Trên chuyến phà sang xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) tôi hỏi mấy vị khách đích thị cái tên của cù lao: Người thì bảo cù lao Tân Phong, cù lao giữa (chắc nổi lên giữa sông), cù lao “7 cô” (7 nữ sinh đã chết trong lần tắm cồn)… Tôi vẫn thích nếu đặt cho nó cái tên “cù lao hấp hối” bởi tại thời điểm này, cái cù lao có lúc rộng cả ha đất chỉ còn là một nhúm đất khoảng vài chục m2 lở loét nằm choi loi, lấp xấp giữa sông Tiền, chỉ cần một mùa sạt lở nữa là… “đưa tang”.
Một thời xôm tụ
Ông Hai Bưng chỉ “cù lao hấp hối” mà luyến tiếc một thời ông dày công giữ gìn. Ảnh: T.Đ
"Trong đêm mơ màng nghe cái ầm là tôi biết đất lại sụp nữa rồi. Nghe mà đau lòng, mất một miếng đất như vỡ vụn một miếng da, miếng thịt của mình”. Ông Hai Bưng |
Lão nông Hai Bưng (Phạm Văn Bưng) ngồi chờ chúng tôi bên bờ sông xã cù lao Tân Phong, đối diện với cái “cù lao hấp hối”. Có cảm giác chỉ cần cái với tay là có thể hái buồng chuối xanh làm mồi nhậu trên cái cù lao tội nghiệp kia.
Ông Hai Bưng là người đã gắn bó trồng cây, giữ đất trên cái cù lao tội nghiệp cho đến khi “nó lở riết chịu không nổi” mới chịu nhảy lên bờ. Theo ông Hai Bưng, đầu thập niên 80 (thế kỷ trước) cù lao này trồi lên giữa sông Tiền với vài cây bần loe ngoe đeo bám.
Thấy xuất hiện cù lao, người dân xã cù lao Tân Phong lục đục ôm cây bần sang trồng để giành đất. Ông Sáu Ghi (Trần Văn Ghi) - người dân ở đây cười hề hề: “Lúc đó tôi cũng đóng góp mớ cây bần định kiếm miếng đất trên cù lao”.
Biết được người dân hăm hở sang chiếm đất cù lao, công an tỉnh Tiền Giang đưa lực lượng hậu cần xuống “bình định”. Họ làm đê bao rồi cho xáng cạp lấy cát dưới sông đổ vào biến cái cù lao non trẻ lùng bùng đất sình nhão nhoẹt thành miếng đất bằng phẳng rộng cả ha.
Có một thời nơi đây là bãi tắm cho khách du lịch, nhất là ngày mồng 5.5 hàng năm. Vào ngày này, du khách từ các nơi đổ dồn về đây tắm, gọi là tắm cồn. Và nhiều vụ đuối nước thương tâm cũng đã diễn ra như vụ 7 nữ sinh một trường trung học ở huyện Cái Bè. “Lúc đó, chính quyền định sẽ xây dựng cù lao thành nơi nghỉ dưỡng, du lịch cho khách, nhưng không hiểu sao họ bỏ ý định đó” - ông Hai Bưng cho biết.
Thấy dự án “đảo du lịch” bất thành, Công ty Xuất nhập khẩu Tiền Giang tham gia đầu tư nhà xưởng, lò sấy, nhà kho, kéo điện vượt sông Tiền sang cồn thành lập “công ty con” – Công ty Rau quả sông Tiền. Tuy nhiên, công ty này chỉ sau vài lần sấy trái nhãn rồi cũng đóng cửa. “Thất bại làm trái cây, công ty cho múc đất trong cù lao làm ao nuôi cá tra. Ông Hai Bưng nói. Mỗi lần bên cù lao bán cá, đứng bên này ngó sang thấy người rần rần”.
Nuôi cá được vài ba năm, không chịu nổi thị trường giá cá tra lao dốc, lỗ triền miên công ty rút hết nhân công bỏ chơ vơ cù lao tội nghiệp. “Họ nhờ tôi sang trông coi, giữ đất cù lao không để bà con sang chiếm” - ông Hai Bưng thổ lộ.
Thế là ông Hai Bưng sang giữ cù lao. Ông trồng chuối ven đê bao, trồng mận, trồng xoài, nuôi gà để kiếm thêm thu nhập. Gặp đất phù sa mới, cây lên xanh tươi, hoa trái trĩu cành. Thế nhưng, lúc này hai đầu cù lao xuất hiện những chiếc xáng cạp đến lấy cát, báo hiệu cái chết nhãn tiền cho cù lao.
Của Hà Bá trả Hà Bá!
“Đoạn sông này là một mỏ cát xây dựng chất lượng tốt. Cát vàng ươm. Vì thế, mới có chuyện mấy cái xáng cạp kéo đến lấy cát. Họ lấy cát ngày đêm, nếu dân không làm dữ để tránh sạt lở đất chắc họ cũng không đi”.
Ông Hai Bưng nói đoạn rồi chỉ tay xuống dòng sông đang cuộn nước, nói tiếp: “Trước đây, khi nước ròng có thể đi ra cù lao được, nhưng giờ cát bị lấy đi nên sông khá sâu”.
Khá nhiều cồn ở miền Tây Nam Bộ đang sạt lở nghiêm trọng, như: Cồn Giông (Vĩnh Long), cồn Phú Đa (Bến Tre), cồn An Thạnh (An Giang)… nhưng chưa thấy ở đâu tình trạng sạt lở xóa sạch một cù lao. Thế mà, tại cù lao này nó đang diễn ra – một sự kiện “độc nhất vô nhị” của quá trình hình thành cù lao ở miền sông nước Nam Bộ.
Ông Hai Bưng cho biết, ngày còn lãnh nhiệm vụ giữ cù lao, ông thường xuyên chứng kiến cảnh đất cù lao ngày đêm cứ từng mảng sụp dần xuống lòng sông Tiền. “Trong đêm mơ màng nghe cái ầm là tôi biết đất lại sụp nữa rồi. Nghe mà đau lòng, mất một miếng đất như vỡ vụn một miếng da, miếng thịt của mình” - ông Hai Bưng tâm sự.
Theo ông Hai Bưng, cù lao này đang chịu “một cổ, hai tròng”: Tác động dòng chảy và hậu quả của nạn cát tặc. “Theo tôi, cù lao mất đi do chính con người đã đối xử bất nhẫn. Cát bị khai thác không thương tiếc khiến cù lao mất chân, dòng chảy của sông Tiền khoét cù lao thành những hàm ếch. Và cứ thế, đất cù lao cứ ngày đêm lở loét dần, như của Hà Bá trả Hà Bá” - ông Hai Bưng thủ thỉ.
Nghe tôi hỏi: “Không có cách nào giải cứu cù lao à?”, ông Hai Bưng gãy đầu, bứt tai: “Trước đây, công ty cũng nghĩ đến chuyện này rồi, cũng đã tìm cách bảo vệ cù lao tránh bị mất đất. Xung quanh cù lao họ cho đóng cừ cây sâu hơn chục mét, rồi đan phên tre chắn đất. Nhưng chả ăn thua gì, đất vẫn cứ sụp do cù lao bị khoét hàm ếch, mất chân” - ông Hai Bưng chia sẻ.
Hôm nói chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã cù lao Tân Phong Lê Văn Bình về câu chuyện cù lao bị xóa sổ, ông Bình cũng công nhận không có cách nào để cứu cù lao trước thực tế đang diễn ra.
Ông Sáu Ghi cho rằng, 2, 3 năm qua tình trạng sạt lở ở cù lao này diễn ra khá nhanh. Cái nhúm đất của cù lao còn sót lại hiện nay là nơi lò sấy của Công ty rau quả Sông Tiền trước đây được gia cố kè rất kỹ.
Chỉ tay qua phía bên sông Tiền, nơi huyện Cái Bè định lấn sông làm công viên trái cây, ông Sáu Ghi phàn nàn, nếu dự án đó thành công thì nhúm đất trên cù lao sẽ bị xóa sạch ngay năm sau do lòng sông hẹp hơn, lực dòng chảy sẽ mạnh hơn. Tôi bảo ông, vừa rồi Bộ TNMT yêu cầu dừng dự án và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra thông tin phản ánh về dự án này, nghe xong ông Sáu Ghi thở phào.
Để xây dựng dự án này, UBND huyện Cái Bè phải lấp khoảng 68.000m2 diện tích mặt sông, ngay vị trí ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Vị trí này chỉ cách “cù lao hấp hối” chỉ khoảng 300m.
Chiều xuống, nhìn qua bên cù lao, ông Hai Bưng tiếc nuối: “Lâu nay tôi không ra cù lao nữa. Cứ nghĩ đến việc cù lao mất mà đau lòng”. Nói đoạn, ông lủi thủi, khập khưỡng đi vào nhà để lại tôi, ông Sáu Ghi và cái “cù lao hấp hối”. Trong không gian xám xịt báo hiệu một cơn mưa giông, “cù lao hấp hối” trông thật tội nghiệp.
Ông Sáu Ghi chăm chăm nhìn chỏm cù lao lấp ló trên mặt nước, lầm bầm: “Rồi ông Hai Bưng sẽ sớm phải đưa tang nó thôi!”.