Dân Việt

Triệu phú côn trùng thuần dưỡng bọ cạp: Gian nan mới thành "vua"

Nguyên Vỹ 27/11/2017 06:15 GMT+7
Ngoài dế, cà cuống, những con bọ cạp đen mun, bóng lưỡng đến rợn người là nguồn thu nhập giúp anh Lê Thanh Tùng (huyện Củ Chi, TP.HCM) trở thành triệu phú.

img

Trại nuôi bọ cạp bán hoang dã. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Tùng kể, nhiều năm trước, trong nước chưa có người nuôi nên từ con giống cho tới kỹ thuật đều khó kiếm. Vì có sẵn các trại nuôi dế trước đó, anh quyết định thuần dưỡng và phát triển đàn bọ cạp để cung cấp thêm một nguồn thực phẩm độc đáo ra thị trường.

img

img

Bọ cạp sinh trưởng tốt trong môi trường ẩm thấp. Ảnh Nguyên Vỹ

“Muốn làm nghề này phải có “máu” và quyết tâm. Vì mỗi khi bị bọ cạp chích sẽ rất đau, cảm giác đau buốt kéo dài vài tiếng đồng hồ cho tới cả ngày. Sau mỗi lần bị bọ cạp chích tôi lại tìm hiểu thêm về tập tính của loài động vật đặc biệt này”, anh Tùng nói.

img

Muốn nuôi bọ cạp phải có “máu” và quyết tâm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhìn những con bọ cạp to, đen, ông chủ của chúng trấn an, bản thân bọ cạp nuôi vẫn có độc tự nhiên nhưng tính hiền chứ không quá hung dữ. Bọ cạp to vì thịt nhiều và đặc biệt điều đó không có nghĩa là độc tính của nó cũng nhiều.

img

Dế là thức ăn chính cho bọ cạp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thức ăn cho bọ cạp thường là các loại côn trùng, xác chết động vật. Ở trại nuôi của mình, anh Tùng tận dụng nguồn cá và dế nuôi tại chỗ để cho ăn.

img

Cứ lật từng gáo dừa ra sẽ dễ dàng tìm thấy bọ cạp. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Thả dế vào nuôi chung để chúng tự sinh sản vừa làm thức ăn cho bọ cạp. Các loại khác như cá, ốc, ếch nhái thì cho ăn dặm thêm. Bã thừa xác động vật do cà cuống chính hút dinh dưỡng xong bỏ lại cũng có thể tận dụng làm thức ăn cho bọ cạp”, anh Tùng kể thêm.

img

Một con bọ cạp chưa trưởng thành. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện tại, anh Tùng đang nuôi theo hình thức bán hoang dã. Anh vây kín một góc vườn, phủ lên đầy các gáo dừa. Đến tuổi bọ cạp trưởng thành, cứ lật từng gáo dừa ra bắt rất dễ dàng. Quan trọng là gáo dừa sẽ giữa độ ẩm cho bọ cạp phát triển.

img

Bọ cạp không ăn thịt lẫn nhau nên có thể nuôi chung nhiều lứa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một ưu điểm nữa là bọ cạp không ăn thịt lẫn nhau nên có thể nuôi nhiều lứa, nhiều thế hệ chung trong một chỗ. Con nào đến lứa thì bán; con non và con bố mẹ được giữ lại nuôi cho sinh sản tiếp.

img

Nọc độc của loại bọ cạp này có thể gây đau buốt cả nửa ngày. Ảnh Nguyên Vỹ

Bọ cạp được nuôi từ lúc mới sinh ra đến khi ăn thịt khoảng 2,5 tháng. Lúc này trọng lượng trung bình đạt 100 – 115 con/ 1 kg. Hiện anh Tùng đang duy trì tổng đàn hiện vẫn duy trì ở mức 3.000 con. Giá bán ra thị trường giao động từ 700.000 – 750.000/1 kg.

img

img

Nhưng anh Tùng kể bản tính của chúng không quá hung dữ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Điều đáng quý là anh luôn chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho tất cả mọi người hoặc nhận bao tiêu lại sản phẩm.

img

Chân dung triệu phú côn trùng Lê Thanh Tùng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cùng với các trại nuôi côn trùng khác, anh vẫn đều đặn cung cấp dế, cà cuống, bọ cạp cho các nhà hàng, quán ăn khắp TP.HCM và tỉnh thành.

* Trong clip có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp