Vào tháng 4/2017, chiếc siêu xe Pagani Huayra độc nhất tại Việt Nam đã được đưa đến điểm đăng ký biển số ở TP.HCM bằng xe chuyên dụng từ garage của đại gia Minh "Nhựa" - chủ nhân chiếc xe. Sau đó, khi thủ tục dường như được hoàn tất, đích thân Minh "Nhựa" đã lái chiếc Huayra về lại garage riêng.
Tuy nhiên, đấy cũng là lần duy nhất mẫu siêu xe hàng hiếm này xuất hiện công khai cùng Minh "Nhựa". Đến nay, chiếc Huayra đã được chủ nhân của mình rao bán với giá được cho là khoảng 5 triệu USD (tương đương 114 tỷ đồng). Có vẻ như Minh "Nhựa" đã quá chán nản khi không thể sử dụng siêu xe trên đường phố vì việc đăng ký biển số không thành.
Chiếc Pagani Huayra của Minh "Nhựa" được nhập về Việt Nam và thông quan từ tháng 9/2016, tiêu tốn của vị đại gia này khoảng 80 tỷ đồng. Do được sản xuất giới hạn chỉ 100 chiếc trên toàn cầu nên giá trị gốc của xe cũng khá cao, dao động từ 1,9-2,3 triệu USD (43-52 tỷ đồng).
Pagani Huayra là siêu xe được chế tác thủ công hoàn toàn, thân xe ép bằng sợi carbon nguyên khối. Chiếc xe này được coi là kiệt tác về kỹ thuật chế tác sợi carbon. Có 15 loại carbon khác nhau được sử dụng trên xe với giá 500 USD trên mỗi feet vuông (30x30 cm).
Pagani Huayra sử dụng động cơ V12, 6.0 lít, tăng áp kép của Mercedes-AMG, tương tự cỗ máy sử dụng trên Mercedes S65 AMG nhưng nhẹ hơn. Động cơ sản sinh 730 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.100 Nm. Thời gian tăng tốc 0-100 km/h trong 2,8 giây, tốc độ tối đa có thể đạt 383 km/h.
Hệ thống ống xả titan được chế tạo bởi hãng MHG – Fahrzeugtechnik. Cổ pô được thiết kế nhằm giảm áp lực ngược trở lại buồng đốt để tăng công suất động cơ. Chất liệu titanium giúp giảm trọng lượng ống xả và chịu được nhiệt độ cao. Toàn hệ thống ống xả trên Pagani Huayra chỉ nặng 10 kg.
Mọi chi tiết trên Huayra đều đắt giá. Mỗi bu-lông titan gắn trên hệ thống treo phía sau trị giá 98 USD, tổng số chi tiết chế tác thủ công bằng titan trên xe trị giá 37.000 USD. Tất cả chi tiết này đều được khắc logo Pagani bằng laser.
Những cánh tà phía mũi và cánh gió phía sau sẽ trở thành phanh khí tương tự như cánh máy bay phản lực, đồng thời tăng lực ép giữ chặt xe không bị “cất cánh” khỏi mặt đường. Hệ thống cánh tà được điều khiển tự động bằng máy tính nhờ các dữ liệu thu thập được như hệ số trượt, tăng tốc, góc lái và vị trí bướm ga…
Ảnh: An Thịnh (TN)