PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng trả lời báo chí tại phiên khai mạc. (Ảnh: H.V)
Hội thảo quốc tế "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" lần thứ 9 được khai mạc tại TP.HCM sáng 27.11. Hội thảo sẽ kéo dài hết ngày 28.11 với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước.
"Cơn sốt vẫn còn âm ỉ vì gốc bệnh chưa được xử lý"
Phát biểu tại phiên khai mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng cũng cho biết, việc phán quyết của Toà trọng tài ngày 12.7.2017 không được tôn trọng, đe dọa tính toàn vẹn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển.
“Ở góc độ khu vực, mặc dù "nhiệt độ" có thể "hạ" trong chốc lát nhưng cơn sốt vẫn còn âm ỉ vì gốc bệnh vẫn chưa được xử lý. Nói cách khác, vẫn còn chưa có nhiều nỗ lực nhằm hướng đến giải quyết triệt để các yêu sách đối lập nhau, từ đó triệt tiêu các động lực chính dẫn đến sự phát triển phức tạp của tình hình”, ông Tùng phân tích.
"Thực tế đó cho thấy các hoạt động xây dựng lòng tin cần được thực hiện một cách liên tục và kiên trì", PGS Nguyễn Vũ Tùng khẳng định. |
Cũng theo ông Tùng, một nghịch lý là mặc dù có nhiều sáng kiến hợp tác nhưng kết quả thực chất lại hết sức hạn chế. Các bên, trước hết là các bên tranh chấp, bằng cách này hay cách khác đều bày tỏ mong muốn đối thoại và hợp tác nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho quản lý và giải quyết tranh chấp. Nhưng sự thiếu hụt lòng tin đã cản trở việc thực thi hiệu quả các sáng kiến này.
Cũng theo PGS Tùng, khi "lòng tin chiến lược" tiếp tục sa sút, nguy cơ "quân sự hoá Biển Đông" vẫn là điều đáng quan ngại nhất. Bởi hạ tầng trên các đảo nhân tạo trong trạng thái sẵn sàng để triển khai một lực lượng quân sự lớn có khả năng thay đổi cơ bản cán cân sức mạnh ở khu vực và trên các vùng biển lân cận cũng như tạo ra khả năng va chạm, thậm chí xung đột xuất phát từ các sự cố không mong muốn nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát và nằm trong tính toán nhầm và trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc dâng cao.
Thực tế là một phần lớn ngân sách của các quốc gia tiếp tục được đầu tư hiện đại hoá lực lượng vũ trang. Theo Viện Hoà Bình Stockhom, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất, lên đến 450 tỷ USD trong năm 2016, tương đương với mức tăng 4,6% so với năm 2015.
Do đó, PGS Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, những diễn biến trong năm qua và bức tranh tình hình có thể thấy là ngày càng phức tạp ở Biển Đông trong năm tới khiến chúng ta không thể yên tâm với những tiến bộ đã đạt được. Cần phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững hơn để ngăn chặn vấn đề Biển Đông trở nên trầm trọng, từ đó đe doạ "hệ sinh thái an ninh" của toàn khu vực.
Quang cảnh Hội thảo về Biển Đông sáng 27.11. (Ảnh: H.V)
"Vì vậy, chúng tôi hy vọng Hội thảo năm nay sẽ tiếp tục là diễn đàn để các học giả, những nhà nghiên cứu tâm huyết thảo luận sâu về tất cả các khía cạnh liên quan để giúp cộng đồng khu vực cũng như quốc tế hiểu rõ bản chất của tranh chấp Biển Đông, đồng thời làm sáng tỏ các thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt", PGS Nguyễn Vũ Tùng đề nghị.
Những chủ đề đặt ra tại Hội thảo như quan hệ giữa các cường quốc và trật tự dựa trên luật lệ, đánh giá cán cân sức mạnh, kiểm điểm các hoạt động trên biển, các vấn đề pháp lý sau phán quyết, phát triển bền vững và triển vọng của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông phản ánh nhu cầu cần giải mã và đánh giá chính xác những chuyển biến mới trong tình hình Biển Đông.
“Trên cơ sở đó, tôi mong muốn các chuyên gia đưa ra những kiến nghị tích cực và xác đáng để giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì mục tiêu cải thiện môi trường an ninh-phát triển chung, nhất là các đề xuất nhằm xây dựng, củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hoà bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông”, ông Tùng nói.
Khi Tòa quốc tế "rơi vào thế khó"
Cũng trong phiên khai mạc, Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn (nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển/ ITLOS) đã có bài phát biểu quan trọng về vai trò và đóng góp của Tòa án và Trọng tài trong các tranh chấp biển, về những thách thức của Tòa án Quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp biển.
Thẩm phán đánh giá "vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế không nên bị đánh giá thấp" bởi sự hình thành của các Tòa là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế và quản trị biển. Khi thực hiện những chức năng nhiệm vụ, Tòa án Quốc tế về Luật biển dần dần trở thành "một cơ quan về khoa học luật pháp, đóng góp vào sự phát triển tiến bộ của luật biển và quản trị biển quốc tế".
Theo Viện Hoà Bình Stockhom, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất, lên đến 450 tỷ USD trong năm 2016, tương đương với mức tăng 4,6% so với năm 2015. |
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các Tòa cũng thường "rơi vào thế khó" trước những thách thức khách quan và nội tại nảy sinh từ ba xu hướng quốc tế đang hình thành. Thứ nhất, các quốc gia hiện nay có xu hướng sử dụng các thủ tục tư pháp quốc tế cho mục đích chính trị và phán quyết chỉ được coi là một trong những công cụ nhằm đạt được kết quả thuận lợi cuối cùng bằng các biện pháp khác.
Thứ hai, ông cho rằng tồn tại nguy cơ các cơ quan tài phán quốc tế đôi khi không nhớ rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp.
Cuối cùng là thách thức nảy sinh từ sự tồn tại của nhiều cơ quan tài phán quốc tế, cụ thể là vấn đề thẩm quyền của Tòa ICJ đối với các tranh chấp nảy sinh theo Công ước trên cơ sở các bên chấp nhận thẩm quyền của ICJ theo Điều 36 khoản 2 của Quy chế tòa này, thay vì trên cơ sở lựa chọn thủ tục theo điều 287 của Công ước.
Do vậy, khả năng đóng góp của các cơ quan tài phán vào hoà bình và ổn định sẽ phụ thuộc vào lập trường của nhiều bên trong hệ thống giải quyết tranh chấp này.
Sau hai bài phát biểu mở đầu, Hội thảo bước vào phiên đầu tiên, đánh giá các diễn biến tại Biển Đông trong năm vừa qua.
Trải qua gần một thập kỷ, chuỗi hội thảo về Biển Đông tại Việt Nam đã tập trung phân tích, nhận định về các khía cạnh khác nhau của các vấn đề Biển Đông, từ lịch sử, an ninh, chính trị cho đến pháp lý, kinh tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống và đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị. Bất chấp những nỗ lực đó, Biển Đông vẫn là một trong những bài toán khó hiểu, khó lường đối với giới nghiên cứu, học giả quốc tế. |