Dân Việt

Tổng Bí thư sẽ tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội

Ngọc Lương 28/11/2017 13:09 GMT+7
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, sáng mai (29.11), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Đào Thanh Hải sẽ có buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 quận Ba Đình, Tây Hội (Hà Nội).

img

Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII ngày 12.10. (Ảnh: Đàm Duy)

Buổi tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (kỳ họp diễn ra từ ngày 23.10 đến 24.11). Trong kỳ họp này Quốc hội thông qua 6 luật, cho ý kiến vào 9 dự án luật. Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng; các nội dung này lần đầu tiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi và giám sát.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Tại cuộc họp này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và Quý I năm 2018.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo cuộc họp của Thường trực BCĐ T.Ư về Phòng, chống tham nhũng ngày 25.11. (Ảnh: Noichinh.vn)

Trong đó, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể các vụ án đó gồm: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC).

Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác.

Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) (Vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm).

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (Vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm).

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của Hội đồng xét xử)…