Dân Việt

CIA bí mật dụ các nhà khoa học hạt nhân Iran như thế nào? (Phần 2)

Nguyên Khang 01/12/2017 12:30 GMT+7
Sĩ quan CIA được giao nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu phải đóng giả là sinh viên nghiên cứu khoa học, một nhà tư vấn kỹ thuật hoặc có khi chỉ là một nhân viên trông coi gian triển lãm. Việc đầu tiên là anh ta phải “bóc tách” đội ngũ “bảo vệ” khỏi nhà khoa học (chẳng hạn như đầu bếp hội nghị do CIA cài người sẽ đầu độc cho những người Iran này tạm thời phải rời xa nhà khoa học do bị tiêu chảy, ói mửa...).

Một điệp viên săn đón một vị giáo sư thường bắt đầu với một tình huống tình cờ gặp nhau, hay chạm mặt ngẫu nhiên tại một hội nghị khoa học. Daniel Golden, tác giả quyển sách chuyên đề về tình báo dụ dỗ các nhà khoa học nhan đề “Spy School: How the CIA, FBI, and Foreign Intelligence Secretly Exploit Americas Universities” (sẽ xuất bản vào đầu tháng 11 sắp tới), kể một điển hình sử dụng chiêu dụ dỗ này của một cựu điệp viên CIA mà ông gọi bằng bí danh “R”.

“Tôi đã dụ được cả tấn người (từ của nhân vật - NV) tại các hội nghị. Tôi giỏi về việc này, nên chẳng có gì khó khăn cả” – R chia sẻ. Trong khoảng thời gian trước khi thi hành nhiệm vụ mới, R thường tranh thủ rà soát danh mục các hội nghị sắp diễn ra, chọn một hội nghị và xác định một nhà khoa học mà ông ta từng có dịp làm quen, trò chuyện ít nhất 2 lần, và người này có khả năng tham dự hội nghị.

Sau đó, R sẽ phân công cho các thực tập sinh tại CIA và NSA tiến hành xây dựng hồ sơ về nhà khoa học mục tiêu, bao gồm các thông tin như đi học đại học ở đâu, giảng viên là ai,... Sau đó, ông ta sẽ gửi thư về Tổng hành dinh xin kinh phí đi lại.

Kế tiếp, R bắt tay vào xây dựng vỏ bọc cho mình để tiếp cận mục tiêu – thường giả danh là một doanh nhân. Ông ta sáng tạo ra một cái tên công ty, xây dựng một website cho công ty này và in danh thiếp; tự tạo ra các hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền điện thoại và tạo thông tin thẻ tín dụng cho cái công ty ma đó. Còn về tên của mình, R chọn 1 trong 7 bí danh ông ta hay dùng trong công việc.

img

Sumit Ganguly, một nhà khoa học từng tham gia các hội nghị trá hình theo yêu cầu của CIA.

Bản thân R chẳng phải là nhà khoa học gì cả. Ông ta chẳng thể tham gia ý kiến gì đối với các giả thuyết khoa học. Thay vì thế, R biết rõ các nhà khoa học thường là những người kém giao tiếp, e ngại việc xã giao ở đám đông. Vì thế ông ta đóng vai một người chạy vòng quanh hội nghị, tiếp cận mục tiêu khi có cơ hội, đó là lúc mục tiêu đang đứng lẻ loi ở ngoài rìa khu vực hội nghị. R sà đến bên mục tiêu và buông một câu bâng quơ - “Ông cũng ghét đám đông như tôi à?” - rồi bỏ đi.

Cuộc chạm trán chỉ lướt qua, nhưng “bạn đã ghi hình ảnh của mình vào trí nhớ của họ” – R chia sẻ kinh nghiệm. Cuộc chạm trán không được để cho người khác chú ý, nó không được diễn ra trước mặt nhiều người, vì trong số những người đó biết đâu có người đi theo để canh chừng nhà khoa học, khi đó họ sẽ cảnh giác khiến nhà khoa học không còn nhiệt tình tiếp chuyện nữa.

Trong suốt thời gian còn lại của hội nghị, R “chạy tới chạy lui như điên”, tìm cách chạm trán nhà khoa học ban nãy bất cứ khi nào có cơ hội. Mỗi lần chạm trán như thế, R khéo léo tạo cảm tình nơi nhà khoa học, chẳng hạn như buông lời khen nịnh nhà khoa học một cách khéo léo để họ tự cảm thấy mình được tâng bốc.

Sau một, hai ngày, R sẽ mời nhà khoa học đi ăn trưa hoặc ăn tối và đưa ra lời mời: công ty của ông ta đang quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn của nhà khoa học, và muốn nhà khoa học hỗ trợ cho công việc của công ty. “Mọi nhà khoa học tôi gặp đều nói ngay vào chuyện làm thế nào để tìm nguồn tài trợ cho nghiên cứu của mình” – R kể.

Họ sẽ đồng ý với một mức tài trợ nhất định cho dự án nghiên cứu, tùy theo quốc gia, thường là khoảng 1.000 USD đến 5.000 USD cho Pakistan, còn Triều Tiên thì nhiều hơn. Một khi CIA đã móc hầu bao chi cho các nhà khoa học là cơ quan này bắt đầu kiểm soát họ.

Điện viên chạm mặt điệp viên!

Các hội nghị khoa học có sức hút đối với nhiều cơ quan tình báo khác nhau chứ không riêng gì CIA. Vì thế điều cơ quan tình báo này lo nhất chính là việc điệp viên của các cơ quan tình báo cũng của Mỹ cùng săn đón một nhà khoa học. Nếu có nói rằng, người của các cơ quan tình báo “tràn ngập” các hội nghị thì cũng không có gì là quá đáng.

Một cựu điệp viên CIA mang bí danh “Ishmael Jones” kể, ông ta từng tham dự một hội nghị ở Paris năm 2005, và đinh ninh rằng đây sẽ là cơ hội để săn đón các nhà khoa học về vũ khí của các quốc gia “thù địch”. Khi bước vào phòng hội nghị, Jones phát hiện có đến hai điệp viên CIA khác đang dự hội nghị với vai nhà khoa học. Jones cố tránh hướng nhìn của hai đồng nghiệp, đồng thời quan sát tìm những mục tiêu lý tưởng để “săn”.

Tháng 4.2016, một hội nghị thường niên mang tên Hội nghị quốc tế về hợp tác an ninh mạng được tổ chức tại Washington DC. Hội nghị bao gồm quan chức an ninh, tình báo của khoảng 40 quốc gia chính thức tham gia hội nghị. Không phải tất cả các điệp viên tham gia hội nghị đều công khai; có một số quốc gia không lộ diện nhưng vẫn tham dự. Trong số các quốc gia từ Brazil cho đến Mauritius, từ Serbia cho đến Sri Lanka đều cử người tham gia hội nghị một cách công khai, chỉ trừ Nga.

Nhưng có một người Nga lảng vảng ở hành lang hội trường. Một nhà báo phát hiện và tiếp cận, người này tự xưng họ tên là Alexander Belousov, làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Washington DC, đến hội nghị “chỉ để biết”. Nhưng khi sự có mặt của mình đã bị phát hiện, Belousov viện lý do đi khỏi đó.

Khi CIA muốn nghe ý kiến của Giáo sư John Booth, cơ quan này liền gọi điện cho ông để hỏi xem ông có muốn dự và phát biểu tham luận tại một hội nghị nào đó hay không. Nhưng cái tên “CIA” không bao giờ xuất hiện trên thư mời kèm chương trình hội nghị, thay vào đó là tên một công ty tư nhân đóng tại khu vực Washington với vai nhà tài trợ. Bằng cách che giấu vai trò của mình, CIA tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các học giả chia sẻ những kiến thức chuyên môn của mình.

Khi tham gia phát biểu ý kiến tham luận tại hội nghị, họ có được uy tín, và đó là một điểm cộng khi ghi vào bản lý lịch khi đến làm việc, nghiên cứu ở một quốc gia nào đó, nhưng bản lý lịch đó không được tiết lộ một sự thật rằng, họ đang làm việc cho CIA, vì nếu để lộ chân tướng này, họ có thể bị các học giả đồng nghiệp xa lánh, thậm chí bị các quốc gia nơi họ đến làm việc không chịu tiếp nhận.

CIA sắp xếp các hội nghị về các vấn đề đối ngoại sao cho các chuyên viên phân tích tình báo của mình có thể học hỏi nhiều điều từ các học giả có vốn kiến thức sâu rộng về những vấn đề bao quát hơn, rộng lớn hơn, và quen thuộc với những nguồn thông tin mở sẵn có trên các phương tiện truyền thông công cộng.

img

Harold Rosenbaum, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc của công ty, là cựu cố vấn khoa học và công nghệ cho CIA.

Các giáo sư tham gia hội nghị được trả 1.000 USD cho mỗi bài tham luận. Với phần trình bày tham luận chứa đựng nhiều kiến thức chuyên sâu, theo sau là phần tham vấn hỏi – đáp, hội nghị cũng giống như các cuộc hội thảo khoa học ở các trường đại học, chỉ trừ một điều là nhiều người tham dự - các chuyên viên phân tích của CIA – mang thẻ chỉ ghi tên chứ không ghi đầy đủ họ tên.

Trong số 10 cuộc hội nghị của CIA mà Giáo sư Booth dự từ năm 2015 trở về trước, chỉ có một hoặc hai hội nghị là do CIA và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) trực tiếp điều hành. Còn lại, CIA thuê một công ty có tên gọi là Centra Technology Inc tổ chức. Centra là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực môi giới ở Washington, thành lập vào năm 1997, chuyên điều hành các hội nghị cho CIA.

CIA cung cấp cho Centra nguồn tài chính và một danh sách những người cần mời dự hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Centra ở Arlington, bang Virginia.

“Đó là một bối cảnh lý tưởng để tổ chức các hội nghị, hội thảo, họp mặt, trò chơi và các hoạt động giao lưu, hợp tác” – website của Centra viết. Những người từng làm việc với Centra cho biết, Centra đã nhận kinh phí hơn 200 triệu USD từ Chính phủ Mỹ, trong đó 40 triệu USD từ CIA để thực hiện các dịch vụ như tập hợp và biên soạn lại các điện tín và tài liệu mật phục vụ cho Ủy ban Tình báo Thượng viện nghiên cứu về chương trình tra tấn của CIA.

Năm 2015, bộ sậu quản lý, lãnh đạo công ty Centra là những người cũ của các cơ quan tình báo chuyển sang thân thiện với cơ quan tình báo này. Harold Rosenbaum, nhà sáng lập và Tổng giám đốc của công ty, là cựu cố vấn khoa học và công nghệ cho CIA; Rick Bogusky, Phó chủ tịch cao cấp của công ty, từng là Trưởng bộ phận Triều Tiên của Cơ quan Tình báo quân đội (DIA); James Harris, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu từng quản lý các chương trình phân tích của CIA trong 22 năm; Peggy Lyons, Giám đốc thị trường toàn cầu, từng là một quản lý lâu năm và từng là điệp viên ở Đông Á; David Kanin, Giám đốc phân tích, từng 31 năm làm phân tích viên cho CIA. Centra luôn nỗ lực che đậy mối quan hệ với CIA, vì thế kể từ năm 2015 tiểu sử của các lãnh đạo vừa nêu không được đưa lên website của công ty.

Đường ray ngầm

Đối với các nhà khoa học Iran muốn đào tẩu sang phương Tây, thì các hội nghị, hội thảo được ví như một “đường ray ngầm”. Và CIA đã tận dụng tối đa điểm yếu này của Iran. Bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush, Chính phủ Mỹ có vô khối tiền để chi cho hoạt động bí mật này nhằm làm chậm lại tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Một trong những chương trình dài hơi của Chính phủ Mỹ chính là Chiến dịch Chảy máu chất xám (Operation Brain Drain) của CIA nhằm “bốc” các nhà khoa học Iran ra khỏi đất nước.

img

Công ty Centra Technology Inc là đơn vị hàng đầu giúp CIA dàn dựng các hội nghị, hội thảo trá hình.

Vì tiếp cận các nhà khoa học ngay trên đất Iran là rất khó, nên CIA đã dụ dỗ họ đến các hội nghị được tổ chức ở những quốc gia trung lập hoặc thân thiện với Iran. Sau khi tham vấn ý kiến với tình báo Israel, CIA sẽ chọn một “dự án” để thực hiện.

Khi đó, cơ quan này dựng nên một hội nghị tại địa điểm là một học viện, hay cơ sở nghiên cứu có uy tín thông qua một đầu mối, thường là một doanh nhân sở hữu một công ty công nghệ, hoặc nếu không thì CIA tạo ra một công ty bình phong cho ông ta nhằm tạo vỏ bọc hợp lệ, hợp pháp cho hoạt động tình báo.

Hội nghị tập trung vào một khía cạnh ứng dụng dân sự của vật lý hạt nhân, đồng thời phù hợp với mối quan tâm nghiên cứu của nhà khoa học mục tiêu. Các nhà khoa học Iran thường có chân trong một trường đại học trong nước. Vì thế khi họ đi dự hội nghị ở nước ngoài, thường có một đội ngũ đi theo để “bảo vệ” họ, đồng thời để cập nhật những thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật mới và tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ tân tiến.

Sĩ quan CIA được giao nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu phải đóng giả là sinh viên nghiên cứu khoa học, một nhà tư vấn kỹ thuật hoặc có khi chỉ là một nhân viên trông coi gian triển lãm. Việc đầu tiên là anh ta phải “bóc tách” đội ngũ “bảo vệ” khỏi nhà khoa học (chẳng hạn như đầu bếp hội nghị do CIA cài người sẽ đầu độc cho những người Iran này tạm thời phải rời xa nhà khoa học do bị tiêu chảy, ói mửa...).

Nếu may mắn, điệp viên CIA này có thể tiếp cận riêng với một mình nhà khoa học trong vài phút, như thế là quá đủ để tạo dựng mối quan hệ với nhà khoa học. Ngay cả sau khi nhà khoa học chấp nhận đào tẩu rồi, họ cũng có thể suy nghĩ lại và quay trở về nước. Vì vậy, CIA đã thiết kế những phương án làm sao để giữ chân nhà khoa học để họ không thể bỏ đi, như tạo điều kiện cho họ lấy bằng cấp tiến sĩ ở một trường đại học uy tín ở Mỹ,...

Sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 được ký kết vào năm 2015, việc dụ dỗ, tuyển mộ các nhà khoa học Iran không còn cấp bách nữa. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định xé bỏ thỏa thuận đó, thì khả năng cao là Iran sẽ quay trở lại với chương trình nghiên cứu hạt nhân. Và như thế thì CIA sẽ lại phải bận rộn với những chương trình hội nghị, hội thảo trá hình để tiếp tục lôi kéo, dụ dỗ các nhà khoa học hạt nhân của Iran.