Người dân TP.HCM tố các doanh nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương lén xả thải ra kênh vào ban đêm và trời mưa. Tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận vấn đề này và đang cùng với TP.HCM bắt tay ngăn chặn, xử lý ô nhiễm trên kênh Ba Bò.
Lén xả thải khi trời mưa
Kênh Ba Bò (quận Thủ Đức, TP.HCM) chảy từ địa bàn Bình Dương ra hạ nguồn sông Sài Gòn tiếp nhận 3 nguồn thải lớn từ Bình Dương, gồm: Nước thải của Khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II và 6 khu dân cư. Dòng kênh này đang ô nhiễm trầm trọng vì có tình trạng xả thải lén của các doanh nghiệp.
Tiếp xúc với phóng viên NTNN, ông Huỳnh Thanh Long - một hộ dân có nhà dưới chân cầu Tỉnh lộ 43, khu phố 2 ( phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) sát bên dòng kênh cho biết, do lòng kênh được mở rộng, thông thoáng hơn nên hầu như ít xảy ra tình trạng ngập nước như trước. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm, mùi hôi từ con kênh vẫn thường xuyên phát tán.
Kênh Ba Bò đoạn chảy qua phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP.HCM) luôn trong tình trạng hôi thối nồng nặc. ảnh: Hồ Văn
“Hơn 10 năm nay cứ vào lúc chạng vạng tối hay trời bắt đầu mưa, nước dưới kênh lại chuyển màu, dòng nước lúc đen ngòm, lúc đỏ quạch, bọt trắng, bọt đen nổi đầy kênh… và hôi kinh khủng. Mùi hôi nồng nặc gây khó thở, cay xé mắt, nhà dân ở đây khi sinh hoạt cơm nước phải đóng cửa im ỉm suốt” - ông Long cho hay.
Một hộ dân ở khu phố 1, phường Bình Chiểu khi phóng viên hỏi thì bức xúc: “10 năm nay tôi trả lời phỏng vấn báo đài nhiều, cũng đã kiến nghị lên chính quyền thành phố mà thấy có thay đổi gì được đâu. Chúng tôi sống với mùi hôi hơn 10 năm nay rồi, không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ”. Ở khu vực này, người dân gọi cầu Tỉnh lộ 43 là cầu Hôi vì đi qua hôi kinh khủng.
Tại các phiên họp HĐND gần đây, ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm chống ngập nước TP.HCM - xác nhận những phản ánh của người dân là có thật. Tuy nhiên, ông Công cho biết buổi tối nước mới "rất đen và hôi", còn ban ngày thì "đỡ hơn". “Chúng tôi nghi vấn có việc xả lén nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào kênh” - ông Công cho hay. Trong khi đó, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, mùi hôi từ kênh Ba Bò là do nước thải từ 6 cụm dân cư trên địa bàn Bình Dương thải thẳng ra kênh chưa qua xử lý. Dự kiến cuối năm 2017 việc xử lý nguồn thải này mới hoàn thành và thuộc về trách nhiệm của Bình Dương.
Cùng “bắt tay” xử lý kênh Ba Bò
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, kết quả quan trắc chất lượng nước trên kênh Ba Bò 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy vẫn ô nhiễm nặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do nước thải của một số khu dân cư trên địa bàn huyện Thuận An và thị xã Dĩ An với lưu lượng 3.000 m3/ngày; nước thải của các cơ sở may mặc, bao bì, gốm mỹ nghệ nằm xen trong khu dân cư thuộc phường Tân Đông Hiệp và Dĩ An, thị xã Dĩ An với lưu lượng 500m3/ngày chưa xử lý xả thải vào kênh Ba Bò. Một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sóng Thần I và II lợi dụng trời mưa xả lén nước thải chưa qua xử lý ra kênh. Đồng thời, nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp Sóng Thần II có dấu hiệu quá tải (lúc cao điểm lưu lượng nước thải lên đến 11.808 m3/ngày, vượt tải 1,23 lần) và nước thải sau xử lý chưa đạt chuẩn tại một số thời điểm. |
Mới đây, TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã có buổi làm việc và ký kết tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò giai đoạn 2017 – 2018. Chính quyền hai địa phương cho rằng, nguy cơ tái ô nhiễm lại kênh Ba Bò là rất cao. Chính vì vậy, các bên cần có các giải pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng này thông qua những hành động cụ thể, từ cơ quan chức năng của TP.HCM và Bình Dương.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò rất cần sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Sau buổi làm việc này, hai địa phương sẽ phải thành lập 2 tổ công tác chuyên phục vụ việc xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò. Tổ công tác này sẽ do một phó giám đốc Sở TNMT phụ trách môi trường làm tổ trưởng, để tập trung theo dõi, thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phản ánh, đề xuất kiến nghị lãnh đạo hai địa phương giải quyết công việc phát sinh.
“Tôi rất mong muốn việc triển khai này được đồng bộ. Không chỉ đồng bộ về mặt kỹ thuật, mà còn đồng bộ về trách nhiệm từ nhà nước đến doanh nghiệp, người dân phải hợp tác thì chúng ta mới làm được. Nếu cứ xả thải bừa bãi thì sẽ rất khó cho chính quyền, dù có mong muốn thế nào thì cũng rất chậm” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Bình Dương phải thắt chặt hoạt động kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng vi phạm môi trường của những doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (KCN). Công ty Cấp thoát nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thu gom đấu nối nước thải của các hộ dân nằm trên lưu vực kênh Ba Bò về nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Dĩ An. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị Quân đoàn 4 rà soát kiểm tra và yêu cầu các cơ sở thuê mặt bằng phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Theo nội dung ký kết giữa TP.HCM và Bình Dương, phía Bình Dương sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ các nguồn ô nhiễm của KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II, đồng thời tăng cường giám sát hai KCN này và các cơ sở trong KCN; xử lý nghiêm những cơ sở có hành vi xả nước thải không đạt chuẩn môi trường ra kênh Ba Bò.
Ông Mai Hùng Dũng chỉ đạo tại buổi họp: “Chúng ta cũng đã biết ai đổ lén, ai xả thải lén thì cần phải kiểm tra thường xuyên, bắt tại trận và xử lý thật nghiêm. Chúng ta đã biết họ canh ban đêm, trời mưa để xả thải thì cứ canh thời điểm đó mà đi kiểm tra xử lý. Trước mắt phải tập trung hạn chế triệt tình trạng xả lén. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phối hợp với TP.HCM kịp thời xử lý tình trạng này”. /.