du học Mỹ năm 2 trúng tuyển thực tập tại Microsoft. Một nữ sinh khác được mời làm fulltime cho Twitter. Một bạn nam đã tốt nghiệp ĐH trúng tuyển nhân viên Google. Một nam sinh viên năm 3 nhận 2 lời mời thực tập từ Facebook và Google”.
Đáng nói, họ đều không phải là học sinh có gốc chuyên Tin từ cấp 2, cấp 3. Theo quy định của Facebook, Google, thầy Tùng chưa muốn công khai thông tin chi tiết về 4 bạn trẻ. Cả 4 người đều là học trò theo học thuật toán của thầy chưa đầy 1 năm.
Thầy Phạm Nguyễn Sơn Tùng (32 tuổi, quê Tây Ninh).
Tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM - HCMUS), Phạm Nguyễn Sơn Tùng được trường giữ lại làm giảng viên Khoa Công nghệ thông tin. Cơ hội du học rộng mở nhưng Tùng từ chối. Thuật toán là lí do duy nhất thầy ở lại trường với mong muốn làm “thuyền trưởng” cho đội tuyển thuật toán sinh viên chinh chiến ở nhiều đấu trường quốc tế.
Thầy Tùng có 5 năm là HLV trưởng đội tuyển ACM-ICPC của ĐH Quốc gia TP.HCM; 2 năm là HLV đại diện Việt Nam tham dự VCK cuộc thi lập trình quốc tế ACM-ICPC 2014 (Yekaterinburg, Nga) và ACM-ICPC 2016 (Phuket, Thái Lan). Thầy đã huấn luyện đội tuyển Robotics của trường HCMUS giành vé vào chung kết thế giới cuộc thi World Robot Olympiad 2015.
Thầy Tùng (thứ hai, phải sang) là HLV đại diện Việt Nam tham dự Vòng chung kết cuộc thi lập trình quốc tế ACM-ICPC 2014 tại Yekaterinburg, Nga.
Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thuật toán, thầy Tùng là tác giả 2 bài báo nghiên cứu khoa học về thuật toán tại Hội nghị quốc tế 2010 và 2014. Giảng viên trẻ sở hữu hơn 15 Giải thưởng về Programming Contest Asia Regionals.
Năm 2015, thầy Tùng cùng nhóm sinh viên thực hiện đề tài về xe bus, nhận giải Nhì cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2015 do báo Dân trí phối hợp tổ chức.
Điều thú vị là thuật toán đến với thầy Tùng khá muộn. Lúc chuẩn bị thi đại học, do không có ai định hướng, Tùng tự lên mạng mày mò với suy nghĩ "Muốn vào được các công ty lớn của nước ngoài thì phải học gì...?". Vô tình bắt gặp một số cuộc thi thuật toán quốc tế trên mạng, Tùng thi thử toàn thua. Nhưng thua lại càng thích. Lúc này, tiếng Anh chưa thạo, Tùng thường đọc câu hỏi nhiều lần để quen mặt chữ. Niềm thích thú say mê lớn dần và theo đuổi thuật toán từ đó.
"Trước đây nhìn bài Toán mình chỉ có 1 - 2 cách giải, giờ học thuật toán xong có rất nhiều cách", Tùng chia sẻ.
Mỗi dịp dẫn đội tuyển ra nước ngoài, huấn luyện viên 8X tranh thủ cơ hội học hỏi các tiến sĩ, giáo sư khắp nơi trên thế giới. Cuốn sổ tay nhỏ lúc nào thầy Tùng cũng mang theo bên mình để ghi chép, tích cóp kinh nghiệm...
Sau nhiều năm dẫn sinh viên của đội tuyển HCMUS tham gia cuộc thi lập trình quốc tế danh giá ACM-ICPC và ra nước ngoài học hỏi, thầy Tùng nhận thấy các “ông lớn công nghệ” như Facebook, Google luôn đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức thuật toán nhất định. Họ sẵn sàng dành suất thực tập, nhân viên cho các bạn trẻ xuất sắc về thuật toán.
Cách đây 2 năm, 5/6 bạn trong đội tuyển của thầy Tùng ở trường đại học đã nhận lời mời làm việc tại Google, một bạn làm tại Facebook.
Chinh chiến nhiều đầu trường quốc tế, HLV 8X luôn tranh thủ cơ hội tích cóp kinh nghiệm, kiến thức.
“Từ đó, tôi nghĩ nếu mình chỉ huấn luyện các bạn trong đội tuyển thì ít người biết tới và không nhiều cơ hội tiếp cận với thuật toán, như thế rất phí. Và thấy nhiệm vụ của mình không phải là ra nước ngoài nữa mà sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ”, thầy Tùng chia sẻ.
Nhân rộng những cơ hội vươn ra thế giới nhờ thuật toán
Bàn bạc với 2 người bạn là Nguyễn Thành Nhân (cựu kỹ sư phần mềm của Google) và Ngô Chí Đức (CEO và Founder công ty công nghệ First Round), thầy Tùng quyết tâm đem thuật toán - cơ hội vươn hội vươn ra thế giới đến với nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn trẻ.
Trung tâm dạy thuật Toán của thầy Tùng sau một năm chuẩn bị chính thức mở từ đầu năm 2017. Và chưa đầy 1 năm, thầy Tùng đã gặt “trái ngọt” khi 4 học trò đỗ vào 4 gã khổng lồ công nghệ thế giới.
Nhìn lại thực tế nước nhà, thầy Tùng nhận thấy, thuật toán rất quan trọng nhưng chưa được phổ biến. Mong ước của thầy là thay đổi quan niệm thuật toán chỉ dành cho nhóm nhỏ người giỏi.
“Thuật toán dành cho tất cả mọi người, chỉ cần có cách học đúng và quyết tâm. Trước nay, nhiều người cảm thấy thuật toán "khó nhằn" là bởi họ không có bước đi lộ trình mà thường nhảy cóc từ đơn giản đến phức tạp quá”, thầy Tùng cho biết. Do đó, thầy bắt tay sắp xếp khối lượng kiến thức thành giáo trình bậc thang, chỉ dẫn học sinh đi từng bước, từng bước, từ dễ đến khó.
“Tôi đã đọc hơn 5.000 bài thuật toán, rồi cùng đội ngũ trợ giảng phân loại theo từng cấp độ. Điều này giúp học viên từ không biết gì về thuật toán, đi theo từng bước đến khi nắm được rồi có thể tự học tập, trau dồi kiến thức của mình. Xây dựng bài giảng thật sự rất khó, ở Việt Nam hiện không có một tài liệu chi tiết nào”.
Thầy Tùng tâm sự, vui nhất dạy bài giảng của chính mình thiết kế với sự góp ý của bạn bè. Giáo án biên soạn từ chính kính nghiệm, có thể nay dạy - mai đổi mới mà không cần chờ ai phê duyệt.
“Bật mí” về bí quyết chinh phục các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, “thầy giáo làng” Phạm Nguyễn Sơn Tùng nhấn mạnh: Đầu tiên là tiếng Anh đủ tốt, để trả lời phỏng vấn lưu loát và đọc được đề bài. Bí quyết thứ 2 là cố gắng 200% sức lực. Bởi học thuật toán là học theo lộ trình, chăm chỉ đều đặn mỗi ngày mới thấm được kiến thức, không thể học theo cảm hứng thích học thì học, nghỉ thì nghỉ.
Trong số 4 học trò xuất sắc của mình, thầy Tùng ấn tượng nhất với một nữ sinh học năm nhất ĐH Ngoại thương sau đó đi du học tại trường Smith College (Mỹ). Hè vừa rồi về Việt Nam chơi, cô tình cờ biết đến lớp học của thầy Tùng. Sau 2,5 tháng học tập chăm chỉ, cô gái đã giành được vị trí thực tập tại Microsoft.
Không quan trọng học trò phải có đầu vào “hơn người”, thầy Tùng muốn truyền cảm hứng và dạy những người “mù” lập trình và thuật toán nhất, từng thất bại nhiều nhất.
"Thầy giáo làng" cho biết, trong hành trình của mình, thầy giữ một triết lý: “Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, nhưng điều đó không quyết định bạn có thành công hay không. Cái chính là quá trình học tập, rèn luyện, cố gắng. Cái gì cũng nghĩ mình đi sau đồng nghĩa với thua kém người ta thì không bao giờ làm được! Đặt ước mơ thật cao để nếu không vươn tới, bạn có thể chạm được những ước mơ gần gần đó”.