Theo báo cáo, hàng trăm phụ nữ tại Hà Lan đã thề trung thành với hệ tư tưởng thánh chiến. Trong số này nhiều người đã tới Syria và Iraq kể từ năm 2012. Hầu hết họ đều gia nhập tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và nhóm nhỏ hơn thuộc nhóm chiến binh Haqat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh của al-Qaeda tại Syria.
AIVD nhấn mạnh “chưa bao giờ có số lượng lớn phụ nữ Hà Lan tham gia vào chiến trường thánh chiến như vậy”, đồng thời lưu ý với việc số lượng các tay súng ngày càng giảm, IS đang tìm kiếm các cơ hội mới. Thời gian gần đây, chúng thậm chí còn cho phép phụ nữ đóng vai trò tích cực và bạo lực hơn. Nếu tình hình này tiếp diễn, các phụ nữ thánh chiến ở các khu vực xung đột và tại Hà Lan có thể gây ra mối đe dọa bạo lực lớn hơn.
Cảnh báo này đi kèm thông tin cho thấy trong vòng 2 năm qua, một lượng lớn phụ nữ thánh chiến tại châu Âu âm mưu tiến hành một cuộc tấn công khủng bố.
AIVD cũng cảnh báo mối đe dọa mà phụ nữ thánh chiến gây ra đối với Hà Lan thông qua việc chiêu mộ những thành viên khác, in ấn và phát tán tờ rơi tuyên truyền khủng bố, cũng như quyên tiền cho cuộc chiến của các phần tử thánh chiến. Chưa dừng lại tại đó, những người này còn tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến cho con cái. AIVD nhấn mạnh các phụ nữ mới trở về hoặc sắp trở về từ các khu vực xung đột hoàn toàn khác với những người trở về trước năm 2017.
Những người này đã tiếp xúc với bạo lực trong thời gian dài hơn và xây dựng một mạng lưới thánh chiến quốc tế khi đã ở Syria hoặc Iraq trung bình 3 năm. Một số lượng đáng kể có thể sẽ duy trì hệ tư tưởng thánh chiến và các mối liên lạc sau khi trở về Hà Lan.
Một cơ sở huấn luyện các nữ chiến binh chuyên làm nhiệm vụ khủng bố. Ảnh: Nanjappa.
Theo nhà nghiên cứu về vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới Lies Marcoes, sự xuất hiện của phụ nữ trong các tổ chức tôn giáo không phải là điều mới mẻ. Tuy vậy, bà nhận thấy sự thay đổi về vai trò và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong hoạt động của các tổ chức cực đoan rất đáng quan ngại. Xét theo truyền thống, vai trò người phụ nữ Hồi giáo trong tổ chức cực đoan chỉ giới hạn trong việc sinh đẻ và chăm sóc con, đặc biệt là con trai để chúng trở thành những chiến binh khi trưởng thành.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây nhất do tổ chức Rumah Kita Bersama thực hiện và phỏng vấn trên 20 phụ nữ đã hoặc đang tham gia các nhóm tôn giáo cực đoan, kết quả cho thấy thế hệ phụ nữ mới đang tham gia "thánh chiến" đều có tính cách độc lập, mạnh mẽ và có nền tảng giáo dục tốt. Chính vì được giáo dục tốt, những phụ nữ này ý thức cao về nữ quyền và muốn phá vỡ các định kiến giới tính trong xã hội người Hồi giáo nói chung cũng như các tổ chức cực đoan nói riêng.
Theo bà Marcoes, để thực hiện quyền bình đẳng của mình, những phụ nữ trên thể hiện sự “dũng cảm” giống y như đàn ông qua những hành động cướp ngân hàng, chế tạo bom hay khủng bố bằng bom.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách về xung đột (IPAC, trụ sở tại Indonesia), mạng xã hội đã giúp gia tăng số lượng cũng như tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong tổ chức cực đoan. Nghiên cứu của IPAC chỉ ra rằng truyền thông xã hội và các ứng dụng trò chuyện trên mạng ngày càng thu hút những phụ nữ có trình độ hay phụ nữ đang làm giúp việc tại nước ngoài gia nhập IS.
Dian Yulia, người suýt trở thành phụ nữ Indonesia đánh bom tự sát đầu tiên thực chất làm nghề giúp việc tại Đài Loan. Thông qua Facebook, cô kết nối và trở nên thân thiết hơn với người đứng đầu việc tuyển thành viên cho IS tại Indonesia, Bahrun Naim.
Tương tự, cô gái 22 tuổi Syaikhah Izzah Al Ansari là người Singapore đầu tiên bị bắt giam do những tuyên bố cực đoan về tôn giáo của cô trên mạng xã hội. Không chỉ thể hiện triết lý sống và niềm tin cực đoan, Izzah còn bày tỏ nguyện vọng được kết hôn với một chiến binh IS.
Viễn tưởng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc chính là "cần câu" mà IS dùng để thu hút những cô gái trẻ đến với tổ chức thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, hình ảnh cuộc sống tốt đẹp trên hoàn toàn không có thật. Theo Leefa và Nur, 2 trong 8 phụ nữ Indonesia trở về nước sau khi gia nhập IS, cho biết họ đã được người đại diện của tổ chức này hứa hẹn qua Internet về việc hoàn tiền di chuyển, chăm sóc sức khỏe miễn phí và đảm bảo công việc.
Là một người đấu tranh nữ quyền, Marcoes cho biết bà vô cùng lo lắng trước tình hình hiện nay khi nhiều chính phủ không có biện pháp gì để đối phó với việc ngày càng nhiều phụ nữ gia nhập IS. Theo bà, những người có trách nhiệm vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của phụ nữ trong chuyện này.
Nữ thánh chiến gây hậu quả không kém gì nam giới
Nhà phân tích chủ nghĩa khủng bố Sidney Jones cũng đồng quan điểm. South China Morning Post dẫn lời bà Jones rằng, những vụ tấn công lớn đang được các tổ chức Hồi giáo cực đoan giao cho phụ nữ thực hiện. Vì vậy, việc xem nhẹ vai trò của phụ nữ trong các tổ chức sẽ để lại hậu quả vô cùng thảm khốc.
Sau những thất bại nhanh chóng ở Iraq và Syria, IS có vẻ coi trọng việc tuyên truyền nhằm lôi kéo những người phụ nữ vào hoạt động thánh chiến. Hành động thánh chiến của họ phụ thuộc vào tính chất của nhóm chiến binh mà họ tham gia. Một nhóm có xu hướng thế tục sẽ không quan niệm cần phải phân biệt giới và vai trò của phụ nữ như trong nhóm tôn giáo, và như vậy người phụ nữ sẽ dễ dàng thực hiện vai trò chiến đấu hoặc xuất hiện ở tuyến đầu của chiến tuyến. Việc các nhóm tôn giáo sử dụng phụ nữ để đánh bom liều chết giờ đây còn mang những ý đồ chiến lược.
Năm 2014, IS đã tuyên bố thành lập hai lữ đoàn binh lính nữ, gồm "Al-Khansa" và "Umm al-Rayan", hoạt động trước tiên tại Raqqa (Syria) và tại tỉnh Al-Anbar của Iraq. Những lữ đoàn này dường như được thành lập trước hết nhằm bổ sung các chức năng cảnh sát mà nam giới không thể đảm nhiệm vì lý do phân biệt giới tính trong một số lĩnh vực.
Mỗi lữ đoàn có khoảng từ 50 - 100 phụ nữ, mỗi người được lĩnh khoảng 200 USD/tháng. Sau đó, con số này đã gia tăng do sự phát triển lực lượng tương đối nhanh cùng với việc tuyển mộ liên tục. Điều mới là nhiều phụ nữ phương Tây quyết tâm tham gia thánh chiến và sẵn sàng tới Iraq và Syria.
Một đơn vị người Kurd toàn nữ. Ảnh: thecryptosphere.com.
Tại Iraq, các nguồn tin cho biết có khoảng 10% đối tượng rời châu Âu, Mỹ và Australia để gia nhập hàng ngũ thánh chiến là phụ nữ và những cô gái trẻ, trong đó có khoảng 50 phụ nữ Pháp. Đa số những phụ nữ này là người Anh, và họ thường được coi là những người bị thuyết phục nhiều nhất bởi lý tưởng thánh chiến. Học viện Đối thoại chiến lược (ISD), cơ quan nghiên cứu chung của Anh, Pháp và Đức, mới đây cho biết có 550 phụ nữ có nguồn gốc từ các nước phương Tây tham gia thánh chiến.
Quyền lợi của những phụ nữ nước ngoài có lẽ được gắn với những điều kiện khi tham gia các lữ đoàn nêu trên, trong đó có yếu tố độc thân, chưa chồng - một tình trạng hôn nhân không mang tính phổ biến và không phải là đa số đối với người phụ nữ trong IS.
Vì sao hiện nay sự thu hút phụ nữ tham gia thánh chiến trở nên mạnh hơn? Phụ nữ Arab và phương Tây có chung động cơ tham gia thánh chiến hay không? Thánh chiến ở Syria và Iraq là một hiện tượng mang tính toàn cầu, nó thu hút các đối tượng từ khắp nơi. Kể từ khi phát triển lực lượng nhanh chóng ở Iraq và Syria, IS có vẻ coi trọng việc tuyên truyền nhằm lôi kéo những người phụ nữ vào hoạt động thánh chiến.
Vậy những phụ nữ này là ai? Họ có vai trò gì? Động cơ nào đã thúc đẩy họ tham gia thánh chiến? Đó là việc giải mã một hiện tượng có ảnh hưởng vượt ra ngoài thế giới Arab.
Các mạng xã hội cũng có tác động mạnh mẽ giống như một cơ cấu khởi động và tăng tốc trong guồng máy tuyển mộ cả đàn ông và phụ nữ. Người ta không thể dựng lên một chân dung duy nhất của người phụ nữ thánh chiến. Một số bị thu hút bởi những hình ảnh chiến đấu mà họ xem trên các mạng xã hội và sa vào một triết lý về sứ mệnh nhân đạo.
Đa số các trường hợp này là những cô gái trẻ ngây thơ và dễ bị tác động. Một số phụ nữ khác cũng bị lôi cuốn do có cách nhìn đôi chút lãng mạn về tranh đấu và hành động hôn phối vì thánh chiến. Những đối tượng này thường bị quyến rũ bởi hình tượng một chiến binh oai hùng hoặc hình ảnh quyền uy của một thủ lĩnh tôn giáo được đăng tải trên các mạng xã hội.
Ngoài ra, còn có những phụ nữ đi tìm kiếm một bản sắc mà không có phương hướng. Đó thường là những phụ nữ phương Tây, bị lôi cuốn bởi hình ảnh cuộc chiến hoàn toàn bị xuyên tạc. Báo chí đã đề cập những trường hợp của nhiều cô gái trẻ, một khi tới thực địa, đã phát hiện thực tế khác xa với điều họ tưởng tượng và cảm thấy đã bị mắc bẫy.
Một số thiếu nữ đang trong thời kỳ tâm lý nổi loạn cũng tham gia các nhóm thánh chiến để chống đối sự áp đặt của bố mẹ, hoặc vì sở thích trải nghiệm mạo hiểm. Một số ít phụ nữ khác tham gia các nhóm thánh chiến bởi niềm tin cực đoan, nhìn chung họ có độ tuổi cao hơn.
Theo báo cáo của ISD, những lý do thôi thúc phụ nữ phương Tây đi tới quyết định đến mảnh đất thánh chiến (động cơ hành động giống như của đàn ông) gồm: tình cảm nảy sinh khi nhận thấy cộng đồng tín đồ Hồi giáo bị tấn công; họ cảm thấy phải làm một điều gì đó để thể hiện bổn phận đối với lý tưởng tôn giáo; tìm kiếm tình đồng đội và tự nguyện đi tìm lẽ sống. Đối với số đối tượng nữ này, việc thành lập "Nhà nước Hồi giáo" (Khalifah) là một sứ mệnh đặc biệt cấp thiết.
Công cụ thánh chiến
Không thể coi sự tham gia của phụ nữ vào thánh chiến là một yếu tố thể hiện bình đẳng giới. Các nhóm thánh chiến nêu trên chỉ có sự phân biệt đối xử với người phụ nữ và phụ nữ sẽ không bao giờ có vị trí quan trọng trong hệ thống chỉ huy. Phụ nữ chỉ bị coi là một công cụ. Các nhóm thánh chiến tìm cách lạm dụng chiến thuật phụ nữ thánh chiến. Hình ảnh người phụ nữ thực hiện những hành động tấn công tự sát tạo ra ấn tượng sốc, sự phản đối và không thể thông cảm.
Việc IS vũ trang cho các nữ binh, lập nên những lữ đoàn toàn phụ nữ chỉ ra rằng cách tiếp cận phụ nữ của IS đã nghiêng về các tính toán quân sự nhiều hơn là ý thức hệ bảo thủ. IS đã thành công trong việc thu hút phụ nữ tham gia lực lượng và sử dụng phụ nữ để theo đuổi mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo riêng biệt.
Lý do nào khiến IS chọn phụ nữ? Để đàn áp được người dân, IS hiểu rằng chúng cần đạt được mức độ ủng hộ rộng rãi và phụ nữ đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược đó. Các nữ binh có thể giúp tổ IS kiểm soát dân thường ở những tình huống mà đàn ông không thể. Những nữ chiến binh có khả năng tiếp cận phụ nữ thường dễ dàng hơn nhằm lôi kéo họ gia nhập lực lượng.
Giáo sư Nimmi Gowrinathan - chuyên gia Liên Hiệp Quốc nghiên cứu về sự tham gia của nữ giới trong các xung đột và phong trào nổi dậy - nhận định bất cứ phong trào nổi loạn thành công nào cũng cần tới sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai giới, chứ không chỉ từ đàn ông. Cách IS “dụng” phụ nữ khác biệt so với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Chúng kịch liệt ngăn cản phụ nữ tham gia chiến đấu và chỉ cho phép họ khuyến khích nam giới trong gia đình đi chiến đấu.
Tại sao phụ nữ vẫn tự tìm đến IS? Tại sao một số phụ nữ vẫn tự tìm đến IS - một nhóm khủng bố nổi tiếng tàn độc, thậm chí còn cưỡng hiếp và rao bán phụ nữ làm nô lệ? Qua một số phân tích, nguyên nhân quan trọng nhất khiến phụ nữ gia nhập IS cũng giống với đàn ông là muốn tìm kiếm sự phiêu lưu cũng như cảm giác “tử vì đạo” rằng mình đang chiến đấu để bảo vệ cộng đồng...
Tiến sĩ Erin Saltman, nhà nghiên cứu về các quá trình cực đoan chính trị, ước tính cứ 10 tân binh nước ngoài của IS thì có 1 người là phụ nữ. Bà Erin cho rằng có ba lý do chính giúp nhóm thánh chiến IS thu hút được phụ nữ phương Tây. Thứ nhất, trong suy nghĩ của nhiều phụ nữ, đứng trong hàng ngũ phiến quân IS như thể một "cuộc phiêu lưu thú vị tới một xã hội Hồi giáo không tưởng” chứ không chỉ là một nghĩa vụ tôn giáo. Lý do thứ hai là tinh thần nhân đạo, đoàn kết tôn giáo. Và cuối cùng là yếu tố “lãng mạn” đánh thẳng vào tâm lý phụ nữ.
Bị tác động tâm lý. Có nhiều trường hợp khác nhau trong số những phụ nữ Arab. Một số gia nhập các tổ chức thánh chiến sau khi bị mất người thân, họ theo đuổi việc báo thù. Một số khác cho rằng phụ nữ cũng có thể thực hiện vai trò như những chiến binh nam giới.
Người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong những xã hội gia trưởng sẽ có xu hướng thể hiện vai trò này bằng việc tham gia chiếu đấu. Họ sẽ bị chủ nghĩa cực đoan lôi kéo khi họ không còn gia đình và có nhu cầu được bảo vệ. Ngoài ra cũng có một số trường hợp tham gia thánh chiến với niềm tin cực đoan.