Dân Việt

5 điều không thể thiếu tạo nên trí tuệ phi thường của thần đồng

Huyền Anh (Theo Csmonitor) 27/11/2017 16:55 GMT+7
Tuy không có định nghĩa chính thức về "thần đồng" nhưng nhiều nhà tâm lý học cho rằng đó là những cá nhân dù độ tuổi còn nhỏ (dưới 10 tuổi) nhưng đã phát triển các kĩ năng ngang hàng với một chuyên gia. Vậy điều gì đã giúp một số người trở thành thiên tài?

1. Trí nhớ ngắn hạn           

Theo các nhà khoa học, trên thực tế, việc có chỉ số IQ cao không phải là điều kiện tiên quyết để trở thành thần đồng.

Từng có một nghiên cứu về sức mạnh của trí nhớ ngắn hạn và IQ trong học tập ở trẻ em đang phát triển qua một khoảng thời gian dài 6 năm. Trong nghiên cứu này, những học sinh phát triển bình thường được kiểm tra chỉ số IQ và trí nhớ ngắn hạn (về kiến thức học thuật trong đọc hiểu, đánh vần và làm toán) của họ lúc 5 tuổi và kiểm tra lại lần nữa khi họ 11 tuổi.

Các nhà khoa học nhận ra rằng sự thành công trong quá trình học tập của một đứa trẻ phụ thuộc vào trí nhớ ngắn hạn chúng tốt như thế nào, bất kể chỉ số IQ là bao nhiêu.

Trong nghiên cứu năm 1956 mang tên “Con số 7 huyền bí, cộng hay trừ 2”, nhà khoa học George Miller đã chỉ ra tại bất kỳ thời điểm nào, hầu hết người bình thường chỉ có thể nhớ được 7 thứ trong đầu, cộng hoặc trừ 2 con số do một ai đó đọc cho bạn mà không cần dùng bút và giấy hoặc máy tính. Những người thông minh được cho là có thể xử lý nhiều hơn. Đó là sự khác biệt về trí nhớ ngắn hạn của mỗi người.

img

Đam mê khám phá, trí nhớ siêu phàm cùng với quá trình nuôi dưỡng đảm bảo là một số yếu tố quan trọng để tạo nên một thiên tài.

2. Chú ý vào các chi tiết

Clara Schumann – một trong những nhà soạn và phê bình âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại nổi tiếng là người khắt khe, luôn để ý tới những điều nhỏ nhặt. Eugenie - con gái của Schumann từng tiết lộ rằng mẹ cô không bao giờ cho phép "những sai lầm dù là nhỏ nhất".

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi tìm hiểu và phân tích các tính cách có liên quan đến biểu hiện của tự kỷ ở những đứa trẻ thiên tài, họ đã phát hiện ra một đặc điểm rất lớn, đó là sự chú ý đến từng chi tiết.          

Trẻ nhỏ có thể ghi nhớ rằng chúng đã lấy món đồ chơi đó ở đâu và đặt trả về chỗ cũ. Nhưng những đứa trẻ có khả năng phi thường không bao giờ ngồi im cho đến khi chúng hiểu được vì sao những món đồ chơi đó cử động được.

Trẻ em có trí thông minh phát triển có thể tư duy nhiều chiều. Chúng có thể suy nghĩ tới tận bản chất sự việc và tìm ra cách giải quyết các vấn đề.

3. “Đam mê để làm chủ”

Trong cuốn sách "Những đứa trẻ thiên tài: Chuyện hoang đường và sự thật", nhà tâm lý học Ellen Winner đã sử dụng thuật ngữ "Đam mê để làm chủ" nhằm mô tả yếu tố tạo nên một đứa trẻ thần đồng. Ở đó, bà nói về một loại trạng thái tinh thần khiến người ta vui vẻ, say mê, đắm chìm trong công việc và thậm chí mất đi cảm giác về cái tôi của họ.

Giáo sư David Lubinski  - chuyên gia đánh giá năng khiếu và đồng thời là giáo sư tâm lý học của Đại học Vanderbilt (Tennessee) nhận định đam mê và động lực chính là "thuốc tăng lực" để những người có trí tuệ tốt trở thành thiên tài vì họ sẽ liên tục tìm kiếm những cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo và trí tuệ của mình.

4. Tính cách lập dị

Hầu hết những người xuất sắc nhất trong giới học thuật đều bị đánh giá là có phần lập dị, điều khiến họ khác biệt so với mọi người.

Ellen Winner lưu ý rằng 1 trong những đặc điểm nổi bật nhất các thần đồng nhỏ tuổi là "những người không theo chuẩn mực", thường tự tiếp cận vấn đề theo những cách riêng của mình. Họ không cần người khác đặt sẵn nhiệm vụ, động cơ, đưa ra lời khuyên hoặc cung cấp các phương tiện phục vụ quá trình khám phá, tìm hiểu mà hầu hết các học sinh khác đều cần.  “Thường thì những đứa trẻ này tự đặt các quy tắc của riêng mình và đưa ra những cách giải quyết vấn đề mới lạ, khác biệt”, Winner viết.

Tuy nhiên, hầu hết những đứa trẻ thiên tài đều cảm thấy bị cô lập xã hội bởi người ta thường nhầm lẫn những tài năng thiên phú của họ với bệnh tâm thần.

5. Nuôi dưỡng

Để trở thành một thần đồng violin, cái bạn cần không chỉ là trí nhớ, sự chi tiết hay cá tính khác biệt mà còn cần một người có thể cho bạn một cây đàn. Đó là câu ví von để thấy rằng mặc dù các thần đồng có khuynh hướng tự chủ nhưng họ vẫn cần sự hỗ trợ lớn từ các nhân tố khác như môi trường sống, đặc biệt là từ phía cha mẹ mình để có được cơ hội phát triển khả năng. Với các thần đồng, ảnh hưởng của cha mẹ thậm chí còn quan trọng hơn giáo viên.

Bí ẩn đằng sau những trí tuệ thần đồng

Không ít người luôn tự hỏi làm sao mà một đứa trẻ 10 tuổi lại có được những kỹ năng mà người bình thường sẽ...