Dân Việt

Tổng Thư ký QH: Giữ nguyên mức kỷ luật với ĐB Phan Thị Mỹ Thanh

Lương Kết 24/11/2017 18:24 GMT+7
Chiều 24.11, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, báo chí đã đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai.

img

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại buổi họp báo diễn ra trước kỳ họp Quốc hội, ông đã trả lời vấn đề liên quan đến bà Phan Thị Mỹ Thanh. Theo đó, bà Thanh đang được các cơ quan chức năng xem xét, đến nay khi kết thúc kỳ họp Quốc hội sự việc vẫn đang được xem xét.

“Trong quá trình cơ quan chức năng xem xét, bà Phan Thị Mỹ Thanh có đơn khiếu nại liên quan đến việc bị kỷ luật của mình. Đoàn công tác của Ban Bí thư đã làm việc và thấy việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành kỷ luật cảnh cáo với bà Thanh là đúng nên giữ nguyên mức kỷ luật này. Liên quan đến công tác cán bộ, các cơ quan chức năng quản lý cán bộ đang làm, kết quả thế nào sẽ báo cáo Quốc hội”, ông Phúc cho biết.

Trước đó, bà Phan Thị Mỹ Thanh bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận có những vi phạm, khuyết điểm và bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

img

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Thanh (ảnh Tiền phong).

Trả lời câu hỏi của báo chí về đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong đó tăng cường tranh luận tại các phiên thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh:

“Tiếp nối kỳ họp trước, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiếp tục có những đổi mới. Tại các phiên thảo luận, kể cả phiên chất vấn, ngoài tham luận, Quốc hội đã tăng cường hình thức tranh luận. Việc này giúp cho các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ có thêm sự trao đổi. Không chỉ tranh luận giữa các đại biểu với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề, cách làm này cần tiếp tục phát huy”.

Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm thế nào để dự án triển khai hiệu quả, không bị tăng vốn?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, giải phóng mặt bằng là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án và cũng phải được thực hiện rất chặt chẽ. Với việc giải phóng gần 5.400ha, tổng mức đầu tư ban đầu Chính phủ trình là khoảng gần 23.000 tỷ đồng. Quốc hội trước đó đã bố trí 5.000 tỷ đồng và tiếp tục quyết bổ sung 15.000 tỷ đồng tại kỳ họp thứ 4. Số còn thiếu là hơn 2.900 tỷ đồng sẽ được bố trí trong quá trình chuyển đổi đất, xã hội hoá.

“Quan trọng là tiến độ phải đảm bảo khi tiến hành giải phóng mặt bằng và giải phóng được đến đâu gọn đến đấy, phải quản lý được đất đai đã thu hồi. Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng như HĐND tỉnh chịu trách nhiệm giám sát để không xảy ra sai phạm. Gần đây xảy ra vụ án liên quan đến dự án ở Sơn La (nhiều cán bộ bị bắt – PV). Đây được xem là bài học quan trọng để khi triển khai các dự án sau không xảy ra tương tự” – Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Thủ tướng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn

Vào chiều 24.11, Quốc hội đã họp phiên bế mạc. Phát biểu bế mạc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 6 luật, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về 9 dự án luật khác...

Quốc hội đã tiến hành chất vấn về các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, thông tin - truyền thông, công tác xét xử và chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn, đồng thời, cho thấy năng lực của đại biểu Quốc hội được phát huy.

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, làm rõ vấn đề và đưa ra các giải pháp khắc phục, cơ bản nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao. Số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay và Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân