Dân Việt

Siêu thị có rất nhiều "quyền", có liên kết nông dân vẫn bị thiệt

Chánh Trung 29/11/2017 14:43 GMT+7
Trong buổi làm việc giữa Saigon Co.op và đoàn giám sát của Hội Nông dân TP.HCM cuối tuần trước, ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng Giám đốc Saigon Co.op (công ty mẹ hệ thống siêu thị Co.opmart) cho biết, các HTX, nông dân cung cấp nông sản cho hệ thống siêu thị Co.opmart hầu hết đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP mà siêu thị đặt ra.

Tuy nhiên, một số nông dân vẫn còn vô ý hay cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt vượt mức cho phép. Khi tiến hành kiểm tra nhanh ngay tại đồng ruộng, nhân viên siêu thị Co.opmart tiến hành lập biên bản và loại nông dân đó khỏi danh sách cung ứng. Điều đó khiến nguồn cung cho siêu thị bị thiếu hụt.

img

Sản phẩm rau muống của các HTX vào siêu thị Co.opmart vẫn còn nhiều “vướng mắc” với siêu thị. Ảnh: C.T

“Hiện nay, khách hàng và siêu thị Co.opmart đang có nhu cầu sản phẩm rau muống hạt nhưng không hiểu tại sao, nông dân huyện Hóc Môn lại chỉ phát triển rau muống nước. Cần phải xem lại vấn đề này”- ông Nhân thông tin.

Trao đổi lại với ông Nhân, đại diện HTX Mai Hoa (huyện Hóc Môn) cho biết, chênh lệch dinh dưỡng giữa hai loại rau muống nước và hạt là không lớn. Nếu nói khách hàng chọn rau muống hạt là một nhận định chưa chính xác. Các bà nội trợ vẫn ưa chuộng rau muống nước. Trong các phiên chợ do Sở NNPTNT tổ chức, rau muống nước bán chạy hơn. Ngoài ra, Hóc Môn phát triển rau muống nước là do phụ thuộc vào địa lý, đa phần là ruộng ngập nước.

“Tôi đã từng chiêu đãi ông Nhân “rau muống 7 món” để biết tại sao bà nội trợ vẫn thích rau muống nước” - vị đại diện này nhắc lại.

Đánh giá sau buổi làm việc, ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho rằng giữa siêu thị và HTX, nông dân còn nhiều vấn đề chưa đồng thuận mà đa số đều gây thiệt hại cho nông dân. Chẳng hạn việc kiểm tra nhanh của Co.opmart thường ít có sự chứng kiến của nông dân. Khi siêu thị cho rằng có dư lượng bảo vệ thực vật và không nhập hàng, người nông dân không có cơ hội để khiếu nại, kiểm tra lại. Và như thế nông dân bị mất trắng nguồn thu nhập.

Hợp đồng cung – cầu còn nhiều vấn đề pháp lý yếu kém. Chủ yếu người nông dân chịu thiệt hại vì chỉ có nghĩa vụ thực hiện những yêu cầu siêu thị đưa ra. Siêu thị có rất nhiều quyền, thậm chí có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu nghi vấn hoặc kiểm tra nhanh sản phẩm của nông dân chưa đạt chuẩn.

“Lúc này, nông dân bơ vơ, không biết phải làm thế nào. Tôi cho rằng cần giải quyết ngay những vấn đề này, người nông dân phải được tạo quyền ngang bằng với các siêu thị và cần có cơ quan quản lý, trung gian đứng ra phân xử giữa nông dân và siêu thị” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng chỉ có lợi ích mới khiến nông dân và siêu thị đạt được sự đồng thuận cao hơn.