4 nguyên nhân cơ bản
Một vụ bạo hành trẻ em vô cùng nghiêm trọng vừa được phát hiện tại TP.HCM. Theo đó, nhiều trẻ từ 3 đến 5 tuổi tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) bị chủ cơ sở và hai bảo mẫu tại đây bạo hành dã man.
Ngay lập tức, cơ sở mầm non này bị đình chỉ để cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc. Tại cơ quan điều tra, chủ cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh thừa nhận mình là người trong clip được phản ánh và có những hành vi bạo hành trẻ được clip ghi lại.
Các bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) đã có những hành vi bạo hành nghiêm trọng với các trẻ em được trông giữ tại cơ sở này. (Ảnh cắt từ clip)
Trước sự việc nghiêm trọng, dư luận đã bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu có một hình thức xử lý thật nghiêm khắc với những người đã có hành vi bạo hành trẻ em trên.
Trao đổi với Dân Việt sáng nay, 27.11, trung tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, bản thân ông không dám xem hết clip được phản ánh vì những gì xảy ra quá man rợ và quá sức tưởng tượng.
Theo quan điểm của trung tá Đào Trung Hiếu, ông rất chia sẻ với những áp lực của việc giữ, trông dạy trẻ của các giáo viên.
Tuy nhiên, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) khẳng định, làm nghề nào, nhất là nghề liên quan tới trẻ em, đòi hỏi phải có tâm với nghề, phải lường trước được những áp lực có thể xảy ra để đưa ra những tình huống xử lý đúng đắn. Nếu không chịu được áp lực, những bảo mẫu, giáo viên có thể rời bỏ khỏi nghề.
Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng các vụ bạo hành trẻ xảy ra liên tiếp mặc dù đã bị phản ánh, xử lý trong quá khứ.
“Thứ nhất là hành động diễn ra nhiều ngày không được phát hiện. Thứ hai chế tài xử lý của pháp luật không đủ sức răn đe. Thứ ba là ý thức pháp luật kém. Thứ tư là trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của những người làm công tác bảo mẫu kém” – ông Hiếu nói.
Theo vị trung tá, trước hàng loạt các áp lực của cuộc sống xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp, giá trị tinh thần đang bị đảo lộn. Qua nhiều sự việc bạo hành xảy ra với trẻ em, ông nhận thấy đa phần những người bạo hành trẻ em có độ tuổi rất trẻ, cách nghĩ của những lớp người mới thì các giá trị truyền thống có gì đó rất mong manh trong tâm trí họ.
“Ý thức chấp hành pháp luật rất kém. Nếu với một giáo viên tâm huyết, thì họ sẽ tìm những cách xử sự đúng đắn với trẻ chứ không thể dùng sức mạnh người lớn để dí trẻ xuống hay cầm dao đập vào mặt trẻ như trong clip phản ánh được.
Chấp nhận là nghề kiếm sống thì phải biết tự thích nghi với nó. Nghề này sẽ vất vả, đối mặt với tiếng trẻ khóc quấy, nghịch ngợm, nếu không đủ bản lĩnh thì đừng làm những công việc đó nữa” – ông Hiếu nêu quan điểm.
Hiến kế hạn chế việc bạo hành
Trung tá Đào Trung hiếu nhận định, việc vi phạm về bạo hành trẻ em có tính chất quả tang, không bắt được quả tang thì người vi phạm sẽ có hành vi chối bỏ sự việc. Khi họ chối bỏ sự việc thì chuyện bạo hành sẽ còn tiếp diễn, lại xuất hiện thêm các nạn nhân khác.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chủ cơ sở đã thừa nhận hành vi tại cơ quan điều tra.
Do đó, theo ông, với các cơ sở giáo dục tư thục đã có hiện tượng bạo hành, đánh đập trẻ thì cần phải có những hoạt động phát hiện mang tính quả tang để ngăn chặn, để minh bạch hóa hành vi, trên cơ sở đó việc xử lý hành vi mới có tác dụng. Lúc đó việc xử lý sẽ mang tính triệt phá.
Trung tá Hiếu đưa ra các biện pháp như sau:
Thứ nhất, về phía chính quyền, các cơ quan chức năng, các đơn vị này phải làm tròn trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, phía lực lượng công an cơ sở, phải làm tốt, đẩy mạnh các công tác nắm bắt tình hình, xây dựng các tai mắt xung quanh các cơ sở trông giữ trẻ để người dân chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện các cơ sở trông giữ có biểu hiện bất thường.
Khi lực lượng này tiếp nhận thông tin, phải lên phương án đấu tranh, tổ chức xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, không thể xuống nhắc nhở đơn thuần sẽ khiến sự việc không được giải quyết triệt để.
Thứ ba, về phía người dân, thông qua công tác giáo dục, thông tin tuyên truyền để mọi người hiểu được quyền của trẻ em. Chủ cơ sở cũng biết, giáo viên cũng hiểu biết rất sâu về quyền trẻ em, từ đó sẽ không dám vi phạm.
Người dân xung quanh các cơ sở trông giữ phải hiểu, biết được trẻ em là đối tượng bảo vệ đặc biệt, khi xảy ra vấn đề bạo hành thì nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng.
Thứ tư, đối với chính bố mẹ của phụ huynh học sinh, cần ý thức được quyền của con em mình. Thường xuyên kiểm soát, kiểm tra tình trạng sức khỏe, tinh thần của con để phát hiện kịp thời những bất thường xảy ra với con em mình.
Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học (Bộ công an) hiến kế hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em.
Vị chuyên gia Tội phạm học chia sẻ, các phụ huynh học sinh tại một cơ sở nên có sự liên lạc, kiểm tra với nhau để đảm bảo an toàn cho con em mình, tránh việc bị bạo hành mà bố mẹ không biết.
Trung tá Hiếu đưa ra ví dụ một phụ huynh phát hiện con có dấu hiệu bị đánh: “Lúc này hãy gọi cho một vài phụ huynh khác cùng lớp để hỏi về tình trạng con của họ. Khi 3, 4 trẻ đều xác định bị đánh như vậy thì xác định câu chuyện ở đây là một hiện tượng phổ biến ở cơ sở này rồi. Khi đã phát hiện ra sự việc, các vị phụ huynh hãy bình tĩnh, không nên rủ nhau tập thể tới cơ sở đó để chất vấn, mà lúc này hãy trình báo ngay với cơ quan pháp luật để các cơ quan có biện pháp nghiệp vụ xử lý vụ việc như xác minh làm rõ, hoặc có thể cung cấp thông tin cho báo chí để cơ quan này điều tra theo Luật Báo chí. Để phòng ngừa, một biện pháp hết sức hữu hiệu là tăng cường kiểm tra đột xuất thường xuyên đối với các cơ sở mầm non. Một biện pháp nữa là đoàn liên ngành lắp đặt các camera nối đường truyền trực tiếp tới công an sở tại để kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho camera hoạt động” – Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ. |