Dân Việt

Người cầm đàn cổ “giữ lửa” hồn then Xứ Lạng

Chang Liễu 26/11/2017 13:30 GMT+7
Ở cái tuổi 74, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, “thầy giáo” Hoàng Huy Ấm trú tại số 4, đường Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn (Lạng Sơn), hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và giảng dạy những làn điệu dân ca hát then, đàn tính.

Sinh ra và lớn lên ở xã nghèo vùng cao Bình Phúc, Văn Quan (Lạng Sơn), nơi sinh sống của đông đảo bà con các dân tộc Tày, Nùng... Ngay từ thời trẻ, nhạc sĩ Hoàng Huy Ấm đã có cơ hội được thưởng thức những làn điệu ngọt ngào và những ngón đàn điêu luyện của các bà then, những làn điệu dân ca sli, lượn, của các bà, các thầy tào…

img

Làn điệu then mượt mà "ăn sâu vào máu" ông sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi và giảng dạy.

Năm 14 - 15 tuổi ông rời quê xuống thủ đô học tập. Sau 9 năm sinh sống và học tập, cuối cùng ông cũng cầm trong tay tấm bằng cử nhân chuyên ngành violin. Sau đó ông về công tác tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên). Với tấm bằng chuyên ngành violin, ông những tưởng rằng mình may mắn và có nhiều cơ hội với loại nhạc cụ lúc đó được coi là “chúa tể âm nhạc thế giới”. Nhưng khi tiếng đàn của ông cất lên, thì hiếm người muốn nghe nó, mọi người chỉ muốn nghe những làn điệu dập dìu, mượt mà của các loại nhạc cụ mang âm hưởng dân tộc. Sau đó ông quyết định chuyển sang nghiên cứu hát then, đàn tính quê hương Xứ Lạng. Là người có vinh dự và nhiều cơ hội được tiếp xúc, trao đổi, học hỏi với rất nhiều các nghệ nhân. Từ đó tiếp thêm cho ông niềm đam mê với cây đàn tính và những câu hát then mượt mà đầy ý nghĩa.

img

"Thầy Ấm" là cái tên mà các cụ ông, cụ bà 80 tuổi tại các lớp học then thường gọi ông.

Theo ông, sự khác biệt lớn nhất giữa then Lạng Sơn với then ở các tỉnh Cao bằng, Bắc Cạn… đó là thổ ngữ (âm sắc, âm hưởng của thổ ngữ). Xét về âm nhạc thì then Cao Bằng giàu chất thơ, còn then Xứ Lạng lại giàu chất nguyên thủy.

Hơn 43 năm nghiên cứu về hát then đàn tính, hiện tại “gia tài” âm nhạc của ông là hơn 300 bài hát then do ông tự sáng tác, biên soạn. Trong đó có bài “Giải hạn, Tình mẹ..” đoạt huy chương vàng tại Liên hoan hát then toàn quốc. Ông vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,  Bằng khen của Hội Văn hóa nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, giấy khen của UBND, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn…

Hiện tại dù đã hơn 70 tuổi nhưng với niềm đam mê dành cho làn điệu then, cho cây đàn tính quê hương, hàng ngày ông vẫn ngồi sáng tác, biên soạn, nghiên cứu, viết bài, xây dựng giáo trình giảng dạy. Đồng thời ông còn tham gia giảng dạy cho các CLB then trên địa bàn tỉnh. “Có tuổi rồi, cũng chậm chạp dần, giờ chỉ đi giảng dạy ở những CLB gần nhà. Trong lớp học nhiều cụ đã 80 tuổi dù có chậm chạp nhưng nhiệt tình vô cùng. “Nhiều lúc một câu mà học cả ngày”, thầy Ấm cười. Hầu hết mọi người tự tìm đến học, người ta hay nói “Hữu xạ tự nhiên hương”.

img

Ông là người duy nhất còn lưu giữ được cây đàn tính cổ có bầu tính làm bằng gỗ rất cầu kì và tinh xảo.

Cô Hoàng Thị Hòa, Chủ nhiệm CLB đàn hát dân ca thị trấn Cao Lộc chia sẻ: “Thầy Ấm dù đã có tuổi nhưng rất yêu và có niềm đam mê đặc biệt đối với những làn điệu then quê hương. Thầy luôn chỉ dạy các hội viên trong CLB rất tận tình, tỉ mỉ. Chúng tôi tham gia CLB này, nhằm mục đích muốn lưu giữ và truyền dạy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, đặc biệt là các làn điệu then mang đậm bản sắc của đất và người xứ Lạng.

Hát then, sở dĩ được mọi người dân yêu thích bởi âm thanh, làn điệu của nó hết sức phong phú, khi réo rắt, khi du dương, khi thì nhịp nhàng thanh thản, khi rộn rã, vui tươi, khi thầm thì như tiếng suối gọi, khắc khoải như những nỗi ngóng chờ. Đồng bào dân tộc Tày nơi đây từng ví: "Ké qủa tàng nghìn tiểng lượn then; Mừa lườn táng piến pền báo ón...". (Tạm dịch: "Già qua đường nghe tiếng lượn then; Về nhà như biến thành trai trẻ..."). Lời then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, rất dễ hiểu, dễ nhớ, mộc mạc; nhưng vừa là những câu thơ trữ tình, tự sự, giàu nhạc điệu; vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm quý báu về đối nhân xử thế... Cho nên nghe đàn tính, nghe tiếng hát then, người ta cứ như thấy trong đó có cuộc đời của mình...

Hát then - một nét đẹp văn hóa cần những người thầy, người thợ “giữ và truyền lửa” cho các thế hệ. Việc dạy hát then cho thế hệ trẻ là một việc làm rất cần thiết để qua đó truyền dạy cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và xứ Lạng nói riêng. Hiện nay, hát then đang được coi trong, gìn giữ và phát huy; Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang trình UNESCO công nhận hát then là di sản văn hóa thế giới.