Về vụ lăng mẹ vua Dục Đức bị đào phá mà Dân Việt thông tin, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) Thừa Thiên - Huế đã có những đánh giá về giá trị của khu lăng này.
Vị trí đặt bia lăng mẹ của vua Dục Đức bị đào phá tan hoang, đất đá vương vãi khắp nơi. Ảnh: T.K.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, khu lăng bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) được xây dựng theo lối kiến trúc dành cho các bà phi dưới triều nhà Nguyễn. Khu lăng này còn khá nguyên vẹn và mang nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định, mặc dù không thuộc hệ thống di tích nhưng lăng bà Trần Thị Nga liên quan rất nhiều đến lịch sử triều Nguyễn. Bởi bà này không chỉ là mẹ của vua Dục Đức mà còn là bà nội của vua Thành Thái, bà cố của vua Duy Tân. Vì vậy, ngành văn hóa và chính quyền địa phương phải có chủ trương gìn giữ lăng mộ đặc biệt này.
“Những sự việc như thế này nếu không được chặn đứng sẽ để lại hậu quả không tốt” - ông Hoa nhận định. Theo ông, vấn đề cần kíp hiện nay là cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra nhằm ngăn chặn những sự việc đáng tiếc tương tự về sau.
Nêu quan điểm về vụ lăng mẹ vua Dục Đức bị đào phá, luật gia Nguyễn Anh Tâm (Công ty Luật Công Khánh, Thừa Thiên - Huế) cho biết, đối tượng đào phá lăng đã vi phạm quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Cụ thể, Điều 246 này quy định: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Ngoài bị phạt tù, người thực hiện hành vi còn phài chịu trách nhiệm bồi thường các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả mà mình đã gây ra.
Bia của lăng mẹ vua Dục Đức bị dịch chuyển và bị phá hỏng. Ảnh: T.K.
“Hành vi của đối tượng trong vụ việc trên đã xâm phạm đến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xâm phạm đến công trình lăng mộ có giá trị lịch sử nên các cơ quan chức năng phải nhanh chóng điều tra làm để xử lý theo quy định pháp luật” - luật gia Nguyễn Anh Tâm nêu ý kiến.
Như tin đã đưa, vào ngày 19.11, nhiều người trong Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đến khu lăng bà Trần Thị Nga để thắp hương thì bàng hoàng phát hiện tấm bia của lăng bị di chuyển ra ngoài, đế bia và thân bia bị đập phá làm cho tách rời.
Cùng với việc tấm bia bị di dịch chuyển và phá hỏng, khu vực đặt tấm bia bị đào phá tan hoang, gạch đất vương vãi nhiều nơi. Tình trạng này khiến con cháu dòng họ Nguyễn Phước hết sức bức xúc, lo lắng.
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP.Huế đã mời một số đối tượng nghi vấn lên làm việc, đồng thời đang tìm thêm các đối tượng nghi liên quan đến vụ xâm phạm mồ mả này.
Khu lăng bà Trần Thị Nga tọa lạc trên diện tích khoảng hơn 100m2 ở đường Vũ Ngọc Phan, phường Thủy Xuân, TP.Huế. Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, trước đây người dân và chính quyền địa phương từng phát hiện khu lăng này bị kẻ xấu đào phá để trộm châu báu, vàng bạc.