Dân Việt

VN-Index lên đỉnh, tiệc vui chỉ dành cho các “ông lớn”?

Quốc Hải 26/11/2017 07:00 GMT+7
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 277,4 điểm, tương ứng tăng 41,7%. Đây có lẽ không phải là điều gì bất thường của thị trường chứng khoán. Song nhà đầu tư cần lưu ý, đà tăng của VN-Index lại chỉ tập trung vào một tháng trở lại đây khi chỉ số này vụt tăng 119,7 điểm kể từ ngày 23.10, cao hơn rất nhiều so với con số tăng 80 điểm của cả năm 2016...

Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 24.11), VN-Index có lúc đã tăng gần 10 điểm so với phiên giao dịch ngày hôm trước, lên 942,3 điểm. Đây là mức tăng kỷ lục của VN-Index trong một thập kỷ qua, tính từ cuối năm 2007. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch, VN-Index đạt 935.57  điểm, tăng 1.87 điểm.

img

Thị trường chứng khoán VN đang thiết lập kỷ lục so với thời điểm 10 năm trước (Ảnh: IT)

“Tiệc vui” chỉ dành cho các... “ông lớn”?

Có thể thấy, sóng tăng của chứng khoán trong suốt 1 tháng qua không dành cho số đông các mã cổ phiếu trên thị trường mà chủ yếu dòng tiền chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu có mức vốn hoá lớn như VIC, SAB, VRE, VNM, ROS và các dòng cổ phiếu sắp thoái vốn như BHN, BMP, FPT… Ngược lại, ở nhóm cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu nhỏ thì dòng tiền chảy về khá ít, chỉ có thể nói là “hưởng xái” một chút trong làn sóng tăng của toàn thị trường - theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế.

Cụ thể, với VIC, kết thúc phiên giao dịch 24.11, vốn hóa của VIC đạt  hơn 196.509 tỷ đồng, tăng hơn 50.044 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây. Tương tự, vốn hoá của VRE cũng đạt hơn 96.194 tỷ đồng, tăng hơn 31.000 tỷ đồng so với thời điểm chào sàn cách nay chưa đầy 3 tuần lễ (6.11).

Vốn hóa của VNM cũng đạt 268.491 tỷ đồng sau phiên giao dịch hôm qua 24.11, tăng hơn 54.000 tỷ đồng trong một tháng trở lại đây.

Vốn hóa của SAB cũng đạt 204.440 tỷ đồng, tăng 24.669 tỷ đồng trong một tháng trở lại đây.

Một cổ phiếu khác cũng có tác động lớn tới rổ chỉ số là ROS với mức vốn hoá hiện ở mức 88.119 tỷ đồng, tăng 17.040 tỷ đồng trong 1 tháng trở lại đây.

Như vậy, chỉ trong một tháng vốn hoá của 5 cổ phiếu gồm VNM, SAB, VIC, VRE, ROS đã tăng tổng cộng 176.753 tỷ đồng, chiếm tới hơn 47% đà tăng quy mô trên sàn HOSE. Đặc biệt, mức vốn hoá của 5 cổ phiếu này cũng đạt 853.753 tỷ đồng, chiếm tới 35% vốn hoá của HOSE.

Như vậy, có thể thấy trong sốt 1 tháng qua, dòng tiền chủ yếu tập trung vào 5 mã cố phiếu này và một số mã khác thuộc nhóm VN30 như BID, CTG, GAS... trong khi hiện số đông nhà đầu tư hiện đang "mắc kẹt" ở các cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu nhỏ. Điều này được minh chứng khi kết thúc phiên giao dịch ngày 24.11, VN-Index tăng hơn1 điểm với khối lượng giao dịch hơn 223 triệu cổ phiếu, tương đương gần 5.500 tỷ đồng thì 30 mã trong VN30 chiếm gần 3.100 tỷ đồng, chiếm 56,3% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Rõ ràng, bữa tiệc vui khi sóng chứng khoán tăng mạnh chỉ dành cho những nhà đầu tư đang nắm những cổ phiếu lớn này.

img

"Bữa đại tiệc" chứng khoán không dành cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ (Ảnh: IT)

VN-Index có thể đạt 1.100 điểm cuối năm nay

Đánh giá về làn sóng tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 1 tháng trở lại đây, chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, nhận định, thị trường chứng khoán đang tăng nóng nhưng nếu so với thời điểm 2006-2007 thì nó vẫn có một cái chừng mực, mới là điểm khởi đầu mà thôi. Theo ông Tín, tăng trưởng lần này tập trung chủ yếu ở một số bluechip và một số ngành có triển vọng tốt như tài chính ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, viễn thông... Còn lại thì khá lẹt đẹt, đặc biệt là đối với nhóm cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu nhỏ thì mới chỉ được “hưởng sái” một tý xíu trong sóng tăng của thị trường, ảnh hưởng bởi độ nóng lan tỏa từ nhóm cổ phiếu lớn tác động qua.

“Đó cũng là nguyên nhân vì sao chỉ số chứng khoán tăng nhưng danh mục đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường thì vẫn lỗ”, ông Tín nói.

Lý giải những  nguyên nhân khiến thị trường tăng trưởng nóng thời gian qua, ông Tín cho rằng, hiện tại các điều kiện kinh tế vĩ mô tăng tốt (tăng trưởng kinh tế tốt, GDP tốt), lạm phát dưới 4%, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực 15.1.2018... và rất nhiều yếu tố tích cực khác như Nghị quyết 42 của Quốc Hội về xử lý nợ xấu đi vào thực tế cũng giúp rất nhiều cho tăng trưởng. Đặc biệt, vừa qua chúng ta cũng đàm phán cơ bản thành công Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTTP thay thế cho TTP tạo điều kiện cho VN hội nhập mạnh mẽ hơn nữa với thế giới...

“Triển vọng sắp tới VN-Index sẽ còn tăng tiếp, tuy nhiên nó sẽ có một xíu điều chỉnh trước khi tiếp tục đà tăng mạnh. Từ nay đến kết thúc năm 2017 (năm dương lịch) thì chỉ số VN Index có thể đạt mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên, nó cũng sẽ chỉ tập trung vào các DN tốt, các lĩnh vực có khả năng sinh lời như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, viễn thông... Còn các cổ phiếu nhỏ thì có thể chỉ tác động nhẹ chứ không tăng nóng đồng loạt như giai đoạn 2006-2007. Đặc biệt, dòng tiền đầu tư từ nước ngoài cũng sẽ tác động mạnh đến đà tăng của chỉ số VN Index, đặc biệt là dòng tiền FII (đầu tư nước ngoài gián tiếp) sẽ đổ rất mạnh vào chứng khoán, bất động sản... trong thời gian tới”, ông Tín nhận định.

Thị trường chứng khoán đang... méo mó

Thị trường hiện nay méo mó bởi những ngành, lĩnh vực tốt thì tăng là đúng. Ví dụ như ngành ngân hàng, lợi nhuận tăng rất nhiều, chưa tính các quy định pháp luật hỗ trợ cho ngành ngân hàng rất nhiều. Chính vì vậy các cổ phiếu như BID, CTG, VCB... tăng là đúng. Nhưng có những DN chỉ “hưởng xái” thôi, nhiều khi họ báo cáo tài chính tào lao, làm toàn lỗ, vốn điều lệ khai báo khủng nhưng con số thực tế nào có được như báo cáo... nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng tăng trưởng của các ngành nghề khác tác động qua.

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín

Cẩn trọng với “bong bóng” chứng khoán

Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán phải đi kèm với sự tăng trưởng, sức mạnh của nền kinh tế. Trong năm nay, chúng ta kỳ vọng sự tăng trưởng sẽ đạt 6,7%, thế nhưng thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa đạt được mứctăng trưởng đó đâu. Đồng thời, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh tín dụng cho vay nhiều khiến lượng tiền lưu thông trong hiện tại tăng rất nhiều. Thành ra vấn đề tăng trưởng chứng khoán trong năm nay chúng ta phải rất cẩn thận, bởi những cơ sở để tăng trưởng chứng khoán có sự cải thiện nhưng không phải tăng đột biến, trong khi chứng  khoán lại tăng rất mạnh.

Thời điểm này chưa xảy ra “bong bóng” chứng khoán đâu nhưng nhà đầu tư cần cẩn thận khi đầu tư vào giai đoạn này.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế