Dân Việt

Thấy trẻ bị bạo hành, quay clip mà không can thiệp có vi phạm pháp luật?

Đình Việt 30/11/2017 09:30 GMT+7
Luật sư cho rằng, khi phát hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là bạo hành trẻ em mà người quay clip không can thiệp, tố giác thì có thể sẽ bị truy cứu hình sự. Còn đối với phóng viên, nhà báo được ghi hình nhưng phải tuân thủ Luật báo chí.

Ranh giới vi phạm 

Thời gian gần đây, tại các địa phương liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em. Mới đây nhất là sự việc xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, Q.12, TP. HCM). Theo clip được ghi lại, các cháu liên tục bị các cô giáo tại đây bạo hành.

Trước đó một tháng tại Hà Nội, dư luận cũng phẫn nộ khi một nữ giáo viên mầm non liên tục hành hạ con chồng đến tím tái phải nhập viện. Những sự việc trên được dư biết đến khi trên mạng xã hội xuất hiện những clip liên quan. Những người liên quan trực tiếp đã và đang được pháp luật xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, sau những vụ việc này có câu hỏi được đặt ra: khi phát hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là bạo hành trẻ em mà người quay clip không can thiệp, tố giác ngay để hành vi phạm tội tiếp tục diễn ra, nguy hại đến sức khỏe trẻ em, liệu người quay clip có vi phạm luật?

img

Các vụ bạo hành trẻ được biết đến khi trên mạng xã hội xuất hiện các clip liên quan. Ảnh: IT.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: 

Trong những vụ việc này, cần xem xét và tìm hiểu thật rõ lý do vì sao người chứng kiến hành vi phạm tội đang diễn ra lại chọn cách quay clip, để hành vi phạm tội tiếp tục diễn ra mà không nhanh chóng ngăn cản, trình báo công an.

Bởi cần căn cứ bối cảnh diễn ra vụ việc, tính chất nghiêm trọng của vụ việc mới có thể kết luận hành vi trên có vi phạm pháp luật hay không, mức độ vi phạm và xử lý vi phạm tới đâu. 

Trường hợp người quay clip không có khả năng và điều kiện để can thiệp, ngăn cản hành vi phạm tội và sau đó sử dụng video này để làm bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội thì người này không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu người quay clip có khả năng ngăn chặn, cứu giúp nạn nhân nhưng không có hành động phù hợp, và để hậu quả nghiêm trọng xảy ra, gây chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự thì trường hợp người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến năm năm.

Như vậy, nếu người quay clip chứng kiến hành vi bạo hành trẻ em đang diễn ra, gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ và có khả năng can thiệp, giải cứu nạn nhân nhưng không cứu giúp thì có thể bị truy cứu hình sự theo quy định trên. Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm hình sự của người này thì cần rất thận trọng xem xét nhiều yếu tố cần thiết.

Trước hết hành vi này phải là cố ý không cứu người. Theo quy định trên, cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện cứu mà không cứu dẫn đến người đó bị chết.

Ở đây cũng cần lưu ý "có điều kiện cứu" không chỉ là có khả năng mà phải là có điều kiện hoàn toàn có thể cứu người được. Thêm vào đó, chỉ khi xảy ra hậu quả chết người và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì "người có điều kiện mà không cứu giúp" đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, về mục đích quay clip, nếu người thực hiện quay clip là nhằm phát tán trên mạng để câu like, câu view, gây kích động dư luận hoặc sử dụng cho mục đích vụ lợi như tống tiền, uy hiếp người có hành vi phạm tội trong clip... thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ hành vi vi phạm.

Cũng cần lưu ý thêm, người có clip phản ánh hành vi phạm tội cần nhanh chóng gửi tới cơ quan có thẩm quyền để cơ quan chức năng điều tra vào cuộc xử lý vụ việc, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Phóng viên, nhà báo được ghi hình

Đối với câu hỏi liên quan đến tác nghiệp của phóng viên, nhà báo trong các vụ việc tương tự, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 25 Luật báo chí năm 2016, nhà báo có quyền “được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”. Không có quy định yêu cầu nhà báo phải báo cáo với cơ quan chức năng trước khi thực hiện quay clip phục vụ hoạt động báo chí.

img

Luật sư Trương Quốc Hòe.

Tuy nhiên việc quay clip phải đảm bảo tuân thủ các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9 Luật báo chí năm 2016), những điều không được thông tin trên báo chí (Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999) và thực hiện đúng nghĩa vụ của nhà báo (khoản 3, Điều 25 Luật báo chí năm 2016).

Như vậy, phóng viên, nhà báo có quyền tự do ghi hình tác nghiệp mà không cần báo cáo với cơ quan chức năng tuy nhiên phải lưu ý tuân thủ đúng các quy định về những trường hợp không được phép thông tin báo chí như bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; đảm bảo thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của nhà báo và đạo đức nghề nghiệp.