Địa phương trước đó không hay biết gì
Liên quan đến vụ các bảo mẫu Lớp mẫu giáo Mầm Xanh (đường HT5, phường Hiệp Thành, Q.12) bạo hành trẻ em, trong sáng nay (27.11), cơ quan công an vẫn đang tiếp tục lấy lời khai đối với bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ lớp mẫu giáo này. Lãnh đạo Công an Q.12 cho biết đang củng cố hồ sơ và sẽ khởi tố vụ án.
Lớp mẫu giáo Mầm Xanh hiện đang tạm ngưng hoạt động.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Hiệp Thành cho biết, đã thực hiện các công tác xử lý đối với lớp mẫu giáo này theo chỉ đạo của UBND Q.12. Theo đó, sau khi kiểm tra, phường chỉ phát hiện và xử lý hành chính với cơ sở này vì vi phạm về ký kết hợp đồng lao động đối với 2 bảo mẫu trong lớp. Riêng về trường hợp bạo hành trẻ em, qua kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp phường không thấy các trẻ có vết thương. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho các cháu, trong ngày mai (28.11), phường sẽ cử cán bộ y tế phường phối hợp cán bộ trung tâm y tế quận tổ chức khám sức khỏe cho các cháu.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành cho biết, Lớp mầm non Mầm Xanh được phường cấp giấy phép từ năm 2014 nhưng chưa nhận được phản ánh nào từ người dân và các cơ quan chức năng báo có hành vi bạo hành trẻ em. Thay vào đó, phường chỉ nhận được thông tin này từ cơ quan truyền thông.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, lớp mẫu giáo này đang nuôi giữ 36 trẻ, chủ yếu là con của các công nhân làm việc trên địa bàn. Qua vụ việc này, phường cho biết sẽ tổ chức khẩn cấp cuộc họp với 53 lớp nhóm trẻ tư thục (lớp mẫu giáo) trên địa bàn để buộc các cơ sở phải cam kết không có bạo lực trong các lớp, tránh tình trạng tương tự xảy ra.
Trách nhiệm thuộc về phòng giáo dục quận
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, thực trạng bạo hành trẻ em được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và đến mức báo động. Theo luật sư, mặc dù Luật trẻ em hiện hành đã có những quy định thiết thực trong việc đề cao các vấn đề bảo vệ trẻ em, cũng như nhiều cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng chưa thực hiện hết trọng trách của mình. Các trường hợp khác và tương tự vẫn chưa được can thiệp kịp thời, chỉ khi truyền thông và dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc.
Luật sư Nguyễn Tri Đức.
Luật sư Nguyễn Tri Đức cho hay, cơ sở pháp lý để khởi tố các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em thường được cơ quan tố tụng căn cứ theo điều 104 Bộ luật hình sự (BLHS), truy tố hành vi bạo hành trẻ em theo tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác. Hiện nay, hành lang pháp lý của BLHS vẫn còn bỏ ngỏ, chưa nêu cụ thể chi tiết về hành vi bạo hành trẻ em.
“Theo luật định, hành vi bạo hành trẻ em chỉ bị khởi tố khi thỏa mãn các yếu tố theo quy định tại điều 104 BLHS. Ngược lại chỉ bị xử lý hành chính, đây là điều bất cập chưa được xử lý một cách triệt để, hành lang pháp lý xử lý các vụ bạo hành chưa đủ sức răn đe. Các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà làm luật cần bổ sung, kiện toàn về tội danh đích thực với hành vi bạo hành trẻ em với hình phạt thích đáng cụ thể cho mỗi trường hợp. Bởi lẽ, trên thực tế, việc bạo hành có thể chưa đến mức để lại thương tổn về thân thể cho các cháu nhưng không loại trừ để lại di chứng tổn thương về mặt tâm lý, hệ lụy suốt đời”, luật sư Đức nêu.
Riêng vụ bạo hành trẻ em tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, ông cho rằng, Phòng giáo dục Q.12 cần phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong vụ này. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cần phối hợp, giám sát, bảo vệ trẻ em một cách triệt để nhất, tránh để xảy ra các vụ tương tự.